Nhân rộng các mô hình điểm trong nông nghiệp: Hướng đi đã mở

14:09, 05/04/2012

Cái đích cuối cùng của việc thực hiện và nhân rộng các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp chính là sự phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn, mà chủ thể ở đây chính là người nông dân. Nhưng, từ trước tới nay, chúng ta mới quen với việc người nông dân đăng ký thực hiện các mô hình được áp đặt, do ý chí chủ quan của nhà quản lý đề ra, mà chưa quan tâm xem bà con mong muốn gì trong việc tiếp tục nhân rộng các mô hình.

Ý kiến người trong cuộc...

 

Là người từng tham gia mô hình trồng ngô Golden sweeter (thường gọi là ngô ngọt) vào năm 2009 của huyện Phú Lương, anh Mã Văn Ngân, ở xóm Mãn Quang, xã Hợp Thành cho biết: Đây thực sự là một mô hình tốt, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ canh tác của các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn như các xã Yên Trạch, Yên Ninh, Hợp Thành (Phú Lương), khả năng nhân rộng rất lớn.

 

Nông dân tham gia mô hình được Công ty TNHH Mai Mai cung ứng giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT). Nhưng đáng tiếc là trong mùa vụ sau, khi Công ty TNHH Mai Mai không tham gia mô hình này nữa thì người dân muốn làm cũng không biết mua giống ở đâu, bán sản phẩm cho ai? Bà con tiếc lắm, nhưng cũng đành bỏ dở. Nếu bây giờ chính quyền địa phương nghiên cứu quy hoạch, mở rộng mô hình, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm thì chắc chắn bà con sẽ nhiệt tình tham gia bởi chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc giống ngô này, vốn đầu tư lại không nhiều...

 

Còn chị Lê Thị Tuấn, Chủ nhiệm HTX Sản xuất và kinh doanh thực phẩm rau an toàn Kim Thái, thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên) tâm sự: Mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap cho vùng trồng rau này nhưng 5 năm nay, mô hình trồng rau an toàn của chúng tôi vẫn không phát triển được.

 

Sản phẩm làm ra cũng không được nhiều người biết đến và thường bị “đánh đồng” với rau thường; chi phí đầu tư lớn trong khi giá bán so với rau cùng loại ở chợ cũng thường chỉ cao hơn từ 500 đồng đến 1 nghìn đồng/kg. Chúng tôi luôn mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện để HTX mở 1 quầy hàng bán rau sạch tại chợ Ba Hàng. Có cửa hàng, chúng tôi mới quảng bá được sản phẩm, thương hiệu của HTX đến với người tiêu dùng. Xa hơn nữa là mô hình này sẽ được nhân rộng...

 

Trao đổi với những người đã và đang tham gia thực hiện các mô hình điểm, đa phần đều cho rằng rất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa bà con nông dân với các ngành, cơ quan hữu quan trong sản xuất nông nghiệp để hướng tới nền sản xuất hàng hóa. Thực tế cho thấy việc liên kết này ở các địa phương hiện nay còn rất chung chung, mờ nhạt. Cụm từ liên kết “3 nhà”, “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) đã được nói nhiều nhưng hiệu quả thực sự còn thấp.

 

Trong khi đó quá trình sản xuất của nông dân theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp. Bà con luôn cần được hướng dẫn, giúp đỡ về nhiều mặt để sản xuất theo quy mô lớn, tập trung, có sự đầu tư bài bản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu sản phẩm...

 

Hướng đi đã mở

 

Có thể nói, sự thành công của 1 mô hình điểm để có thể nhân ra diện rộng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có 1 yếu tố rất quan trọng đó là người nông dân phải biết liên kết với nhau trong sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng bảo đảm yêu cầu về chất lượng và độ an toàn của các loại sản phẩm. Đây chính là tiền đề hình thành nên các tổ hợp tác hay HTX với những cách vận hành đúng, đầu ra của nông sản sẽ thông thoáng hơn. Đặc biệt, người nông dân sẽ được chủ động trong việc định giá nông sản của mình. Đó cũng là điểm để nâng cao giá trị kinh tế của mô hình và thu nhập cho bà con nông dân.

 

Ông Tạ Văn Bách, Làng Lường, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai): “Người dân vùng cao chúng tôi mong muốn thông qua các mô hình được chuyển giao KHKT theo cách “cầm tay chỉ việc” do nhận thức của người dân nơi đây còn hạn chế”...

Bên cạnh đó, không chỉ người nông dân cần có sự liên kết, mà để những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao có thể tồn tại và được nhân rộng, tỉnh cũng cần xây dựng các cơ chế thích hợp để tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các “nhà”, đặc biệt là giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp. Bởi những năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá hợp đồng trong quan hệ làm ăn thường xuyên xảy ra.

 

Có một “nghịch cảnh” là khi giá cả hàng hóa trên thị trường giảm xuống, doanh nghiệp thường “bỏ” nông dân, ngược lại khi giá cả tăng cao thì nông dân lại “giữ” hàng, không bán cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là do doanh nghiệp và nông dân có lợi ích ngược nhau: Nông dân luôn muốn bán đắt, doanh nghiệp lại luôn muốn mua rẻ. Hậu quả là bà con nông dân thường bị thiệt thòi, trong khi đó các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ... Để khắc phục tình trạng này, rõ ràng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

 

Nhưng, để doanh nghiệp đi trao đổi, thống nhất với từng hộ nông dân về vấn đề trên là điều rất khó. Vì vậy, các hộ nông dân sản xuất trong mỗi khu vực cần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hợp tác tự nguyện (tham gia các câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX), cử ra ban đại diện để làm việc với doanh nghiệp. Trước mỗi vụ thu hoạch, ban quản lý câu lạc bộ, tổ hợp tác cùng với bà con nông dân tính toán chi phí, giá thành sản xuất để làm việc với doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn. Với doanh nghiệp cũng sẽ tính toán chi phí, giá thành sản xuất để cùng thống nhất với nông dân, cùng phân chia lợi nhuận...

 

Ông Nguyễn Văn Vỵ, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng: Để tránh tình trạng hiệu quả của các chương trình, dự án chỉ dừng lại ở từng mô hình, khi nhân rộng lại dư thừa sản phẩm, cần phải gắn công tác khuyến nông về KHKT với thị trường như “sản xuất thế nào”, “bao nhiêu là đủ”, “giá thế nào”, “bán ở đâu”. Hiện nay, ngành khuyến nông rất thuận lợi về trao đổi, thu thập những thông tin trên nhờ có mạng lưới cán bộ cơ sở. Cán bộ khuyến nông sẽ tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước, quy hoạch, định hướng về sản xuất nông nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường, giá cả nông - lâm - thuỷ sản cho nông dân; đồng thời cũng cập nhật thông tin từ các thôn bản, các địa phương để giúp các nhà tư vấn, hoạch định chính sách cho sản xuất nông nghiệp một cách chính xác và kịp thời.

 

Đặc biệt, chúng ta cần tăng cường hỗ trợ cho nông dân thông qua các mô hình, dự án, chương trình phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Nguồn kinh phí khuyến nông của địa phương thực hiện trên cơ sở điều kiện kinh tế xã hội, khí hậu, đất đai, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp và khả năng tiếp nhận khoa học công nghệ của nông dân ở địa phương.

 

Nếu cần, chúng ta cũng nên giao cho một cơ quan nghiên cứu, tổng hợp để dự báo nhu cầu, giá cả sản phẩm thị trường theo từng thời điểm cụ thể; các thông tin chi phí sản xuất, chế biến nông lâm thuỷ sản của nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh... Các thông tin này phải được cập nhật liên tục và thường xuyên cung cấp cho nông dân. Việc công khai thông tin sẽ giúp cho nông dân không bị ép giá…