Trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí giao thông được cho là khó thực hiện nhất. Nhìn vào thực trạng mạng lưới giao thông ở 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh sẽ thấy những khó khăn trong thực hiện tiêu chí này...
Chúng tôi tìm về xã Phấn Mễ, một trong những xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí giao thông. Tháng 3, trời lúc mưa, lúc nắng, con đường vào xã Phấn Mễ nhầy nhụa bùn đất. Đi trên con đường lầy lội, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của những người dân nơi miền quê này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí Thư Đảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã cho biết: Trong 19 tiêu chí, giao thông là khó thực hiện nhất. Hiện nay, xã có 11 tuyến đường 37,5 km thì chỉ bê tông được trên 2,3km, rải cấp phối được 8 km, còn lại hoàn toàn là đường đất. Kể cả trục đường chính của xã dài 11km đến nay vẫn chưa được đầu tư. Còn việc xây dựng các tuyến đường giao thông liên xóm, hộ, chúng tôi cũng đã có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến đất đai, quyền lợi của người dân...
Ngoài Phấn Mễ, Tức Tranh (Phú Lương) cũng là xã còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa. Tức Tranh hiện có 17 tuyến đường xã với tổng chiều dài 46,2km thì mới chỉ bê tông được 7,5km, 38,7km còn lại vẫn là đường đất. Tương tự, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) có 11 tuyến đường, tổng chiều dài là 22,5km, cũng chưa có tuyến nào được bê tông. Xã Phú Thượng (Võ Nhai) cũng chỉ bê tông được 1,1km/21,4km đường giao thông nông thôn.
Những địa phương chúng tôi vừa nêu trên chỉ là 4 trong 35 xã điểm về xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông. Ngay cả xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), địa phương được đánh giá là có phong trào làm đường giao thông nông thôn mạnh nhất tỉnh cũng đang gặp những khó khăn riêng. Xã có 16 tuyến đường xã, với chiều dài 59,3km thì đến nay đã bê tông hóa 100%. Tuy nhiên, bề mặt các tuyến đường này chỉ rộng 2-3m, nhiều nơi không có lề đường, rãnh thoát nước. Trong khi theo Quyết định số 315, ngày 23-2-2011 về việc Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Bộ Giao thông - Vận tải, bề mặt nền tuyến đường xã phải rộng từ 4-5m (bao gồm cả lề đường, rãnh thoát nước…), trong đó bề rộng mặt từ 2,5-3,5m.
Ông Lê Văn Vịnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Hiện tại, 35 xã này có gần 680km đường xã, trong đó còn 380km đường đất. Kinh phí để cứng hóa toàn bộ số đường đất này lên tới 760 tỷ đồng (thời điểm hiện tại, suất đầu tư cứng hóa 1km đường bê tông khoảng 2 tỷ đồng). 300 km đường còn lại đã bê tông hoặc rải cấp phối, đá dăm nhưng hầu hết chỉ là cứng hóa mặt chứ chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Như vậy, kinh phí để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông ở 35 xã điểm là rất lớn. Trong khi việc huy động đối ứng trong nhân dân không mấy dễ dàng vì hiện tại, thu nhập bình quân đâu người ở các xã điểm chỉ đạt khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa, ngoài thực hiện tiêu chí giao thông, người dân còn phải đối ứng để thực hiện các tiêu chí quan trọng khác như xây dựng nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi…
Một khó khăn nữa là, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các xã điểm là phấn đấu hoàn thành Bộ Tiêu chí vào năm 2015. Do vậy, thời gian qua, tiêu chí về giao thông đã được các xã điểm ưu tiên triển khai sớm, nhưng xem ra việc hoàn thành tiêu chí này sẽ khó có thể sớm. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Phấn Mễ: Bên cạnh những khó khăn vướng mắc sẽ gặp phải có thể nhìn thấy trước như khối lượng công trình giao thông phải thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn Nhà nước cấp có hạn, nguồn vốn vận động trong dân sẽ không dễ thực hiện thì việc phải hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn về giao thông theo Bộ tiêu chí đúng thời hạn cũng đang tạo áp lực lớn cho địa phương.
Theo chúng tôi, hoàn thành tiêu chí về giao thông tuy khó nhưng không có nghĩa tỉnh ta không thực hiện được. Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nhưng nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới giao thông lớn, khi triển khai thực hiện liên quan đến quyền lợi người dân, các địa phương cần có lộ trình đầu tư cụ thể. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó sẽ quyết định đến việc hoàn thành tiêu chí cũng như mục tiêu đề ra của tỉnh ta là đến năm 2020, phát triển đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã hoặc cụm xã đảm bảo thông suốt quanh năm. Tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa đạt 60 - 80%, đạt chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải.