Quy trình sản xuất chè an toàn không còn xa lạ với người dân Thái Nguyên và sản phẩm chè an toàn của tỉnh đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Vân Anh, một người dân ở Quận 6, T.P Hồ Chí Minh nói: Tôi rất mê trà Thái. Gần đây, được bạn bè giới thiệu, tôi đã mua được sản phẩm trà an toàn của Công ty TNHH Thái Hải và rất yên tâm khi uống loại trà này…
Mặc dù đã khẳng định được tính ưu việt như: bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, giá trị chè thành phẩm cao hơn từ 10-15% so với chè sản xuất thông thường… Tuy nhiên, hiện nay, diện tích chè được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh rất ít, mới có 60ha, trong khi toàn tỉnh có tới gần 18.200ha chè. Bởi vậy, với mục tiêu nâng diện tích chè an toàn lên 18.000ha vào năm 2020, sản lượng đạt trên 252.000 tấn, đồng thời, đưa diện tích chè tại các vùng sản xuất an toàn tập trung áp dụng quy trình VietGAP đạt 100% vào năm 2015, tỉnh ta đang thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp chè an toàn đến năm 2020. Nằm chương trình quy hoạch này, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới chè cũng đã được tính đến. Theo đó, sẽ có 672 công trình hồ chứa, đập dâng, cụm đập, trạm bơm… tại lưu vực sông Cầu (gồm thượng, hạ thác Huống), lưu vực sông Công (thượng, hạ Núi Cốc) và lưu vực sông Rong (thuộc 8 xã huyện Võ Nhai) được cải tạo, xây mới, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới cho chè.
Hiện nay, tại các vùng chè, tình trạng mỗi hộ cá thể trồng tới vài giống chè khác nhau, phân tán theo từng khoảnh, lô nhỏ lẻ đang rất phổ biến. Tại những hộ này, chè hái về đều tự chế biến, tiêu thụ ở thị trường tự do dẫn tới giá cả bấp bênh, thường bị tư thương ép giá. Do đó, để khắc phục tình trạng này, việc tổ chức sản xuất chè an toàn với việc tạo bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia tiêu thụ và liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã được đề cập rất cụ thể trong quy hoạch. Trong đó đưa ra định hướng về kênh thu mua sản phẩm chè an toàn gồm hai kênh là kênh tiêu thụ chè búp và kênh tiêu thụ chè thành phẩm.
Hiện toàn tỉnh có 60 hộ, nhóm hộ và các HTX thuộc xã: Hoà Bình (Đồng Hỷ), Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trung Hội, Sơn Phú (Định Hoá) sản xuất chè an toàn, tổng sản lượng đạt khoảng 500 tấn chè búp tươi/năm. |
Đối với kênh tiêu thụ chè búp, người trồng chè cần áp dụng phương thức mua, bán chè thông qua hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người trồng chè hoặc thông qua hợp tác xã để có thể bán được khối lượng chè lớn một cách chủ động. Theo phương thức này, người trồng chè sẽ có cơ hội bán chè ổn định hơn, được nhà máy ứng trước vật tư, phân bón và được tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật.
Các nhà máy chế biến cũng sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và đồng đều hơn. Kênh tiêu thụ chè thành phẩm sẽ được phát triển theo nhiều loại hình phân phối, ngoài bán buôn, bán lẻ theo hình thức truyền thống, còn có thể phát triển mạng lưới cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng đồ uống… Bên cạnh đó, việc xuất khẩu chè cũng sẽ được thực hiện qua nhiều kênh như: doanh nghiệp chế biến chè trực tiếp xuất khẩu; doanh nghiệp không có khả năng hoặc không có bạn hàng sẽ xuất khẩu thông qua Vinatea; doanh nghiệp kinh doanh thương mại xuất khẩu chè…
Khi được tìm hiểu những ưu đãi mà tỉnh ta đã đưa ra trong quy hoạch vùng nông nghiệp sản xuất chè an toàn như khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng tới việc chuyển đổi cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác; có chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển chè an toàn… các tập thể, cá nhân đang áp dụng quy trình sản xuất chè “sạch” đều rất phấn khởi. Ông Phùng Học Đạt, HTX Hương Trà, Minh Lập (Đồng Hỷ) cho hay: Được tỉnh hỗ trợ giá giống, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm… chúng tôi sẽ yên tâm mở rộng diện tích chè an toàn.
Đây là lần đầu tiên tỉnh ta xây dựng được một quy hoạch vùng nông nghiệp chè an toàn có tầm chiến lược. Thực hiện quy hoạch này, tỉnh ta sẽ khắc phục được nhiều nhược điểm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè như “thiếu nguyên liệu giữa vùng nguyên liệu”, sản xuất chè “bẩn”, giá bán bếp bênh… Bà Đỗ Thị Hiệp Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên), là HTX đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận UTZ Certified (một chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm) nói: Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm chè an toàn và không an toàn vì sự khác biệt nằm ở quy trình trồng, chăm sóc, chế biến chè. Bởi vậy, xây dựng được vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chè an toàn sẽ giúp người làm chè chúng tôi có đầu ra ổn định. Còn ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cho rằng: Việc quy hoạch vùng nông nghiệp chè an toàn là rất cần thiết vì nó sẽ giúp ngành Chè của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững…
Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh sẽ làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao: xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp GAP, từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng; gắn quy trình sản xuất với việc được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận trong nước và quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP, Uzt Certified… |