Nhằm nâng cao chất lượng chè xanh và giúp bảo vệ môi trường, đầu năm nay huyện Đồng Hỷ đã triển khai mô hình thí điểm xây dựng bể thu gom rác thải nông nghiệp tại vùng chè Trại Cài, xã Minh Lập. Mô hình này đã cho thấy những hiệu quả thiết thực ngay từ khi mới được áp dụng.
Mô hình xây dựng bể thu gom rác thải nông nghiệp được huyện Đồng Hỷ triển khai tại 4 xóm trồng chè trọng điểm của xã Minh Lập là: Ao Sơn, Cà Phê 1, Cà Phê 2 và Sông Cầu. Mỗi xóm được đầu tư 5 bể thu gom, đặt ở cạnh các đồi chè có quy mô từ 1ha trở lên. Trung bình mỗi bể có trị giá 550.000 đồng (trong đó huyện hỗ trợ 50% kinh phí) với kết cấu gồm: chân đế, cửa thoát nước, thân bể (là những chiếc cống nước có đường kính 0,5m, cao 1m), mái che.
Để bảo quản các bể chứa rác và sử dụng chúng có hiệu quả, các xóm đã xây dựng quy ước bảo vệ, sử dụng bể chứa rác. Theo quy ước, nhân dân trong xóm phải sử dụng bể chứa đúng mục đích; không được đập phá bể chứa; không được vứt các loại rác thải khác ngoài vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ sâu; khi các bể chứa rác đầy, xóm sẽ phân công các hộ gia đình thay phiên nhau thu gom rác lại để đưa ra những khu đất trống, xa khu dân cư đốt, vỏ chai lọ thì được cho vào bao tải buộc kín, tập kết ở nơi quy định để xử lý…
Bên cạnh đó, các xóm còn thường xuyên tuyên truyền quy ước này trong những buổi sinh hoạt xóm nhằm giúp người dân hiểu biết, nắm bắt và nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc tham gia bảo vệ môi trường. Chị Dương thị Oanh, ở xóm Sông Cầu cho biết: Trước đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế nên vỏ bao thuốc trừ sâu thường được bà con “tiện đâu vứt đấy”. Từ khi mô hình được triển khai tại xóm, mọi người được nhắc nhở thực hiện theo quy ước bảo vệ môi trường thì ai cũng ý thức được trách nhiệm, lợi ích của mình mà không vứt rác bừa bãi nữa.
Xã Minh Lập là một trong những vùng trồng chè trọng điểm của huyện Đồng Hỷ nên việc sử dụng hóa chất để chăm sóc chè thường xuyên diễn ra. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình 1 sào chè cho thu hoạch từ 6 đến 7 lứa/năm, mỗi lứa phải phun thuốc trừ sâu từ 2 đến 3 lần. Vậy với diện tích 340ha chè của toàn xã thì một năm lượng vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ sâu xả ra môi trường là rất lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn có nguy cơ gây ra nhiều loại bệnh cho bà con nông dân, trong đó chủ yếu là các bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp.
Chị Nguyễn Thị Bột, ở xóm Cà Phê 1 cho biết: Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề trồng chè nên thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nếu không bịt khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi phun thuốc sẽ rất dễ bị nhiễm độc. Bản thân tôi nhiều hôm đi phun thuốc về cũng thấy nôn nao cả người.
Trước khi ra về, chúng tôi được ông Nguyễn Minh Hoan, Phó Chủ tịch xã đưa đi thăm những đồi chè ở các xóm được triển khai mô hình điểm, nhìn những nương chè không có vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc trừ sâu, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi trong ý thức bảo vệ môi trường của bà con nông dân. Tất cả các loại rác thải nông nghiệp đều được bà con gom lại rồi bỏ vào những chiếc bể chứa. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoan cho biết: Trước đây, tình trạng vứt bừa bãi vỏ chai, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng phổ biến ở hầu hết các điểm trồng chè của xã. Từ khi có bể thu gom rác thải thì tình trạng trên được cải thiện đáng kể, bà con nông dân đã tự nâng cao ý thức và vứt rác đúng nơi quy định.
Có thể thấy mô hình xây dựng bể thu gom rác thải đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Minh Lập, giúp bà con yên tâm hơn khi chăm sóc chè. Do đó, việc nhân rộng mô hình này tại những xã thuần nông là điều nên làm.
Xã Minh Lập có 1.597 hộ, trong đó trên 2/3 số hộ tham gia trồng chè.
Toàn xã có 340 ha chè, trong đó chè trung du chiếm khoảng 70% diện tích. Sản lượng chè búp tươi của xã đạt 3.200 tấn/năm.
Xã có 4 Làng nghề chè gồm: Làng nghề chè Trại Cài, Làng nghề chè Cà Phê 1, Làng nghề chè Cà Phê 2 và Làng nghề chè Sông Cầu. |