Nỗ lực giải cứu doanh nghiệp. Bài 1

09:42, 30/05/2012

Từ năm 2009 đến nay, có lẽ đây là “trận đại phong” thứ hai mà cộng đồng các doanh nghiệp (DN) của chúng ta phải hứng chịu trong quá trình chèo lái “con tàu” DN trên “biển cả bao la” của thị trường. “Trận đại phong” đó đã mang những con sóng ngập đầu làm chao đảo không ít tay chèo. Nhưng, trong khó khăn, hoạn nạn, các “chủ tàu” đã biết liên kết để chống chọi với sóng to, gió cả, cùng với “lực lượng cứu hộ” thoát dần khỏi vùng “tâm bão”... Đó là những hình ảnh ví von mà chúng tôi muốn biểu thị cho sự khó khăn chồng chất cùng những nỗ lực vượt bậc của bản thân các DN, sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp cùng các ngành liên quan trong thời điểm mà hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thị trường trong nước đang chịu nhiều tác động xấu.

 Khi doanh nghiệp ở vùng “tâm bão”

 

Nếu coi thị trường thời điểm này là có “bão” thì các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa của chúng ta đang trong vùng “tâm bão”. Nói vậy bởi chỉ mới qua hơn 4 tháng của năm nay, số lượng các DN giải thể và tạm ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh đã lên tới con số trên 100. Điều đó cho thấy đối với đa số các DN hiện nay thì khó khăn đang chồng lên khó khăn.

 

Nhiều DN đã “ngã tay chèo”

 

Báo cáo mới nhất do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cung cấp cho thấy, qua hơn 4 tháng đầu năm nay toàn tỉnh đã có 117 DN giải thể và 20 DN ngừng hoạt động. Trong khi đó chỉ có trên 100 DN thành lập mới (bằng 87% so với cùng kỳ năm trước) và trên 200 DN điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Theo bà Bế Thị Biên, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh thì số lượng các DN giải thể hầu hết là DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, không ít DN tạm ngừng hoạt động nhưng không khai báo hoặc tiến hành các thủ tục giải thể nên khó cho việc nắm bắt, cập nhật tình hình.

 

Đánh giá mới nhất của các tổ chức Hội DN trong tỉnh cũng cho thấy, hiện có khoảng 20% trong tổng số các DN phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, 30% số DN hoạt động cầm chừng và chỉ còn khoảng 50% hoạt động tương đối ổn định và có khả năng phát triển. Xin nêu hai ví dụ cụ thể: DN tư nhân P.H, có địa chỉ tại T.P Thái Nguyên, là 1 trong hơn 100 DN của tỉnh vừa làm các thủ tục giải thể. DN này chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Do hạn chế về tài chính, lại vay vốn vào thời điểm lãi suất ngân hàng cao nên khi thị trường gặp khó khăn DN này đã không đủ khả năng duy trì sản xuất, kinh doanh và buộc phải giải thể.

 

Cũng nằm trong khối các DN nhỏ và vừa, Công ty TNHH H.C đóng tại địa bàn T.X Sông Công đã phải dừng hoạt động vì các mặt hàng thương mại, dịch vụ bị tồn kho dài ngày, không thu hồi được vốn. Vì vậy, DN buộc phải nợ lương công nhân và không đủ khả năng thanh toán các khoản chi phí cần thiết. Qua đây có thể thấy nhiều DN đã gục ngã ngay trên đống tài sản của mình vì hàng tồn kho nhiều. Sự đổ bể của DN này như phản ứng dây chuyền kéo theo những khó khăn của DN khác. Ví dụ, khi DN xây dựng không có việc làm sẽ kéo theo các mặt hàng vật liệu xây dựng đình đốn, dịch vụ vận tải ăn theo cũng ế ẩm, nhà sản xuất dừng lò…

 

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đa phần các DN của chúng ta có quy mô nhỏ, vốn ít nên thường lâm vào tình trạng thiếu vốn khi muốn mở rộng thị trường hay tiến hành đổi mới, nâng cấp trang thiết bị. Cũng bởi thế mà hầu hết các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc thiết lập, mở rộng hợp tác với các đơn vị kinh tế bên ngoài cũng như DN nước ngoài. Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì các DN hiện rất yếu trong khâu đào tạo công nhân và cả chủ DN; thiếu sự trợ giúp kỹ thuật; ít kinh nghiệm trong thiết kế sản phẩm; thiếu đầu tư cho nghiên cứu, phát triển bền vững; công nghệ còn lạc hậu, đầu tư dàn trải. Hơn nữa, lãi suất tín dụng đã giảm nhưng vẫn còn cao, đầu tư công hạn chế, thị trường bất động sản vẫn đóng băng… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động DN.

 

DN lớn cũng “say sóng”

 

Mặc dù vẫn giữ được thế ổn định, hoạt động có lãi song không ít đại diện DN quy mô lớn trên địa bàn tỉnh khi trao đổi với chúng tôi cũng không ngần ngại cho biết: Khi thị trường khó khăn thì các DN cùng chịu sự ảnh hưởng chung, cũng giống như khi có bão thì tàu nhỏ có thể chìm còn tàu lớn cũng phải chao đảo. Được biết, do sự tác động xấu của thị trường, ngay từ đầu năm nay Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, “cánh chim đầu đàn” của ngành luyện kim trong tỉnh, phải thực hiện phương án giảm 15% lương của toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động để duy trì sản xuất ổn định. Giá trị sản lượng, sản phẩm tiêu thụ của Công ty đều có phần hạn chế hơn nhiều so với năm trước. Công ty đang phấn đấu không phải cắt giảm nhân công, tránh ngừng lò sản xuất và giải quyết dần hàng tồn kho, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn.

 

4 tháng đầu năm nay, Công ty CP Thương mại Thái Hưng, một trong những DN ngoài quốc doanh có tầm ảnh hưởng lớn trong tỉnh, cũng chỉ đạt giá trị sản lượng 205 nghìn tấn, bằng 88% kế hoạch đề ra và 93% cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Tổng Giám đốc điều hành của Công ty cho biết: Thái Hưng không nằm ngoài những khó khăn chung của cộng đồng các DN. Trong giai đoạn khó khăn này, DN chủ trương ổn định sản xuất, chấp nhận phương án giảm lợi nhuận cổ đông để đảm bảo giữ được mức lương bình quân của người lao động đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng và không cắt giảm công nhân. Tuy nhiên, là một DN có uy tín và bề dày, nên kế hoạch năm nay đơn vị vẫn phấn đấu đạt mức tăng trưởng 110%, doanh thu 18 nghìn tỷ đồng.

 

4 tháng đầu năm nay, cả nước đã có khoảng 2.400 DN làm thủ tục giải thể, khoảng 11.600 DN đăng ký dừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế. Việc các DN phải giải thể khiến nhiều lao động mất việc làm, gây ảnh hưởng đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội.

Còn với Công ty CP Xi măng Quang Sơn, kế hoạch đề ra năm nay là sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn xi măng, nhưng với tình cảnh hiện nay, mục tiêu này cũng phải phấn đấu cật lực mới có thể hoàn thành. Do lượng vốn vay lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong thời điểm lãi suất còn ở mức cao như hiện nay, DN này cũng gặp những khó khăn nhất định. Hiện nay, nhu cầu sử dụng xi măng trên thị trường thấp hơn rất nhiều so với nguồn cung nên việc thâm nhập thị trường của sản phẩm xi măng Quang Sơn còn nhiều hạn chế, giá bán thấp…

 

Người “chèo lái” DN nói gì?

 

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện An Khánh, ông Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn: Khi tàu gặp bão thì cái cốt yếu để giữ cho tàu khỏi chìm và mau chóng vượt ra khỏi vùng nguy hiểm chính là sự dồi dào về nguồn năng lượng, nhân sự và sự chỉ huy linh hoạt, kinh nghiệm của người thuyền trưởng. Đối với các DN, khi thị trường khó khăn, tài chính luôn là vấn đề cốt lõi để đảm bảo cho DN đó có thể trụ vững. Do vậy, chính sách về vốn tín dụng, nhất là lãi suất cho vay cần phải có sự điều chỉnh hợp lý. Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các DN, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc DN Anh Thắng kiến nghị: Hoạt động tín dụng hiện nay vẫn còn dành nhiều cho các lĩnh vực khác như mua trái phiếu Chính phủ, các DN cho vay nợ lẫn nhau, đầu tư bất động sản… Do vậy, thời gian tới đề nghị hệ thống ngân hàng quan tâm ưu tiên cho vay các hoạt động phục vụ sản xuất.

 

Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại điện tử Quang Thái (T.P Thái Nguyên) thì hiện nay số lượng các DN nợ ngân hàng là khá nhiều, không ít DN có số nợ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, cá biệt có cả DN nợ tới hàng nghìn tỷ đồng. Khi đầu ra sản phẩm gặp khó khăn thì cái đáng lo ngại nhất của các DN chính là trả lãi ngân hàng. Nếu không có chính sách kịp thời thì vấn đề nợ xấu của DN sẽ có nguy cơ tăng cao, kéo theo sự đổ bể của không ít DN. Cùng có chung kiến nghị về chính sách tiền tệ, nhưng đại diện lãnh đạo Công ty CP Thương mại Thái Hưng lại tập trung đề nghị giảm phần trăm nộp thuế giá trị gia tăng cho DN từ 10% xuống còn 5%. Theo lãnh đạo Công ty này thì trong lúc khó khăn nên có chính sách như vậy nhằm giảm chi phí đầu vào cũng như giá thành hàng hoá của DN, qua đó kích cầu tiêu dùng, mang lại lợi ích cho cả DN và khách hàng tiêu thụ sản phẩm...

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhiệt điện An Khánh: Cái mà các DN cần hiện nay chính là chính sách về tiền tệ. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để tháo gỡ khó khăn cho DN…

 

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng: Khi thị trường khó khăn thì điều mà các DN mong muốn chính là sự lành mạnh của môi trường kinh doanh. Bởi, ở vào hoàn cảnh không thể cứu được mình thì không ít DN sẽ tìm đủ mọi cách trụ lại và dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh…

 

Ông Vũ Anh Thắng, Chủ tịch HĐQT Doanh nghiệp Anh Thắng: Tron giai đoạn hiện nay, khi nhiều DN đang đứng bên bờ vực phá sản, các ngành thuế, ngân hàng, tài chính cũng nên vận dụng hợp lý các chính sách ưu đãi đặc biệt cho DN như miễn một số loại thuế, tiếp tục hạ thấp lãi suất cho vay và có cơ chế kích thích tiêu dùng, khơi thông sức mua của thị trường…

 

(Còn nữa)