Khó khăn nên phải lượng sức mình

07:55, 09/05/2012

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) cho rằng: họ làm ăn khó khăn chủ yếu là do thiếu vốn; không tiếp cận được với vốn ngân hàng hoặc lãi suất ngân hàng tuy đã hạ nhưng vẫn còn cao. Điều này đúng một phần vì, nguồn vốn luôn là yếu tố quan trọng  đối với các chủ hộ, DN khi tham gia SXKD

Nhưng với những nông dân chúng tôi đã được gặp qua sự giới thiệu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) Đồng Hỷ đầu tư vốn, thì lại hoàn toàn khác: Khó khăn họ gặp phải về lãi suất ngân hàng cao chưa phải là vấn đề quan trọng mà mỗi hộ lại có một lý do riêng đang rất cần được tháo gỡ. Nhưng tựu chung lại, điều mà chúng tôi cảm nhận được ở họ là: khó khăn thì phải biết lượng sức mình. Người mà chúng tôi gặp đầu tiên là anh Nguyễn Minh Lý ở xóm Cầu Đá, xã Cao Ngạn (thành phố Thái Nguyên).

 

Trong câu chuyện, anh không bao giờ nói về cái khó hiện tại của mình, chỉ khi chị Mai Thị Thu Hà, cán bộ tín dụng, NHNo Đồng Hỷ tâm sự, tôi mới biết gia đình anh là trường hợp Ngân hàng rất đắn đo khi quyết định cho vay 500 triệu đồng để đầu tư chuồng trại chăn nuôi gà gia công cho Chi nhánh TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công, thuộc Công ty cổ phần DABACO Việt Nam. Bởi gia đình anh lần đầu tiên tham gia chăn nuôi cho Chi nhánh, chỉ làm nghề nông, vốn tự có hạn chế. Song với sự quyết tâm cao của anh, NHNo Đồng Hỷ đã tạo điều kiện để anh vay số tiền trên đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà. Tuy nhiên, trong qua trình chăn nuôi, anh cũng đang gặp phải khó khăn là đàn gà không may bị dịch bệnh, phải dãn chuồng, nên gia đình không được hưởng tiền công. Song anh không hề nản chí mà  đang rất mong Công ty sớm cung cấp gà giống, tiếp tục chăn nuôi để có tiền trả nợ ngân hàng đúng hạn và anh hy vọng: đây vẫn là hướng đi đúng sẽ giúp gia đình cải thiện đời sống.

 

 

Còn ông Trần Văn Cần ở xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn cho biết: Ông vay của Ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Trong chuồng, gia đình ông thường nuôi từ 70 đến 100 con lợn và 8.000 con gà. Hiện, chăn nuôi cũng rất bấp bênh: từ giá lợn giống đến giá lợn thịt (ví dụ năm 2011, giá lợn thịt có lúc lên 70 nghìn đồng/kg thì chăn nuôi lãi; hiện tại chỉ có 50 nghìn đồng/kg đối với lợn siêu nạc, còn lợn trắng chỉ 40 nghìn đồng/kg, có nuôi cũng hòa vốn). Đặc biệt, nguồn cung cấp giống lợn con không ổn định (thường các hộ nuôi nhiều đều phải tìm mua từ các trại chăn nuôi lớn mới đảm bảo chất lượng). Tuy nhiên, ông vẫn đang muốn vay thêm vốn, tiếp tục xây chuồng  trại mở rộng chăn nuôi. Ông cho rằng: tuy chăn nuôi vào thời điểm này có hòa vốn, nhưng ông cũng hy vọng sẽ sớm được cải thiện, vì thị trường tiêu thụ sản phẩm không khó lắm và ông cảm thấy sức mình vẫn có thể làm được.

 

Anh Quách Văn Đông, chủ trang trại gà ở xóm Cà phê I, xã Minh lập hiện đang có 2 trang trại gà, một nuôi gà thịt, một nuôi gà đẻ trứng gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi RTD thuộc Công ty Công nghệ Phát triển nông thôn, chưa kể nuôi vài chục con lợn thịt. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, anh vẫn ham mê muốn mua thêm đất để mở thêm một trại gà nữa. Hiện anh cũng đang vay của Ngân hàng 400 triệu đồng trong thời hạn 3 năm, nhưng mỗi năm gia đình anh đã cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Anh tâm sự: nếu làm ăn nhỏ thì cũng chỉ đủ ăn, làm ăn lớn thì phải có nhiều vốn. Nếu Nhà nước quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho người chăn nuôi thì cũng giảm bớt khó khăn đi, vì chăn nuôi cũng rất bấp bênh, lúc được, lúc mất, do giá con giống, thức ăn chăn nuôi, giá lợn, gà thương phẩm lên, xuống bất thường.

 

Đối với các hộ gia đình làm ăn lớn, cũng gặp khó khăn chung của nền kinh tế là giá cả bấp bênh, lãi suất ngân hàng cao, nhưng họ đã biết lượng sức mình để duy trì và phát triển SXKD ổn định. Tuy nhiên, qua thực tế của các hộ chăn nuôi, chúng tôi rút ra một điều:  để tránh những thua thiệt không đáng có cho các hộ chăn nuôi và cả những doanh nghiệp liên kết làm ăn với người dân, thì rất cần sự tháo gỡ từ chính sách Nhà nước như: hỗ trợ vốn vay cho các hộ chăn nuôi với lãi suất hợp lý hơn. Về phía các DN cần  cung cấp con giống, đảm bảo chăm sóc dịch bệnh, thanh toán vốn kịp thời. Đối với người dân, cần thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi theo hợp đồng. Vì khi hợp đồng không được thực hiện nghiêm sẽ dẫn đến thua thiệt cả hai bên: người chăn nuôi và nhà DN.

 

Trong lúc nhiều DN đang gặp khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm, nhưng đến Công ty TNHH Trà Shan ở xã Minh Lập, Đồng Hỷ lại khác hẳn. Ở đây, các công nhân đang thay phiên nhau làm việc 2 ca để kịp sản xuất chè xuất khẩu cho Apgalisxtan. Trong xưởng, chè chất đống đang chờ đủ côngtenno là xuất hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, Giám đốc Công ty cho biết: Tận dụng lợi thế vùng chè Minh Lập có nhiều hộ SXKD chè nên tôi đã thành lập Công ty để bao tiêu chè tại khu vực này và một số xã của các huyện lân cận. Hiện nay, việc xuất khẩu đối với Công ty không khó. Mặc dù thị trường thu mua chè cạnh tranh cao nhưng nếu Công ty có tiền mặt thì thu mua chè cũng thuận lợi, cứ có tiền mặt vào là người dân bán ngay. Để thu mua chè của dân, ngoài vốn tự có, Công ty cũng vay thêm vốn ngân hàng (370 triệu đồng). Tôi cho rằng, với lãi suất hiện tại (Công ty vay từ năm 2010, thời hạn 3 năm, lãi suất 19,5%/năm, nhưng Công ty vẫn chịu được vì “ nước nổi, bèo nổi” chúng tôi phải tính toán, giảm chi phí đầu vào để giảm chi phí lãi suất ngân hàng cao. Đối với Công ty, đầu ra cũng đang rất thuận lợi, nếu vay vốn nhiều sẽ mua được nhiều hàng và lợi nhuận sẽ cao, nhưng mình cũng phải lượng sức để tránh thua lỗ lớn, phòng khi giá chè đột ngột xuống quá thấp hoặc thị trường có biến động lớn.

 

Nói về đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế, chị Vũ Tuyết Ngân, Giám đốc NHNo Đồng Hỷ khẳng định: Ngân hàng luôn tạo điều kiện tối đa cho khách hàng được tiếp cận vốn vay. Chỉ có những hộ gia đình, cá nhân, DN không đảm bảo các điều kiện của ngân hàng mới không được vay vốn. Vấn đề còn lại là DN có đảm bảo các cơ chế vay vốn hay không mà thôi. Và, bài học trong làm ăn  được những nông dân trên đúc kết: muốn tránh được thua thiệt thì phải tự lượng sức mình, cũng là một kinh nghiệm nên tham khảo.

 

Chị Mai Thị Thu Hà, cán bộ tín dụng NHNo Đồng Hỷ:  Qua đầu tư cho các hộ vay vốn để chăn nuôi gia công gà, lợn cho thấy, các hộ chăn nuôi trang trại phải đầu tư vốn rất lớn, nên số tiền vay  ngân hàng thường từ 300 đến 500 triệu đồng. Song, một số  DN thuê gia công chăn nuôi cung cấp con giống chưa kịp thời, thanh toán vốn chậm, thời gian giãn chuồng lâu …nên ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi.