“Giải cứu” doanh nghiệp sản xuất xi măng: Sự tác động cần thiết của Nhà nước

08:46, 15/08/2012

Cái khó hiện đang bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó đáng kể nhất là ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Xi măng có lẽ là một trong những sản phẩm chịu tác động nặng nề nhất. Các phương án “giải cứu” tức thời và mang tầm vĩ mô của Nhà nước đưa ra lúc này được xem là rất cần thiết, có ý nghĩa tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua gian khó...

Thái Nguyên là một trong những tỉnh có nhiều nhà máy xi măng cỡ lớn nhất miền Bắc hiện nay. Với sự góp mặt của 3 nhà máy xi măng (La Hiên, Quang Sơn, Quán Triều) và một vài đơn vị sản xuất nhỏ khác, sản lượng xi măng mỗi năm của chúng ta hiện cũng xấp xỉ mức 4 triệu tấn. Nhà máy xi măng ngày càng mọc lên nhiều trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm này không tăng là bao. Quy hoạch không cân bằng trong nội bộ ngành xi măng đang bóp nghẹt “sự sống” của chính những nhà máy sản xuất xi măng. Cũng bởi vậy mà thời gian gần đây, các đơn vị sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh chỉ vận hành được 50% công suất thiết kế.

 

Mặc dù có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái 20%, song những người đứng đầu Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn vẫn không thể hài lòng về sản lượng tiêu thụ 7 tháng qua. Lý do là ở chỗ năm 2011 là năm doanh nghiệp này mới đưa sản phẩm xi măng nhãn hiệu Quang Sơn ra thị trường nên lượng tiêu thụ đương nhiên sẽ hạn chế. Hơn nữa, so với kế hoạch 1 triệu tấn của năm 2012 thì 7 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 40%.

 

Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty không ngần ngại cho chúng tôi biết về số hàng còn tồn kho của đơn vị hiện nay, khoảng 50 nghìn tấn. “Tháng 6 vừa qua là tháng tồn kho cao điểm nhất, khoảng 120 nghìn tấn. Tuy nhiên, đây là tháng mà chúng tôi cho dừng lò để bảo trì thiết bị…” - Ông Ký nói.

 

Với Công ty CP Xi măng La Hiên, sản lượng tiêu thụ những tháng đầu năm nay có vẻ khả quan hơn, song so với kế hoạch thì vẫn chưa đạt. 7 tháng qua, đơn vị này tiêu thụ được trên 350 nghìn tấn, đạt khoảng 47% kế hoạch năm. Phó Giám đốc Công ty, ông Nông Nhật Ba cho biết: Một nghịch lý hiện nay là giá đầu vào (than, xăng dầu, điện, nguyên vật liệu khác) đang tăng cao, nhưng giá đầu ra lại thường phải điều chỉnh giảm để có thể tiêu thụ được hàng. Bởi vậy mà ngành xi măng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

 

Thương hiệu xi măng Quán Triều (Công ty CP Xi măng Quán Triều) mới được đưa vào thị trường không lâu nên lại càng gặp khó khăn. Mặc dù mới chỉ hoạt động khoảng một nửa công suất thiết kế nhưng đơn vị này cũng thường xuyên để tồn kho 6 đến 7 nghìn tấn xi măng và khoảng 10 nghìn tấn Clinke.

 

Thời gian gần đây, sự tác động từ những chính sách vĩ mô của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là tương đối rõ rệt. Cụ thể như chính sách tăng nguồn vốn giải ngân cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng; dành nguồn ngân sách thích đáng cho xây dựng nông thôn mới; xây dựng đề án, dự án làm đường bằng bê tông... Tất cả những điều đó đã góp phần kích thích rất lớn nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có xi măng.

 

Đối với Thái Nguyên, gần đây tỉnh chủ trương sử dụng toàn bộ xi măng địa phương để thực hiện chương trình phát triển hạ tầng nông thôn. Theo đó, 3 đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất hiện nay là Quang Sơn, La Hiên và Quán Triều sẽ được ứng trước từ ngân sách của tỉnh mỗi đơn vị 10 tỷ đồng với khối lượng 45 tấn xi măng/đơn vị. Riêng đối với xi măng Quang Sơn, do đơn vị này có khoản nợ vay từ Ngân hàng Phát triển lớn nên đang được Chính phủ xem xét cơ cấu lại nợ để giảm bớt gánh nặng. Theo thông tin chúng tôi biết được thì từ tháng 7 vừa qua, Công ty này chỉ phải trả gốc cho ngân hàng khoảng 500 triệu đồng/tháng (trên số khoản vay khoảng 1.200 tỷ đồng).

 

Trò chuyện với chúng tôi xung quanh vấn đề giải cứu doanh nghiệp sản xuất xi măng, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương đưa ra 3 nội dung: Trước hết là sự tác động mạnh mẽ của tỉnh trong đầu tư công. Tỉnh đã chỉ đạo các dự án có trong kế hoạch phải đẩy nhanh tiến độ; chủ dự án phải làm tốt khâu giải ngân để giúp tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng. Thứ hai, tỉnh đã sử dụng ngân sách để giải ngân thanh toán các dự án, công trình kịp thời theo tiến độ, tránh trường hợp cân đối đến cuối năm mới chi trả. Cuối cùng, nếu dự án nào sử dụng ngân sách địa phương thì nên dùng chính vật liệu xây dựng của địa phương (tất nhiên chất lượng phải đảm bảo các tiêu chí đề ra).

 

Mặc dù sự trợ giúp của Nhà nước là cần thiết và quan trọng, nhưng bản thân các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng luôn hiểu được sức mạnh nội lực là yếu tố cốt lõi. Bởi vậy, thời gian qua, các doanh nghiệp này đã tự thân vận động, xoay trở để có thể cải thiện được tình hình. Những người đứng đầu thương hiệu xi măng Quang Sơn thời gian gần đây đã tạo được bước đột phá khi liên kết, ký hợp đồng lâu dài với một nhà đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc để cung cấp toàn bộ xi măng cho Dự án làm đường bê tông cao cấp.

 

Được biết, nhà đầu tư Vĩnh Phúc đã dùng xi măng Quang Sơn để thảm hơn 40 km đường cấp tỉnh và đường trong khu công nghiệp (điều mà chưa một địa phương nào làm được). Bên cạnh đó, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn cũng đang kiên trì mở rộng thêm thị trường, tiết giảm chi phí vật tư đầu vào, điều chỉnh giá bán, tăng sức cạnh tranh để ổn định sản xuất. Với xi măng La Hiên, Quán Triều hay Lưu Xá, Cao Ngạn, Núi Voi, việc tiết kiệm chi phí đang được đặt lên hàng đầu. Nhiều đơn vị còn khoán quản chi phí sản xuất chính cho các phân xưởng.

 

Cùng với đó, các doanh nghiệp còn tập trung rà soát lại quy trình sản xuất, loại bỏ những khâu không cần thiết; tăng cường đa dạng hóa các nguồn vốn huy động (huy động ngay trong cán bộ, người lao động của đơn vị) và sử dụng vốn hiệu quả; quan tâm đến xúc tiến thương mại, mở rộng kênh lưu thông hàng hóa, ổn định mạng lưới đại lý bán hàng ở các địa phương...