Thái Nguyên có trên 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đào tạo nghề cho nông dân được xem là điểm mấu chốt góp phần xoá đói - giảm nghèo, nhất là khi tỉnh đang phấn đấu thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
Từ cái dễ....
Sau khi học nghề nếu biết ứng dụng kiến thức học được vào sản xuất sẽ tăng hiệu quả kinh tế góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng vấn đề đặt ra là từ việc học đến áp dụng vào thực tế không dễ. Cái dễ trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một bộ phận người dân đã biết áp dụng những kiến thức học được vào sản xuất làm giàu cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hải, xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành đã trồng hoa để bán từ 5-6 năm nay, nên khi Trạm Khuyến nông huyện mở lớp hướng dẫn trồng hoa, chị Hải đã đăng ký tham gia. Trước đây, việc trồng, chăm sóc hoa, chị đều tự học trên sách báo, qua những người trồng hoa trong xã nhưng hoa nở bé, sâu bệnh nhiều, được tham gia lớp học này, gia đình chị trồng thêm nhiều loại hoa có giá trị kinh tế cao như: hoa ly, hoa đồng tiền, loa kèn… Thu nhập năm vừa qua cũng được trên dưới 100 triệu đồng.
Với chị Nguyễn Thị Thủy, xóm Thanh Hoa thì chưa bao giờ trồng hoa, ruộng vườn đều cấy lúa, trồng màu. Qua người thân chị biết nhiều tư thương ở Hà Nội lên thu mua hoa trong khi nhiều người bán hoa ở xã lại về Hà Nội mua buôn về bán. Chị Thủy cho biết: Sau khi đăng ký học, chúng tôi được Trạm Khuyến nông huyện mua giúp giống hoa đảm bảo chất lượng tại Trung tâm nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh (Viện Rau quả Việt Nam) để trồng và thực hành chăm sóc tại ruộng. Vụ hoa vừa rồi gia đình.tôi thu trên 50 triệu đồng (đã trừ chi phí).
Với anh Nguyễn Văn Huy, thôn Giã Trung, xã Tiên Phong đã làm nghề mộc và mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng từ nhiều năm nay, nhưng đều bán sản phẩm thô cho làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), sau đó lại nhập sản phẩm hoàn chỉnh về bán. Anh Huy đã đăng ký lớp dạy nghề mộc trong thời gian 3 tháng và tình nguyện cho các học viên thực hành tại xưởng của gia đình. Qua lớp học, nhiều kỹ thuật cao như phun sơn, khảm trai, lấy vân gỗ… đều được anh và các học viên làm rất thuần thục, sản phẩm sản xuất ra đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ của người tiêu dùng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2016, huyện đã ban hành Chỉ thị về vấn đề này, với mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 5.500 lao động, trong đó đào tạo nghề cho 2.500 lao động nông thôn, tổ chức chủ yếu ở vùng bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay số người trong độ tuổi lao động của huyện là trên 86,8 nghìn người, trong đó gần 60% chưa qua đào tạo (51 nghìn người).
Năm 2011 huyện đã tổ chức được 49 lớp với 1.549 học viên học nghề (bằng 119% kế hoạch huyện giao), trong đó có 85% học viên có việc làm. Và 6 tháng đầu năm nay, khai giảng 30 lớp với 990 học viên. Như vậy, theo mục tiêu của Đề án đặt ra huyện đã cơ bản hoàn thành, nâng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp từ 35% lên 43%, đồng thời giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 65% xuống còn 57%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 34% lên 41%...
...đến cái khó
Vẫn biết rằng, từ đào tạo nghề cho nông dân năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo nghề vẫn còn những cái “khó”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Giáp, xã Tiên Phong cho biết: Nghề mộc ở xã rất phát triển, trên địa bàn xã có 174 xưởng mộc, với khoảng 2 nghìn lao động. Xã có làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung đã được công nhận. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, mới có 8 lớp đào tạo nghề mộc được mở tại đây, với 245 lao động được đào tạo, số còn lại anh em đều tự học truyền nghề… Nhiều hộ sau khi học nghề muốn mở xưởng sản xuất nhưng lại thiếu vốn, nên để áp dụng những kiến thức đã học được thì vài hộ góp vốn mở chung một xưởng hoặc có người đi làm thuê lấy công. Một số lớp học xong để phát triển được nghề ở địa phương lại không có đầu ra cho sản phẩm nên không phát triển được nghề như nghề mây tre đan xuất khẩu, mặc dù ở Tiên Phong đã có 2 làng nghề được công nhận là Thù Lâm và Hảo Sơn nhưng hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành chia sẻ: Từ năm 2004 đến nay, xã mất 65ha đất nông nghiệp để triển khai khu công nghiệp, các dự án, hiện chỉ còn 400ha đất nông nghiệp (trong đó có 360ha đất cây lúa). Khi lấy đất, các đơn vị, doanh nghiệp đều cam kết sẽ tuyển dụng lao động địa phương nhưng với thời gian đào tạo 3 tháng như hiện nay thì không đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, nhiều dự án triển khai từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động như: Tập đoàn Lệ Trạch (Đài Loan) khởi công từ tháng 11-2007, Khu công nghiệp Trung Thành (2007)…
Và hướng giải quyết…
Đào tạo nghề cho nông dân là việc làm tưởng như “dễ” nhưng áp dụng vào từng địa phương với đặc điểm địa hình, con người, điều kiện kinh tế lại là điều “không đơn giản”. Để hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án đã đặt ra, huyện Phổ Yên đưa ra các giải pháp chủ yếu, đó là: Làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn vùng bị thu hồi đất để người dân nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học và có khả năng giải quyết được việc làm sau khi học nghề. Huy động sự tham gia của hệ thống chỉnh trị từ huyện đến cơ sở vào công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong việc tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề. Đồng thời giao việc đào tạo nghề nông nghiệp cho ngành Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện; đào tạo nghề phi nông nghiệp cho ngành Kinh tế và hạ tầng, ngành Lao động - TBXH. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề phải dựa trên nhu cầu của người dân, đối với nghề phi nông nghiệp phải có cảm kết giải quyết việc làm trước khi đào tạo, chỉ tiến hành đào tạo khi có khả năng giải quyết được việc làm sau đào tạo, đảm bảo lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 85% trở lên. Có biện pháp đề nghị các doanh nghiệp cam kết đào tạo nguồn nhân lực nhằm thu hút chính những lao động bị thu hồi đất vào làm việc, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội…
Để công tác này thực sự đem lại hiệu quả ngoài sự chung tay giúp sức của các cấp, các ngành, người dân cần sự nỗ lực cố gắng hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên: Mỗi năm huyện dành khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, đào tạo nghề phi nông nghiệp chỉ có dịch vụ còn phát huy hiệu quả, còn các nghề khách khi học xong (3 tháng) khó xin việc, hoặc nếu xin được việc thì thang lương được tính như lao động phổ thông, nên không hấp dẫn người học.
Ông Nguyễn Văn Giáp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên: Ở Tiên Phong có nhiều làng nghề mộc, nhiều lao động có trình độ cao đã qua học nghề ở Đồng Kỵ nên khi mở lớp dạy nghề mộc có hiện tượng thầy không giỏi bằng trò, vì thế chúng tôi đề nghị huyện cần khảo sát kỹ trước khi mở lớp dạy nghề. |