Nhân rộng các mô hình điểm trong nông nghiệp: Hiệu quả nhưng… khó nhân rộng

10:06, 05/04/2012

Trên 10 tỷ đồng là số tiền trung bình mỗi năm các cấp, ngành, đơn vị “rót” vào các đề tài, dự án, mô hình điểm trong ngành nông nghiệp trong vòng 6 năm qua. Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị hàng nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, khi nhân ra diện rộng, những mô hình ấy lại ít nhận được sự hưởng ứng của người dân, thậm chí nhiều mô hình còn rơi vào tình trạng “chết yểu”, gây lãng phí tiền của Nhà nước…    

Những mô hình được nông dân trông chờ

 

Thành công nhất phải kể đến là các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất giống ngô, giống lúa ở các huyện Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình. Từ chỗ không chủ động được nguồn giống, đến năm 2011, các vùng sản xuất lúa giống nguyên chủng ở tỉnh ta đã đáp ứng trên 40% nhu cầu giống lúa thuần cho sản xuất trên địa bàn. Cùng với đó, một loạt các giống lúa đặc sản của địa phương như Nếp Hoa vàng, Nếp Thầu dầu, Nếp Vải, Bao thai Định Hóa cũng được phục tráng và nhân rộng.

 

Nói về giống lúa Nếp Vải, ông Nguyễn Văn Hinh, xóm Khuôn Rây, xã Phủ Lý (Phú Lương) nhận xét: “Đây là giống lúa nếp địa phương có hương thơm, vị ngậy, đậm, dẻo, nhưng đã bị mai một. Năm 2009, huyện đã thực hiện mô hình điểm để phục tráng giống lúa này và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ vụ mùa năm 2010 đến nay, gia đình tôi đã chuyển đổi 7-8 sào lúa Khang Dân sang cấy lúa Nếp Vải, trung bình thu nhập khoảng 2 triệu đồng/sào, cao hơn 1 triệu đồng/sào so với giống Khang dân”.

 

Không thua kém về khả năng nhân rộng, mô hình trồng dưa hấu tại huyện Đại Từ đã bước đầu hình thành tiểu vùng sản xuất mang tính hàng hóa cao. Từ 4ha ban đầu, hiện bà con nhân dân trong huyện đã nhân rộng vùng sản xuất dưa hấu chuyên canh với diện tích trên 50ha tại các xã Bản Ngoại, Tiên Hội, Hoàng Nông, Phú Xuyên.

 

Anh Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Cây dưa hấu cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác từ 4-5 lần. Nhưng điều khiến tôi tâm đắc nhất là bà con ở đây đã thay đổi tư duy, từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Nếu như trước đây, toàn bộ vùng chuyên canh này, khi bước vào vụ gieo trồng mới thì mỗi nhà trồng một loại cây, với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá trị không cao. Nhưng với cách làm theo hướng công nghiệp hóa, địa phương chúng tôi sẽ trở thành tiểu vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao”.

 

Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Thời gian qua cũng có nhiều mô hình trồng chè giống mới như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Keo Am Tích được triển khai tại huyện Đại Từ nhằm tạo vùng nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng chè xanh cao cấp, đặc biệt là loại chè Ô long. Tỉnh ta còn xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn ViêtGap (quy phạm thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp của Việt Nam) tại huyện Phổ Yên; mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè đặc sản Tân Cương (T.P Thái Nguyên)…

 

Bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên: “Sở dĩ các mô hình điểm khi nhân ra diện rộng gặp khó khăn là do tính thuyết phục của các mô hình chưa cao. Một số sản phẩm của mô hình rất tốt nhưng công nghệ bảo quản, chế biến chưa hoàn thiện nên khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa”...

Trong chăn nuôi, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) có hiệu quả nhất phải kể đến các mô hình: cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu ở Phổ Yên; nuôi nhím ở Võ Nhai, nuôi ong tại Định Hóa, nuôi lợn hướng nạc… Qua đó giúp các hộ dân tiếp cận với mô hình chăn nuôi mới, tận dụng những phụ phẩm của nông nghiệp và vườn rừng cho hiệu quả kinh tế cao, nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi.

 

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc triển khai các mô hình điểm đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng suất, chất lượng cây, con giống, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của bà con nông dân. Nếu như năm 2006, tổng sản phẩm GDP của ngành đạt  khoảng 1 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt đạt 30 triệu đồng thì đến hết năm 2011, tổng sản phẩm GDP của ngành tăng lên trên 2.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 68 triệu đồng… Điều đáng mừng là các mô hình luôn được nông dân mong chờ.

 

Nhưng vẫn khó nhân rộng

 

Hiệu quả thì đã rõ, nhưng khi các mô hình được triển khai nhân rộng thì các hộ nông dân lại... ít hưởng ứng. Qua khảo sát tại huyện Phổ Yên, chúng tôi nhận thấy trong thời điểm thực hiện mô hình, người nông dân được Nhà nước hỗ trợ khá lớn về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc các loại cây, con.

 

Thường thì các mô hình được hỗ trợ từ 60% đến 100% giá giống, từ 20% đến 40% giá vật tư phân bón các loại. Chính vì được hỗ trợ về nhiều mặt trong một thời gian nhất định nên các mô hình đạt kết quả cao. Nhưng khi triển khai nhân rộng thì người dân chỉ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, thông tin tuyên truyền (mà không được ở điều kiện tốt nữa) nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi không bằng khi làm điểm, do đó người dân không còn mặn mà..

 

Đại Từ cũng là huyện thực hiện khá nhiều mô hình, dự án nông nghiệp trong những năm qua. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, được biết chỉ có khoảng 30% số mô hình là được triển khai nhân rộng, còn 70% dừng lại ở mức độ mô hình. Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cho biết: Việc nhân rộng các mô hình là không dễ, đòi hỏi vốn đầu tư lớn và tính công nghệ cao. Trong khi các mô hình triển khai còn manh mún, dàn trải, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa. Về thông tin thị trường cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm nên khi mỗi mô hình kết thúc, nông dân thường gặp khó khăn khi mua giống về sản xuất và bán sản phẩm.

 

Đơn cử như mô hình trồng rau an toàn được thực hiện từ đầu năm 2006 tại xã Hùng Sơn với quy mô 5ha, người dân được hỗ trợ một phần để làm nhà lưới, tập huấn KHKT. Sau 6 năm triển khai, đến nay mô hình “co lại” chỉ còn 2ha. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không có thị trường tiêu thụ, sản phẩm rau an toàn bán ra cũng giống như các loại rau thông thường. Như vậy thấy rõ nghịch lí: người tiêu dùng có nhu cầu lớn về rau an toàn nhưng không được đáp ứng; còn người trồng rau an toàn thì không thể sống được với chính sản phẩm của mình. Do đó, người tham gia mô hình còn nản chứ nói gì đến việc nhân rộng. Định hướng phát triển vùng rau an toàn của huyện Đại Từ trong những năm tới vẫn còn là bài toán nan giải...

 

Qua thực tế, có thể khẳng định, việc thực hiện các mô hình điểm trong nông nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều mô hình chưa thực sự là “cầu nối” chuyển giao KHKT cho bà con nông dân để góp phần tạo sự tăng trưởng vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình trình diễn chỉ chú trọng đến “đầu vào” mà chưa chú ý đến “đầu ra”, quy mô nhỏ lẻ, bởi vậy hiệu quả kinh tế mang lại thấp, khó nhân rộng.

 

Một số mô hình tiêu biểu được nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2006-2011

 

Mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại

 

Mô hình trồng dưa hấu

 

Mô hình phục tráng lúa Nếp Vải

 

Mô hình trồng chè giống mới và sản xuất chè an toàn

 

Mô hình trồng khoai tây

 

 

(còn nữa)