Chuyển đổi ở Làng Phan

09:09, 07/09/2012

Làng Phan, xã Cổ Lũng từng nổi tiếng với nghề sản xuất gạch đất nung. Nhưng hôm nay Làng Phan đã đổi khác, trở thành vùng sản xuất chè với các sản phẩm chè chất lượng cao của huyện Phú Lương. Sở dĩ có sự chuyển đổi này là do nhân dân trong xóm đã thực hiện chỉ đạo của tỉnh về xóa bỏ lò gạch thủ công để chuyển sang một ngành nghề khác mang tính bền vững, và đời sống bà con ở đây đã dần được nâng lên nhờ bước chuyển này.

Dưới cái nắng trong veo của những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm về xóm Làng Phan. Đi trên con đường đất uốn lượn vòng quanh xóm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay ở đây. Dọc 2 bên con đường này, trước đây lò gạch mọc san sát, đua nhau nhả khói, ở các diện tích đất đồi bãi, bà con múc đất nham nhở thành các hố, hủm để lấy nguyên liệu sản xuất gạch. Thế mà nay, hầu hết các lò gạch đã bị phá bỏ, khắp trên đồi, dưới bãi đâu đâu cũng phủ kín mầu xanh của chè. Chỉ tay về phía những bãi chè cành đang tủa búp xanh non căng tràn sức sống, ông Dương Văn Hòa, Trưởng xóm cho biết: Tất thảy những diện tích chè này đều là các giống chè cành chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc… được bà con trong xóm bắt đầu trồng từ năm 2010.

 

Xóm Làng Phan có hơn 200 hộ với trên 800 nhân khẩu, trước năm 2010, hầu hết các hộ dân ở đây đều làm nghề sản xuất gạch đất nung bằng phương pháp thủ công, lúc cao điểm toàn xóm có trên 100 lò gạch với sản lượng mỗi năm ra lò 600-700 vạn viên/năm. Gạch Làng Phan không những cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà con xuất ra các tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… Tuy nhiên, nghề làm gạch không bền vững vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu là đất, do nhiều năm lấy đất làm gạch, trữ lượng đất ở xóm đã cơ bản khai thác hết, vì vậy người dân ở đây đã manh nha ý tưởng chuyển đổi sang một ngành nghề khác.

 

Song ý tưởng này chỉ bắt đầu được thực hiện khi tỉnh có văn bản chỉ đạo các lò gạch thủ công phải dừng hoạt động vào năm 2010. Sau khi có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, Chi bộ xóm đã họp và quyết định đưa cây chè vào trồng bởi Phú Lương là địa phương có diện tích chè lớn thứ 2 của tỉnh, có số làng nghề sản xuất, chế biến chè nhiều nhất tỉnh, sản phẩm chè của huyện cũng được nhiều người biết đến bởi hương thơm, vị đượm. Hơn nữa, chè là loại cây có thể phát triển được ở nơi đất cải tạo lại như ở Làng Phan. Từ đó, Chi bộ xóm đã ra nghị quyết mỗi năm trồng mới 3ha chè trở lên. Vậy là việc chuyển đổi từ làm gạch sang trồng chè đã trở thành cuộc cách mạng ở đây, người dân thi nhau san đồi, lấp đầm, những nơi đất cao được bà con múc san bớt ra những diện tích trũng thấp, hố thấu, toàn bộ diện tích bờ bãi trước bỏ trống cũng được bà con đưa cây chè vào trồng.

 

Không chỉ thực hiện tốt nghị quyết của Chi bộ là mỗi năm trồng 3ha, mà mỗi năm bà con trong xóm trồng 4ha trở lên, đặc biệt năm 2011 trồng được 7ha. Hiện nay, xóm cơ bản đã xóa hết lò gạch thủ công, diện tích chè của xóm ngày càng được mở rộng, từ chỗ xóm chỉ có khoảng 3ha, đến nay đã lên tới gần 20ha. Toàn bộ diện tích trồng mới được bà con đưa các giống chè cành năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều hộ dân trong xóm đã khấm khá lên nhờ chuyển từ làm gạch sang trồng chè.

 

Gia đình bà Phó Thị Tuyết là một trong những hộ đầu tiên trong xóm thực hiện chuyển đổi từ làm gạch sang trồng chè và giàu lên nhờ sự chuyển đổi này. Bà Tuyết cho biết: Gia đình tôi có trên 1ha đất, ngoài 5 sào ruộng cấy lúa, còn lại toàn là đất đồi bãi. Trước đây, cũng như bao gia đình khác trong xóm, gia đình tôi cũng khai thác đất để sản xuất gạch đất nung với 2 lò thường xuyên nung đốt cả ngày lẫn đêm. Mỗi năm, tôi xuất bán 40-50 vạn viên gạch, thu nhập đạt khoảng 50 triệu đồng. Nhưng từ năm 2010, do diện tích đất có thể khai thác để làm gạch cơ bản đã hết, đang loay hoay chưa biết chuyển đổi sang nghề gì thì địa phương có chủ trương đưa cây chè vào trồng, thấy chè có tiềm năng phát triển, nên tôi đã thực hiện trồng luôn 4 sào. Từ đó, cứ mỗi năm trồng thêm một ít, đến nay tổng diện tích chè của gia đình là 10 sào. Hiện nay, mỗi năm tôi thu 7 lứa, mỗi lứa được 200kg búp khô, tổng thu nhập mỗi năm trên 140 triệu đồng.

 

Gia đình ông Lưu Văn Việt cũng là một trong những hộ hiện có tổng diện tích chè lớn nhất xóm, ông Việt cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 10 sào chè, phần lớn là giống Phúc Vân Tiên. Hiện nay, có 5 sào đã cho thu hoạch, mỗi năm từ 5 sào chè này gia đình tôi thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung chăm sóc hơn 10 sào chè hiện có, đồng thời tiếp tục trồng mới hết diện tích đất còn lại.

 

Nhờ thực hiện chuyển đổi ngành nghề đúng hướng, đời sống của bà con trong xóm đã được nâng lên. Hiện toàn xóm còn 10 hộ nghèo, mỗi năm xóm giảm 2-3 hộ nghèo. Riêng năm nay, xóm đề ra mục tiêu giảm 5 hộ nghèo, tiến tới năm 2013 sẽ xóa hết hộ nghèo, từng bước phát triển kinh tế vươn lên khá, giàu.

 

Để hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề, huyện Phú Lương đã đưa Dự án trồng chè cành vào xóm. Theo đó, bà con được hỗ trợ 100% giá giống, ngoài ra, huyện còn quan tâm hỗ trợ bà con về khoa học kỹ thuật. Trong 4 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức được 4 lớp tập huấn trồng, chăm sóc chè với trên 400 lượt người tham gia. Hiện nay, bà con trong xóm cũng đang tham gia lớp kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn để từng bước nâng cao chất lượng chè. Trong tương lai, xóm sẽ xây dựng thương hiệu chè Làng Phan không thua kém các vùng sản xuất, chế biến chè nổi tiếng trong tỉnh.