Đến Tiên Hội (Đại Từ) hôm nay, chúng tôi cảm nhận được diện mạo mới của vùng đất nông thôn đang trên đà hội nhập công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm với nguồn vốn của Nhà nước, xã hội hóa và nhân dân đóng góp trị giá hàng chục tỷ đồng được đầu tư xây dựng khang trang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã từ năm 2010 trở lại đây duy trì ở mức 10%; tỷ lệ hộ nghèo từ trên 400 hộ (năm 2005) đến nay giảm xuống còn hơn 200 hộ (chiếm 12% tổng số hộ trong xã). Năng suất lúa hai vụ của xã đạt bình quân 57 tạ/hạ (tăng 3 tạ/ha so với nhiệm kỳ trước). Các loại hình thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, doanh thu tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đây. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 16 triệu đồng/người/năm (tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2008).…
Có được kết quả trên, theo đồng chí Tô Viết Sơn, Bí thư Đảng ủy xã thì một bài học kinh nghiệm Đảng bộ đã rút ra là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ mới tham gia công tác, tạo môi trường thuận lợi để họ đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Xuất phát từ thực tế đầu nhiệm kỳ 2005-2010, đội ngũ cán bộ khối Đảng, chính quyền xã hầu hết là mới được bầu giữ các trọng trách, tuổi đời còn trẻ nên gặp không ít khó khăn, Đảng bộ đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm có tính chất quyết định là đổi mới căn bản về công tác cán bộ. Trong đó có yêu cầu hàng năm mỗi cán bộ, công chức cần tích cực trau dồi trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và tin học để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, yêu cầu cán bộ phải sâu sát với cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngoài các đồng chí Trưởng, Phó Công an và Xã Đội trưởng, Đội phó Quân sự được cấp kinh phí đi học chuyên môn ngành an ninh, quân sự thì số cán bộ, công chức còn lại đều tự bỏ kinh phí để đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Xã luôn có sự khuyến khích, động viên các cán bộ đi học bằng việc bố trí thời gian, giao công việc hợp lý. Đồng thời với mỗi cán bộ đi học đều có ý thức tự giác xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, tránh chồng chéo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nếu như đầu nhiệm kỳ trước, số cán bộ chuẩn hóa của xã chiếm 50% về chuyên môn, thì hiện nay, 19/19 cán bộ đều chuẩn hóa, trong đó 7 đồng chí có trình độ đại học; 1 đồng chí trình độ cao đẳng, số còn lại là trình độ chuyên môn trung cấp. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là cán bộ xã đầu tiên của huyện có trình độ đại học tại chức với chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và quản trị kinh doanh.
Hiện, 6 cán bộ, công chức xã cũng đang theo học nâng cao các lớp đại học chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh. Về trình độ lý luận chính trị, hiện có 7 cán bộ, công chức có trình độ trung cấp, số còn lại đều có trình độ sơ cấp. Riêng trong nhiệm kỳ trước, xã đã cử 6 cán bộ đi học trung cấp lý luận và 242 lượt cán bộ đảng viên (trong đó có các cán bộ, công chức xã) tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận ngắn hạn.
Sau khi đi học, với trình độ chuyên môn được trang bị, các cán bộ đều thể hiện rõ hiệu quả qua việc giải quyết, điều hành công việc hợp lý, đặc biệt là trong công tác cải cách hành chính. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tôi đã có khoảng 7 năm làm cán bộ tư pháp. Ban đầu, do chưa có trình độ chuyên môn nên việc công chứng giấy tờ và cấp mới, chuyển nhượng đất đai cho các hộ dân đối với tôi gặp nhiều khó khăn, lúng túng dẫn đến giải quyết công việc mất nhiều thời gian cho người dân. Sau khi hoàn thành khóa học lớp trung cấp luật, tôi được trang bị các kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý công việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hàng năm tôi cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về cải cách hành chính, đồng thời tự trau dồi chuyên môn về tin học. Bởi vậy, quá trình tiếp nhận, xử lý và trả hồ sơ tôi đã thực hiện nhanh chóng, chính xác hơn, nhất là trong lĩnh vực cấp mới, cấp đổi, chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đảm bảo các quy định của Nhà nước, không để xảy ra sai sót lớn hoặc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ các cán bộ khuyến nông được đào tạo chuẩn hóa về chuyên môn, tích cực gắn bó với cơ sở, ruộng đồng nên việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến với bà con được thực hiện hiệu quả hơn so với nhiệm kỳ trước. Cùng với đó, các cán bộ cũng gương mẫu thực hiện các ô mẫu và đưa cây trồng giống mới vào sản xuất nên được người dân đồng thuận làm theo. Nhờ vậy, hai cây mũi nhọn trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương là lúa và chè không ngừng được mở rộng và phát triển. Hiện, diện tích chè cả xã là trên 310 ha, trong đó đã có 120 ha diện tích chuyển đổi sang các giống chè cành cho chất lượng với giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần chè hạt cũ (năm 2005 toàn xã mới chỉ có 176ha, 100% là chè hạt).
Cùng với đầu tư phát triển cây chè, 5 năm trở lại đây, Tiên Hội còn làm tốt việc quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, khuyến khích bà con đưa vào trồng giống lúa nếp cái hoa vàng ở 3 xóm: Gò, Lập Mỹ, Tiên Hội với diện tích trên 70 ha (tăng trên 30 ha so với nhiệm kỳ trước). Giống nếp cái hoa vàng này mang lại lợi nhuận cho người dân thời điểm giá cao nhất là 1,8 triệu đồng/1 tạ thóc (giá trị cao gấp 2 lần so với giống lúa nếp thường). Không những vậy, một điểm nổi bật của xã Tiên Hội trong 3 năm gần đây là việc phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Xã có khoảng 3km bám dọc trục Quốc lộ 37, tận dụng lợi thế này, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết hàng năm về đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn này, trong đó cốt yếu là từ sự linh hoạt chỉ đạo, điều hành và sâu sát thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức xã mà tỷ trọng của ngành này trên địa bàn không ngừng tăng. Nếu như nhiệm kỳ trước (2005-2010), toàn xã chỉ có 53 cơ sở kinh doanh dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (cho doanh thu 1,6 tỷ đồng/năm) thì đến nay đã phát triển lên 150 hộ kinh doanh vừa và nhỏ với các loại hình gia công cơ khí, dịch vụ ăn uống và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng vừa và nhỏ; tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn (giá trị doanh thu trên dưới 3 tỷ đồng/năm).
“Để giữ vững và phát huy những thành quả trên lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, đưa Tiên Hội thành vùng sản xuất chuyên canh cây nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ… rất cần những cán bộ tâm huyết, giỏi chuyên môn. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục coi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ là khâu đột phá để thực hiện các nhiệm vụ này”- Đó là những điều tâm huyết mà đồng chí Bí thư Đảng bộ xã chia sẻ khi chia tay chúng tôi...