“Vực” doanh nghiệp qua “cơn bĩ cực”

08:02, 17/07/2012

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ đồng (bao gồm thuế, hạ lãi suất ngân hàng…) nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) giảm bớt khó khăn. Sau khi có văn bản hướng dẫn, các ngành liên quan của tỉnh đã có những động thái tích cực triển khai kịp thời Nghị quyết số 13 của Chính phủ, đem lại hiệu quả bước đầu...

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP (ngày 10-5-2012) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 29 nghìn tỷ đồng (bao gồm thuế, hạ lãi suất ngân hàng…) nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh (SXKD) giảm bớt khó khăn. Sau khi có văn bản hướng dẫn, các ngành liên quan của tỉnh đã có những động thái tích cực triển khai kịp thời Nghị quyết số 13 của Chính phủ, đem lại hiệu quả bước đầu...

 

Tác động của gói hỗ trợ

 

Công ty TNHH Thương mại Vân Cường là một đơn vị chuyên kinh doanh sắt thép xây dựng - mặt hàng đang gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm (giảm 2/3 so với năm 2011), trong khi đó giá thép lại liên tục bị hạ: Tháng 2-2012 là 17.250 đồng/kg, đến tháng 6-2012 hạ xuống còn 16.600 đồng/kg (giảm 650 đồng/kg). Vì vậy, hoạt động SXKD từ đầu năm đến nay không có lãi (chưa kể các chi phí lương, điện, nước…). Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty cho biết: Tuy kinh doanh không có lãi song chúng tôi vẫn cố duy trì hoạt động để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Từ tháng 4-2012, thực hiện Nghị quyết số 13 của Chính phủ, Công ty đã được cơ quan Thuế tính toán cho giãn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 2 tháng 4 và 5-2012, với tổng số tiền nộp thuế là 5,8 tỷ đồng. Số tiền thuế trên được gia hạn trong 6 tháng mới phải nộp nên đối với DN thật có ý nghĩa vì chúng tôi đã được hưởng số vốn trên mà không phải chịu lãi (nếu vay lãi ngân hàng số tiền trên, chỉ tính theo lãi suất 12%/năm thì mỗi tháng Công ty sẽ phải chi 58 triệu đồng để trả lãi ngân hàng, tổng tiền lãi trong 6 tháng là 348 triệu đồng). Đi đôi với hưởng gói hỗ trợ từ chính sách thuế, Công ty còn được hưởng gói hỗ trợ vốn vay ngân hàng với số tiền 10 tỷ đồng (với lãi suất là 12%/năm). Do vậy Công ty đã tiết kiệm thêm từ gói hỗ trợ này khoảng 30 triệu đồng/tháng (trước đây, nếu vay 10 tỷ đồng với lãi suất 15%/năm thì mỗi tháng Công ty phải trả lãi khoảng 150 triệu đồng). Nhờ 2 gói hỗ trợ này, Công ty có thêm điều kiện để bù đắp một phần thua lỗ trong kinh doanh và các chi phí khác (như: hàng tồn kho, chi trả lương cho người lao động, giá điện, nước tăng…).

 

Tương tự, Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc Thái Nguyên cũng được gia hạn 6 tháng nộp thuế GTGT với số thuế 437 triệu đồng (gồm 3 tháng: 4, 5, 6-2012); gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ năm 2011 trở về trước là 131 triệu đồng. Do vậy Công ty có điều kiện mua sắm thêm trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng sản phẩm tư vấn…

 

Khó khăn chưa phải đã qua

 

Vào một ngày đầu tháng 7, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Thành cùng chúng tôi đi “mục sở thị” tại 9 DN thuộc “Cụm công nghiệp số 5” ở phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên). Sở dĩ chúng tôi viết “Cụm công nghiệp số 5” là vì về mặt pháp lý, cụm công nghiệp (CCN) này chưa được quy hoạch chính thức. Mọi thủ tục để có được tên gọi là CCN vẫn đang nằm trên giấy tờ. Chính vì lý do chưa được quy hoạch nên các DN ở CCN này đang “sống dở chết dở”. Qua câu chuyện của ông Thành chúng tôi được biết: Do khu vực này được các DN ví là nơi “đất lành chim đậu”, có vị trí thuận lợi trong kinh doanh các mặt hàng cơ, kim khí và làm kho bãi (vì ở gần một số đơn vị của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Xí nghiệp Luyện kim mầu II)  nên đã có 9 DN về đây lập nghiệp từ năm 2010. Nhưng, CCN này chưa được tỉnh quy hoạch có nghĩa là các DN cũng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCN). Thế nên các DN phải tự thân vận động, DN nào “tự lo” được GCN thì đàng hoàng đi vào SXKD; còn DN nào chưa có GCN (con số này chiếm đa số) thì hoạt động cầm chừng hoặc xây nhà xưởng rồi phải nằm im để chờ… có quy hoạch. Và, chính vì không có GCN nên DN không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn; không được khấu trừ thuế TNDN. Hiện nay, đa số các DN đều ngừng sản xuất, nhà xưởng đóng cửa im ỉm; chỉ còn vài DN “nhúc nhắc” hoạt động. Nguyện vọng lớn nhất của các DN ở đây là các cơ quan chức năng sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để “CCN số 5” được quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho các DN được hưởng các quyền lợi khác như: Được thế chấp vay vốn ngân hàng; hưởng lợi từ các chính sách thuế của Nhà nước…

 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số DN đều có chung ý kiến là: Gói hỗ trợ về thuế và lãi suất ngân hàng đã góp phần tác động tích cực đến các DN, song chỉ thực sự tác động đối với những DN được gia hạn với số thuế lớn, tiếp cận với lãi suất ưu đãi, “sức khỏe” DN không quá yếu (tức là vẫn duy trì được SXKD, hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn tự có). Còn đối với những DN hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng, số tiền thuế được giãn, giảm không lớn (từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng một tháng) thì sự tác động không đáng kể). Với 1 DN đã ốm yếu thì “liều thuốc hỗ trợ” của Nhà nước phải “cực mạnh” và “chữa lâu dài” thì mới có thể vực dậy được. Trong khi đó, số các DN này đang chiếm rất lớn (hơn 70% số DN), làm ảnh hưởng không nhỏ đến cả nền kinh tế.

 

Thực hiện Nghị quyết số 13 của Chính phủ, ngành Thuế tỉnh đã tính toán và triển khai thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế cho các đối tượng (tính đến ngày 30-6-2012) với số tiền thuế 79 tỷ đồng,  gồm số thuế giá trị gia tăng (GTGT) được gia hạn trong tháng 4 và tháng 5-2012 là 64 tỷ đồng; số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được gia hạn nộp là 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tính đến ngày 31-5-2012 đã có 4.862 khách hàng được vay vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần trên địa bàn, tương ứng với 1.090,2 tỷ đồng; riêng cho vay theo Thông tư số 14 ban hành ngày 4-5-2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (về quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam) là 2.881 khách hàng, chiếm tỷ lệ 59,25%...   

Theo phân tích của ông Văn Tiến Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Kim khí Bắc Thái: Đối với 1 DN được hưởng lợi vài chục triệu đồng từ việc hạ lãi suất vốn vay ngân hàng hay giãn, giảm thuế trong 1 tháng, nhưng lại đang quá “ốm yếu” (mỗi tháng có thể thua lỗ đến vài tỷ đồng) thì con số hỗ trợ lãi suất và vốn được hưởng lợi không lãi từ chính sách thuế chưa tác động nhiều. Nhiều DN đúc kết được bài học kinh nghiệm: Đơn vị nào kinh doanh bằng vốn tự có của mình là chủ yếu thì khi gặp “sóng to, gió cả” như lúc này vẫn trụ được. Còn nếu hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng thì giữ được DN là may…

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn các DN đang duy trì SXKD tốt, được ngân hàng tín nhiệm thì không khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Từ đầu năm đến nay, các DN này chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng với lý do nhu cầu đến đâu thì vay đến đó (còn nếu hàng hóa không tiêu thụ được thì vay vốn về cũng chẳng làm gì). Đối với một số DN ngừng SXKD lại không cần tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

 

Cần xem xét kiến nghị hợp lý của DN để tháo gỡ khó khăn

 

Gói hỗ trợ vốn vay ngân hàng, giãn, giảm thuế chỉ là một giải pháp hỗ trợ các DN giảm bớt khó khăn về tài chính để bù đắp cho phần SXKD của DN bị thua lỗ và các chi phí cần thiết trước mắt. Vấn đề mấu chốt lúc này là phải có giải pháp đồng bộ để “vực” các DN qua “cơn bĩ cực”. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Cường tâm sự: Mặc dù DN được hưởng lợi lớn từ gói hỗ trợ song cũng không thoát khỏi khó khăn chung. Muốn kinh doanh sôi động trở lại như trước thì phải phụ thuộc vào cả “cỗ máy” của nền kinh tế có khởi sắc hay không? Nếu đa số các DN vẫn nằm trong tình trạng khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm thì các DN khác cũng khó mà phát triển bền vững được…

 

Chính vì vậy, thiết nghĩ với những vấn đề DN đề xuất có thể giải quyết được thì các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên quan tâm xem xét giải quyết hoặc tiếp tục đề xuất đến cấp có thẩm quyền để góp phần tháo gỡ khăn cho DN, ví dụ như: Vấn đề quy hoạch CCN số 5 ở T.P Thái Nguyên (như đã nêu ở trên); giá điện, nước nên ổn định để tạm thời giảm chi phí đầu vào cho DN. Về chính sách thuế, Nhà nước nên gia hạn nộp thuế cho các DN thêm 6 tháng nữa, và nếu có thể thì giảm thuế TNDN xuống còn 20% (thay cho mức 25% hiện nay) để DN có thời gian “phục hồi sức khỏe” sau “cơn ốm nặng” kéo dài. Để DN tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp, các NHTM cũng nên xem xét cho DN được trả các món vay cũ với lãi suất đang phải trả 17%/năm nhưng chưa đến hạn trả để DN tiếp cận với món vay mới, lãi suất hạ (nhiều DN đã có ý kiến về vấn đề này).

 

Bên cạnh đó, các ngân hàng nên tiếp tục cải tiến thủ tục để bớt rườm rà hơn; xem xét lại mức thu một số loại phí còn cao; đồng thời cần thống nhất trong việc thu một số loại phí (như: phí kiểm đếm tiền mặt; phí rút tiền; thu phí tối thiểu…), bởi với những loại phí này hiện nay có ngân hàng thì thu, có ngân hàng lại không, hay mức thu cao - thấp khác nhau. Hoặc về vấn đề xe ôtô chở quá khổ, quá tải hiện cũng chưa có cách xử lý thống nhất giữa các tỉnh (nơi thì phạt, nơi lại cho đi qua) làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tỉnh nên có giải pháp hợp lý để bảo đảm bình đẳng trong khâu vận tải, tạo điều kiện cho các DN thông thương hàng hóa vào tỉnh...

 

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc Thái Nguyên: Khó khăn chung của các đơn vị xây dựng là thiếu việc làm. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung và Công ty chúng tôi nói riêng, đề nghị tỉnh có cơ chế tạo việc cho các đơn vị trong tỉnh thông qua việc chỉ thầu các công trình để DN có cơ hội tạo thêm việc làm mới cho người lao động.Đồng thời tiếp tục kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế cho các DN thêm 6 tháng nữa để DN được hỗ trợ thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh…

 

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Trường Thành: Muốn tháo gỡ khó khăn cho DN cần phải có giải pháp tổng thể: từ công tác quy hoạch đất đai; khơi thông thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thuế, hạ lãi suất ngân hàng;giá điện, nước tạm thời nên ổn định để giảm chi phí đầu vào cho DN…

 

 

Ông Nguyễn Đức Cổn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Cường Thịnh: Vốn chưa phải là yếu tố quyết định đối với các DN xây dựng, vấn đề quan trọng vẫn là phải có công việc, từ đó sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về: việc làm, thu nhập cho người lao động; nộp ngân sách...