Xẻ núi làm đường về bản

08:47, 14/03/2012

Mặc dù đường mới mở, nhưng đèo dốc khó đi lắm, nhất là trời mưa thì trơn trượt “vồ ếch” là chuyện thường. Đồng chí Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh (Phú Lương) nói như vậy khi chúng tôi ngỏ ý muốn được lên rừng Khe Nhe thuộc xóm Suối Bốc. Nghe vậy nhưng do đã chuẩn bị tâm lý từ trước nên tôi và đồng nghiệp vẫn  quyết định lên đường bằng 2 chiếc xe máy để đến rừng Khe Nhe - nơi 12 hộ đồng bào dân tộc Dao đang sinh sống.

Tìm nơi đất lành

 

Thật may, hôm chúng tôi đến trời không có mưa, đường vào Khe Nhe lượn vòng qua các dãy núi, dốc cao dựng đứng, hai bên đường đi là rừng xanh ngút ngàn, dưới chân các ngọn núi thấp thoáng bóng dáng những nông dân đang sản xuất thửa ruộng bám vòng theo núi. Vừa đi, đồng chí Chủ tịch UBND xã vừa giới thiệu với chúng tôi: Người đầu tiên lên đây lập lán là ông Trúc Văn Tạo. Vào năm 1976, trong một lần đi vào rừng, ông Tạo đã phát hiện ra vùng núi non này có tiềm năng phát triển kinh tế rừng nên đưa vợ, con vào đây sinh sống. Đến năm 1984, gần 20 hộ dân xóm Suối Bốc đã theo ông vào đây khai hoang trồng rừng, san ruộng cấy lúa, nhưng rồi cuộc sống nơi rừng rú hết sức khó khăn, vất vả đã khiến 8 hộ bỏ rừng mà quay ra, chỉ còn lại 12 hộ dân quyết bám vào rừng sự cần mẫn lao động của 12 hộ dân đã biến thung lùng này thành nơi trù phú.

 

Gần 1 giờ đồng hồ vừa đi vừa chuyện, chúng tôi đã đến được khu tập trung đông các hộ dân sinh sống nhất ở rừng Khe Nhe được bao quanh bởi các dãy núi. Ông Đặng Phúc Thắng, Phó xóm Suối Bốc cho biết: Khi mới vào đây toàn là rừng giang, rừng nứa, chúng tôi đã phải cuốc những khe núi làm ruộng, rồi lấy cây nứa làm đường ống dẫn nước từ khe suối để cấy lúa lấy lương thực ăn. Được cái, đất đai ở đây màu mỡ lắm, lúa cấy xuống là cứ tốt bời. Đến nay, tổng diện tích ruộng ở đây là 60 sào, mỗi năm cấy 2 vụ lúa là có dư thóc ăn. Ngoài ra, mỗi hộ lại chăn nuôi thêm để tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh làm ruộng cấy lúa, bà con còn tích cực trồng rừng, toàn bộ rừng nứa xưa kia được bà con phát sạch và trồng keo theo Dự án 661. Đến nay, diện tích rừng trồng đã lên đến gần 200ha keo.

 

Đúng là rừng đã chẳng phụ lòng người, 12 hộ dân kiên trì bám trụ gắn bó với rừng đã dần ổn định cuộc sống, và tương lai sẽ giàu có bởi những khu rừng với giá trị kinh tế lên tới tiền tỷ.

 

Xẻ núi làm đường

 

Để có được thành quả như ngày hôm nay thật không đơn giản, những người dân vùng rừng Khe Nhe đã trải qua biết bao gian nan, khổ cực, và điều khổ cực nhất chính là đường đi khó khăn. Ông Đặng Phúc Ngân kể: Trước đây, trong này không có đường vào, chúng tôi đi lại phải lần theo các khe núi, cứ ra khỏi nhà là phải mang theo con dao quắm để phát cây lấy đường đi, phương tiện để đi lại ở đây chỉ có thể là đôi chân thôi, không có xe nào mà đi được. Cực nhất là trẻ con đi học phải vượt rừng gần chục km ra tận trung tâm xã mới có lớp, có thầy. Vất quá, bà con hô nhau cuốc đất mở đường, mỗi năm 2 lần các hộ dân lại dành từ 10-15 ngày tập trung người, cuốc, xẻng để mở đường, dần dần con đường đã được hình thành men theo các sườn núi, nhưng đường nhỏ chỉ có thể đi lại bằng xe máy, trời nắng còn đi được chứ mưa thì trơn lắm không thể leo dốc được.

 

Có được con đường đi lại dễ dàng là ước mơ lớn nhất của các hộ dân ở đây, nhất là hiện nay khi số cây trên rừng đã bắt đầu cho thu tỉa cần chuyển gỗ ra chế biến. Mong ước có một con đường luôn âm ỉ trong mỗi người dân vùng rừng Khe Nhe, nên đến tháng 6-2011, khi xóm tổ chức họp triển khai việc làm đường, bà con thi nhau góp tiền, góp sức mở đường. Ông Thắng cho biết: Con đường từ khu trung tâm của cụm dân chúng tôi sinh sống ra đến trung tâm xã là gần 10km, trong đó có 5km đường rừng. Sau khi họp bàn các hộ dân đã thống nhất thuê máy xúc mở đường, trong cuộc họp đầu tiên, đã có 100% số hộ hưởng ứng, thế là con đường con đường nhanh chóng được thi công ngay sau đó. Với tổng kinh phí trên 90 triệu đồng, mỗi hộ dân ở đây phải đóng góp 5 triệu đồng, phần còn lại do các hộ phía ngoài đóng góp thêm. Quá trình thi công con đường này cũng nan giải lắm, dốc cao, thỉnh thoảng có những chỗ đá cứng phải khoan hoặc dung mìn phá đá, nhưng người dân vẫn hăng hái quyết tâm hoàn thành con đường trong thời gian sớm nhất. 3 tháng sau con đường đã hoàn thành với chiều rộng khoảng 3m, những khúc cua rộng khoảng 5m. Còn nhớ, hôm khánh thành đường, bà con ở Khe Nhe vui hơn cả đón Tết, chúng tôi mổ lợn ăn mừng, mời cả chính quyền địa phương và bà con xóm Suối Bốc vào chung vui. Giờ đường mới đã dễ đi hơn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cho máy mở rộng thêm những đoạn còn hẹp.

 

Nghe xong câu chuyện về đồng bào Dao xóm Suối Bốc làm đường vào Khe Nhe, chúng tôi “phục lăn” và khi ra về xuôi hết con dốc cuối cùng của hành trình, đứng dưới chân núi quay đầu nhìn lại cung đường vừa đi qua giống như một “dải lụa hồng” uốn lượn vắt ngang những dãy núi xanh thẳm, đồng chí Chủ tịch UBND xã cười bảo: “Đường lên trời đấy!”. Nghe xong, cả đoàn cười phá, đường về thênh thang niềm vui, vui lây với bà con đồng bào Dao nơi núi rừng Khe Nhe.