Thanh Cường, đổi mới từ lòng người

10:03, 11/04/2012

Thôn Thanh Cường, xã Bảo Cường (Định Hoá) được bao bọc bởi dòng suối Cái và các khu đồng Đoan Táo, Đoan Lầu, Nà Mu, Goòng Gộc và Đồng Thét. Về mùa mưa, nước suối dềnh lên, ruộng đầy nước, từ trục đường liên xã nhìn vào thấy Thanh Cường như một bán đảo xanh.

Năm 1963, vùng đất rậm rì bởi cỏ dại này bắt đầu hồi sinh bởi những cư dân từ tỉnh Thái Bình lên khai hoang, vỡ đất, xây dựng kinh tế. Những “tiền bối” là bà Hoàng Thị Hợi, Hoàng Thị Ngọ, Đỗ Thị Côi, Lê Thị Tuệ... nay đều ở tuổi hơn, kém tám mươi - Họ là những gia đình đầu tiên từ Thái Bình lên đất này lập nghiệp.

 

Trong đám trẻ được bố mẹ dắt díu theo có Đỗ Công Tập và Đào Minh Tiến. Thời gian trôi nhanh, mỗi người chọn một cách lập thân riêng. Tập vào phục vụ trong quân đội, khi về phục viên hưu, anh là một đảng viên, mang trên vai quân hàm Trung tá. Còn Tiến, anh tập hợp “quân cán” kéo đến các vùng vàng tìm vận may. Khi trở về thôn, anh là đối tượng bất hảo, nổi tiếng vì nghiện ngập ma tuý và sát phạt ở các ổ nhóm cờ bạc.

 

Điều bất ngờ từ “2 kẻ đối đầu”, họ đã hoà hợp theo hướng tích cực để làm lên một diện mạo Thanh Cường hôm nay. Ở thôn, ông Tập đang làm Bí thư Chi bộ, còn ông Tiến làm Trưởng thôn. Cả 2 người đều sống gương mẫu, người dân trong thôn quý mến.

 

Hiện thôn có 35 hộ, 135 nhân khẩu, thu nhập trung bình của người dân đạt gần 10 triệu đồng/người/năm. Từ nhiều năm gần đây, trong thôn có quy ước: Các hộ nghèo khi làm nhà, mỗi gia đình tham gia giúp đỡ 2 công lao động trực tiếp và ½ công lao động bằng tiền mặt (khoảng 50.000 đồng). Giá trị ngày công được áp dụng vào từng thời điểm, trong thôn đã có 6 hộ nghèo được giúp làm nhà như vậy. Chi hội Cựu Chiến binh có phong trào giúp nhau xây dựng mô hình V.A.C bằng cách mỗi hội viên tham gia ủng hộ 1 tấn xi măng/năm cho 1 hội viên dựng chuồng trại chăn nuôi. Các chi hội Phụ nữ, Nông dân có phong trào giúp nhau kinh nghiệm sản xuất, vốn đầu tư và ngày công lao động.

Nhớ lại những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, thôn Thanh Cường được người dân trong vùng biết đến vì tệ nạn trộm cắp, cờ bạc, ma tuý. Trong thôn buồn vắng vì khói thuốc phiện, người ta rủ nhau đi đánh bạc công khai, dường như ngày nào cũng có tiếng gào thất thanh của ai đó bị mất trộm. Người dân không còn tâm trạng sản xuất vì ngô, lúa trồng, cấy ngoài đồng phải thu hoạch non do sợ kẻ trộm gặt trước. Oái oăm kẻ giản - đều người cùng thôn nên đành nuốt cục tức vào ngực. Ông Đào Văn Huỳnh, công an viên của thôn cho biết: Bấy giờ thôn có 29 hộ, thì 22 hộ có người mắc vào tệ nạn xã hội. Nhiều hộ có 2, 3 người nghiện ma tuý. Trong thôn, đến ngọn rau lang còn bị mất cắp.

 

Cũng những năm đó, Chi bộ Đảng không tổ chức được sinh hoạt, bộ máy “hành chính” của thôn bị tê liệt, các tổ chức hội, đoàn thể không có. Năm 1995, ông Tập được bầu làm Bí thư Chi bộ. Ông đã suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định phải củng cố, kiện toàn lại hoạt động Chi bộ. Bắt đầu là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và của người dân; tổ chức duy trì sinh hoạt Chi bộ hằng tháng; triển triển khai các văn bản, nghị quyết của Đảng đến đảng viên, đồng thời cùng đảng viên trong Chi bộ bàn cách củng cố lại các hội, đoàn thể, xoá bỏ các tụ điểm hút thuốc phiện, cờ bạc; vận động người dân tham gia cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

 

Ông Tập cho biết: Việc Chi bộ sinh hoạt đều, có nội dung cụ thể, nghị quyết hằng tháng sát thực, gần gũi với cơ sở nên thôn và các hội, đoàn thể triển khai đến người dân đều được ủng hộ. Khi đó, các hội, đoàn thể đồng loạt vào cuộc, tích cực vận động các gia đình có con em nghiện ma túy đi cai nghiện. Chính vì thế mà đến nay, thôn không còn người nghiện ma túy, các ổ nhóm cờ bạc cũng không còn tồn tại. Người dân thôn Thanh Cường yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư”. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức vào cuối năm 2011, thôn Thanh Cường có 31 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa (chiếm 89% tổng số hộ), thôn đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện.

 

Hỏi chuyện xóa, giảm hộ nghèo, ông Tiến nhẩm tính: Ruộng trung bình 1,5 sào/khẩu. Các khu đồng đều có hệ thống kênh mương dẫn nước tưới thuận lợi, đồng đất cho 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm, người dân trong thôn bảo đảm có đủ lương thực ăn quanh năm. Để đời sống kinh tế ổn định, người dân trong thôn còn tích cực đầu tư chăn nuôi lợn, gà và tận dụng diện tích ao trũng nuôi thả cá, qua thống kê sơ bộ, trong thôn có hơn 60% số hộ đạt thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên đã trừ chi phí. Gần 10% số hộ đạt thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên đã trừ chi phí. Ngoài ra, Thôn thường xuyên có gần 30 lao động đi làm ăn xa quanh năm, “họ” mang về cho gia đình tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt, xây nhà, tậu đất. Con cháu thôn Thanh Cường đi làm ăn xa, đều tự hào là công dân của một vùng quê - từ đói nghèo trở thành một điểm sáng trước các phong trào.