Phát triển mô hình HTX kiểu mới: Cần phá bỏ “rào cản” nhận thức

08:57, 06/03/2012

Luật Hợp tác xã năm 1996 được ban hành đã đánh dấu sự ra đời của mô hình hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, sau 16 năm phát triển, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mô hình này.

Luật Hợp tác xã (HTX) năm 1996 được ban hành đã đánh dấu sự ra đời của mô hình HTX kiểu mới, với nhiều điểm khác biệt so với mô hình HTX trong thời kỳ bao cấp, từ quan hệ sở hữu; quy mô, phạm vi hoạt động đến phân phối lợi ích. Tuy nhiên, sau 16 năm phát triển, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mô hình này.

 

Sự ra đời của Luật HTX đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các HTX trên địa bàn tỉnh ta tiếp tục đổi mới và phát triển. Một số HTX đã chủ động vươn lên, thích ứng với nền kinh tế thị trường, mở rộng cả về quy mô, phạm vi và các lĩnh vực hoạt động như: Dịch vụ môi trường, xây dựng, vận tải, cơ khí… Tuy nhiên, hiện các HTX vẫn đang gặp nhiều khó khăn so với thành phần kinh tế khác. Số tài sản, vốn, quỹ thấp, trung bình trên 340 triệu đồng/HTX nông nghiệp và 1,9 tỷ đồng/HTX phi nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 74/311 HTX không hoạt động, chiếm gần 24%, trong đó có 38 HTX nông nghiệp, 36 HTX phi nông nghiệp. Tỷ lệ HTX xếp loại yếu chiếm gần 50%; 37,5% HTX xếp loại trung bình; chỉ có 12,5% HTX xếp loại khá giỏi. Năm 2011, toàn tỉnh có 29 HTX được thành lập mới, nhưng có tới 37 HTX phải giải thể…

 

Trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, chúng tôi được biết, bên cạnh những nguyên nhân như: Cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX còn ít, chậm được ban hành; năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu thì nhận thức của cán bộ, xã viên HTX và chính quyền nhiều địa phương về mô hình HTX kiểu mới còn hạn chế là vấn đề đáng lưu tâm. Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Hiện nay, còn một bộ phận cán bộ, xã viên và người dân chưa hiểu đúng, đầy đủ về bản chất, nguyên tắc của HTX kiểu mới, nhất là ở những địa bàn HTX kiểu mới hoạt động kém hiệu quả.

 

Thậm chí có người còn định kiến, cho rằng mô hình này không khác gì so với các HTX trong thời kỳ bao cấp. Cách hiểu này chưa đúng, bởi mô hình HTX kiểu mới được xây dựng từ kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới; là tổ chức kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các xã viên (cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân) hoàn toàn tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra, cùng nhau sản xuất, kinh doanh, đáp ứng trước hết nhu cầu của chính xã viên. Đặc biệt, mô hình này vẫn duy trì sản xuất cá thể, tư nhân. Đây là điểm hoàn toàn khác so với HTX trong thời kỳ bao cấp, được hình thành từ việc xóa bỏ sản xuất cá thể, tư nhân, tổ chức sản xuất tập trung, theo kế hoạch của nhà nước. Cũng vì cách hiểu sai lệch trên mà nhiều người có tâm lý e ngại khi tham gia HTX hoặc phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình này.

 

Ngoài ra, do nhận thức chưa đầy đủ nên chính quyền một số địa phương cho rằng HTX là tổ chức cấp dưới, trực thuộc, thường can thiệp sâu vào việc sắp xếp bộ máy, tổ chức, hoạt động của những HTX này. Đặc biệt, một số xã, huyện còn ra quyết định công nhận thành lập và phê duyệt tên gọi, thành viên Ban Chủ nhiệm, Ban Kiểm soát của HTX. Trong khi công việc này phải là do xã viên quyết định tại Hội nghị thành lập HTX hoặc Đại hội xã viên được tổ chức mỗi năm một lần. Điều đó không chỉ vi phạm nguyên tắc, làm mất đi tính tự chủ của HTX mà còn ảnh hưởng tới sự năng động trong quản lý, điều hành của Ban Chủ nhiệm. Đây cũng là thực tế được chúng tôi ghi nhận tại nhiều HTX, trong đó có HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Đám, xã Đồng Liên (Phú Bình), được thành lập từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Năm 2003, HTX đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, có con dấu, trụ sở giao dịch và đăng ký kinh doanh.

 

Nói về tổ chức, hoạt động của HTX, ông Hoàng Văn Tường, Chủ nhiệm HTX cho biết: HTX đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã mà trực tiếp là Chi bộ xóm Xuân Đám. Hàng năm, Chi bộ đều có nghị quyết lãnh đạo hoạt động của HTX. Được biết, ông Tường cũng đang là Bí thư Chi bộ; một số thành viên trong Ban Chủ nhiệm, Ban Kiểm soát cũng nằm trong Chi ủy và Chi bộ. Với nhận thức chưa đúng về tổ chức, hoạt động của HTX, cùng sự chồng chéo giữa tổ chức Đảng với HTX nên từ khi chuyển đổi đến nay, vai trò làm chủ của xã viên chưa được phát huy, hoạt động của HTX không thực sự hiệu quả, cho đến bây giờ HTX chỉ tổ chức được một dịch vụ duy nhất là dịch vụ vật tư nông nghiệp mỗi khi vào vụ sản xuất, phục vụ 168 hộ xã viên. Vốn, quỹ của HTX cũng không nhiều, chỉ có hơn 50 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình ở các HTX nông nghiệp khác…

 

Chia sẻ thực tế trên, bà Hoàng Thị Hà, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và PTNT (Chi cục PTNT tỉnh) cho biết: Do nhận thức chưa đúng nên vai trò của các HTX ở nhiều địa phương thường bị xem nhẹ. Tình trạng cán bộ HTX có năng lực thường được cấp ủy, chính quyền quy hoạch hoặc chuyển công tác khác diễn ra ở nhiều nơi, làm cho đội ngũ cán bộ HTX luôn không ổn định, vừa thiếu lại vừa yếu. Trong khi đó, mức lương của cán bộ HTX rất thấp, trên 1,5 triệu đồng/người với HTX phi nông nghiệp, và trên 550 nghìn đồng/người với HTX nông nghiệp nên những người có năng lực không gắn bó với HTX. Bên cạnh đó, tình trạng xã viên tham gia theo kiểu “đánh trống, ghi tên”, chưa thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình vẫn diễn ra. Điều đó tạo thành cái vòng luẩn quẩn, khiến các HTX khó thoát khỏi những yếu kém hiện nay. Đây cũng là thực tế diễn ra tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đầm Mương, xã Minh Đức (Phổ Yên), thành lập năm 2003, với 78 xã viên.Từ nhiều năm nay, HTX này đã gần như không hoạt động, do các dịch vụ như: vật tư nông nghiệp, thủy lợi và dự án chăn nuôi bò sữa được HTX triển khai đều thất bại. Ông Hoàng Xuân Lương, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: Vào thời điểm thành lập, chính quyền địa phương cùng với các sáng lập viên đã vận động các hộ gia đình trong 4 xóm (xóm 12, 13, 14, 15) đồng loạt đăng ký tham gia HTX. Do số tiền vốn góp quá thấp (40 nghìn đồng/xã viên) nên sự ràng buộc với xã viên không cao, một số dịch vụ triển khai kém hiệu quả, không cạnh tranh được với khu vực tư nhân nên chuyện thua lỗ, thất bại của HTX là tất yếu. Hiện, vốn quỹ của HTX đã hết, rất khó để vận động xã viên tiếp tục góp vốn.

 

Như vậy, những hạn chế xuất phát từ nhận thức đã và đang trở thành “rào cản” phát triển và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn, cần sớm được khắc phục, nhất là khi xây dựng các HTX là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, các đơn vị, địa phương cần quan tâm, củng cố các HTX đang hoạt động để người dân thấy được tính hiệu quả, ưu việt của mô hình này trên thực tế (đặc biệt là việc hỗ trợ kinh tế hộ thông qua các dịch vụ giá rẻ) và chủ động tham gia. Trong quá trình này, phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc hoạt động của HTX, đó là “tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi”, nhằm phát huy vai trò làm chủ của xã viên. Cùng với đó, các địa phương cũng cần khắc phục tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khép kín còn khá phổ biến hiện nay, tạo ra nhu cầu liên kết, hợp tác giữa các cá thể, giúp phá bỏ hoàn toàn “rào cản” trong nhận thức của người dân về HTX kiểu mới…