Trong điều kiện kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn hiện nay, vấn đề tái cấu trúc đang đặt ra nhiều đòi hỏi đối với các DN, nhất là DN vừa và nhỏ (VVN). Ở tỉnh ta, các DN VVN đã có những bước đi đầu tiên thực hiện quá trình này.
DN VVN là cơ sở sản xuất, kinh doanh có số vốn tối đa không quá 100 tỷ đồng hoặc dưới 300 lao động tùy theo từng lĩnh vực hoạt động, được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30-6-2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN VVN. Theo tiêu chí trên, tỉnh ta hiện có hơn 90% trong tổng số 3,3 nghìn DN đang hoạt động là DN VVN.
Những năm qua, nhiều DN VVN đã không ngừng vươn lên, mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2011, chỉ tính riêng 157 hội viên của Hội DN VVN tỉnh đã đạt doanh thu gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5 nghìn tỷ so với năm 2010; nộp ngân sách Nhà nước 400 tỷ đồng, chiếm gần 12% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, các DN VVN đã chịu nhiều tác động do lạm phát, lãi suất tăng cao, đầu ra bị thu hẹp, trong khi năng lực tài chính, quản trị còn nhiều hạn chế. Đã có không ít DN hoạt động không hiệu quả, phải tuyên bố phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Theo số liệu của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2011, toàn tỉnh có 37 DN tuyên bố phá sản và giải thể. Nhưng đây mới chỉ là một phần thực tế, bởi ngay trong tháng đầu tiên triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-BKHĐT ngày 3-1-2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát danh sách DN, Phòng Đăng ký kinh doanh phát hiện hơn 100 DN đã ngừng hoạt động, bỏ địa điểm kinh doanh mà không khai báo với nơi đăng ký…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, một số DN VVN đã tiến hành chuyển đổi, tái cấu trúc để tiếp tục phát triển, trong đó có Công ty cổ phần Vật liệu luyện kim Lửa Việt, thuộc Khu công nghiệp Sông Công I (T.X Sông Công), có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Tháng 10-2011 vừa qua, Công ty này đã tiến hành liên doanh với Công ty hữu hạn mậu dịch Quốc tế TDD (Trung Quốc) để thành lập Công ty TNHH Liên doanh Lửa Việt, có số vốn góp 105 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Công ty cổ phần Vật liệu luyện kim Lửa Việt là toàn bộ tài sản hiện có, chiếm 60%; phía đối tác góp 40% còn lại, gồm máy móc thiết bị và tiền mặt, đầu tư kỹ thuật, quản lý, tìm thị trường nước ngoài.
Ông Trần Bá Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trước những khó khăn do giá nguyên, vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường thu hẹp, Công ty cổ phần Vật liệu luyện kim Lửa Việt đã quyết định tìm đối tác nước ngoài để liên doanh. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho DN như: Có thêm nguồn vốn đầu tư, tiếp thu được công nghệ hiện đại, mở rộng thị trường ngoài nước. Ngoài ra, mô hình quản lý của Công ty cũng có những thay đổi, từ công ty cổ phần sang công ty TNHH; có sự tham gia của đại diện nước ngoài trong Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các phòng cũng được xây dựng phù hợp hơn. Sau thời gian lắp đặt, đầu tháng 3-2012, liên doanh đã bắt đầu sản xuất những sản phẩm vật liệu chịu lửa đầu tiên từ công nghệ và mô hình quản lý mới, hiệu quả kinh tế đang dần được khẳng định.
Tuy nhiên, theo bà Bế Thị Biên, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì hoạt động tái cấu trúc DN VVN trên địa bàn thời gian qua chưa sôi động. Việc liên doanh, góp vốn, mua bán, sáp nhập, chuyển quyền sở hữu, chuyển đổi mô hình hoạt động của các DN chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có chung quan điểm với bà Biên, ông Phạm Xuân Quang, Chủ tịch Hội DN T.P Thái Nguyên cho biết: Hầu hết các DN vẫn đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ thị trường. Hoạt động tái cấu trúc ở các DN VVN mới chỉ dừng lại ở việc rút gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động. Thêm vào đó, không ít DN VVN vẫn kinh doanh theo kiểu “chộp giật”, chạy theo một vài hợp đồng, dự án để thu được lợi nhuận trước mắt mà chưa chuyển đổi theo chiến lược dài hạn. Trong khi, hoạch định chiến lược là việc làm rất quan trọng, nhằm xác định phương hướng, phạm vi hoạt động của DN gắn với thị trường mục tiêu và khách hàng tiềm năng cũng như phương thức để củng cố vị thế DN trong dài hạn từ những nguồn lực hiện có. Việc làm này được tiến hành từ khi bắt đầu khởi sự DN, nhưng vào thời điểm kinh tế khó khăn, cạnh tranh ngày càng quyết liệt như hiện nay, đòi hỏi các DN phải có một chiến lược phù hợp mới có thể phát triển bền vững được.
Vai trò hoạch định chiến lược quan trọng như vậy nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì hoạt động hoạch định chiến lược chưa được các DN VVN quan tâm, thực hiện. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chủ DN VVN chưa nhận thức đúng vai trò của chiến lược, năng lực hoạch định trong dài hạn còn hạn chế; trong khi ở các DN VVN, người chủ thường là người điều hành trực tiếp, do đó thời gian của họ chủ yếu được dành để quản lý DN hàng ngày nên không còn thời gian để quan tâm tới hoạch định… Đây là thực tế được chúng tôi ghi nhận tại nhiều DN VVN, trong đó có Công ty TNHH Thọ Đạt, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). DN có 1,9 tỷ đồng vốn điều lệ, chuyên kinh doanh các mặt hàng sơn và vật liệu xây dựng. Bà P.T.O, một trong hai thành viên của Công ty cho biết: Bên cạnh lãi suất tăng cao thì việc nhà sản xuất nâng giá sản phẩm đã khiến cho hoạt động kinh doanh của Công ty càng thêm khó khăn. Khi được hỏi về chiến lược kinh doanh của Công ty, thì bà O cho biết: “Chỉ kinh doanh quy mô nhỏ nên chúng tôi không nghĩ tới việc phải có một chiến lược để phát triển. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang làm các thủ tục để tuyên bố giải thể do hoạt động không hiệu quả”.
Thời điểm này, tuy kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực như: Lãi suất ngân hàng giảm 1%, tỷ giá ổn định, lạm phát đang tiếp tục giảm, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện… Do đó, ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DN VVN tỉnh cho rằng, các DN VVN trên địa bàn cần sớm thực hiện tái cấu trúc, bắt đầu bằng việc hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với điều kiện hiện có, lấy các lĩnh vực truyền thống làm nòng cốt, từ đó lựa chọn mô hình bộ máy, lĩnh vực đầu tư, ứng dụng công nghệ phù hợp để DN tiếp tục phát triển. Cùng với đó, các DN VVN cần tăng cường thông tin, kết nối với nhau thông qua các tổ chức hội, hiệp hội DN; đồng thời chủ động tham vấn các tổ chức tư vấn chiến lược trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh của mình, để tái cấu trúc thành công.