Kinh tế phát triển, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện là minh chứng rõ nét vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế ở xã Phú Thượng (Võ Nhai). Từ một địa phương nghèo của huyện, Phú Thượng đang có những bước tiến vững chắc.
Đến xóm Ba Nhất những ngày này, chúng tôi được đi giữa màu xanh của ngô trên khắp các triền đồi và soi bãi. Người dân đang tích cực phát dọn nương bãi, sửa chữa lại đường để chuẩn bị thu hoạch ngô trong khoảng nửa tháng nữa. Ông Lý Tài An, xóm Ba Nhất chia sẻ: “Hai giống ngô lai LK66 và LK67 đang được bà con Ba Nhất sử dụng phổ biến và tỏ ra rất thích hợp với đồng đất nơi đây. Mùa vụ này, gia đình tôi trồng 25 kg ngô giống (tương đương gần 5 mẫu đất), dự tính thu hoạch khoảng 7 tấn ngô hạt, trừ chi phí cũng được thu lãi được hơn chục triệu đồng”. Theo lời ông An, thời tiết năm nay hạn hán, rét hại kéo dài nên ngô mất mùa, chứ như mọi năm với diện tích đó, ông thu hoạch khoảng chục tấn ngô. Kết hợp trồng ngô và chăn nuôi cho gia đình ông An thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng/năm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không riêng ở Ba Nhất mà ở nhiều xóm khác ở Phú Thượng, những gia đình có thu hoạch hơn chục tấn ngô mỗi năm khá phổ biến. Riêng Ba Nhất, vụ xuân năm nay đã gieo trồng khoảng 80 ha ngô (nhiều hơn diện tích lúa). Ông Triệu Long Kim, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất khẳng định: Ngô lai chính là cây trồng giúp bà con dân tộc Dao nơi đây thoát nghèo, làm giàu. Thành tích mỗi năm giảm từ 8 đến 10 hộ nghèo, nhiều gia đình đạt tổng thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/năm có đóng góp rất lớn từ cây ngô.
Không phải ngẫu nhiên Phú Thượng lựa chọn cây ngô là cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo. Đồng chí Hoàng Mạnh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng ở Phú Thượng có nhiều soi bãi, nhiều chân ruộng cao và sườn núi đá có đất pha cát, cộng với khí hậu mát mẻ nên rất thích hợp để trồng cây ngô. Từ thực tiễn đó, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Đảng bộ xã đều ưu tiên phát triển các cây ngô lai. Từ nội dung nghị quyết, xã đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch từng năm, từng vụ và giao cụ thể chỉ tiêu gieo trồng cây ngô xuống cho từng xóm, bản. Ban đầu là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thử nghiệm các giống ngô lai và kỹ thuật canh tác mới. Khi thấy hiệu quả thì người dân sẽ từng bước chuyển đổi lúa và các cây mầu khác sang trông ngô. Xã cũng thực hiện nghiêm việc trợ giá 10 nghìn đồng/kg ngô giống theo chương trình trợ giá của tỉnh và tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc những giống ngô mới. Tính riêng vụ xuân năm nay, Phú Thượng đã trồng được 210 ha ngô, cao hơn 64 ha so với cây lúa. Trong số này, 98% diện tích là các giống ngô lai năng suất cao như: CP38; CP29; LK66... Theo nhận định của nhiều người dân, tuy hạn hán dẫn đến năng suất có thấp hơn mọi năm nhưng bù lại ngô năm nay được giá, trung bình khoảng 6.500 đồng/ kg nên trồng ngô trên đất soi bãi và những chân ruộng không chủ động nước vẫn hiệu quả hơn cấy lúa.
Không chỉ phát triển cây ngô, những năm qua Đảng bộ xã Phú Thượng còn chỉ đạo nhân dân tập trung phát triển cây chè tại các khu vực đồi núi thấp. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, xã đa tăng gấp đôi diện tích cây chè lên 37,2 ha. Các xóm trồng chè tập trung là Mỏ Gà, Ba Nhất, Phượng Hoàng… Theo anh Chu Đức Trường, cán bộ nông nghiệp xã: Diện tích chè trồng mới đều là các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao là LDP1 và Phúc Vân Tiên.
Để khuyến khích phát triển cây trè, 100% cây giống đều được hỗ trợ theo chính sách của tỉnh. Đồng thời, xã cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn ky thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè cho bà con. Theo anh Trường, cây chè đã bắt đầu bén rễ và mang lại thu nhập kinh tế cho người dân. Chất lượng chè ở Phú Thượng được đánh giá khá cao so với các địa phương khác của huyện. Hiện sản lượng chè mỗi năm của xã đã đạt xấp xỉ 100 tấn búp tươi.
Cùng với việc mở rộng diện tích cây ngô và chè ở những khu vực phù hợp, từng bước nâng cao năng suất và chất lượng các loại cây này, thời gian qua, Phú Thượng cũng duy trì diện tích cây đậu tương và thuốc lá khoảng 100 ha. Sản xuất có nhiều khởi sắc, đến nay những cánh đồng đạt giá trị 70 triệu đồng/ ha ở Phú Thượng đã trở nên phổ biến; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 9 triệu đồng/ năm; tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm khoảng 5% mỗi năm hiện còn 23,3% số hộ nghèo... Có thể khẳng định, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ là yếu tố quyết định những khởi sắc về kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng bộ xã Phú Thượng đã xây dựng những nghị quyết và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả và được nhân dân đồng thuận thực hiện.