Khoảng chục năm về trước, xóm Con Phượng là xóm 135 đặc biệt khó khăn của xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con nông dân, cái đói, cái nghèo ở đây đã dần được đẩy lùi.
Chúng tôi đến xóm Con Phượng vào một ngày cuối thu, đi trên con đường bê tông uốn lượn trải dài, ngắm nhìn những cánh đồng lúa nặng trĩu bông đang tỏa hương thơm dịu nhẹ và những ngôi nhà xây khang trang, chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình, khởi sắc của vùng quê nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng xóm cho biết: Xóm Con Phượng có 54 hộ với gần 230 nhân khẩu thì có đến 80% số hộ là dân tộc Nùng. Cách đây khoảng chục năm, khi chưa có con đường bê tông thì bà con phải đi bộ men theo đường bờ ruộng để ra trung tâm xã, do đó, xóm nằm gần như tách biệt với bên ngoài, 100% số hộ đều thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn.
Diện tích đất của xóm lúc bấy giờ phần lớn vẫn là những khu đất trống, nguồn lương thực duy nhất của bà con là cây lúa nhưng do không được tập huấn khoa học kỹ thuật nên bà con chưa biết cách thâm canh, năng suất lúa lúc đó chỉ đạt khoảng 50 kg/sào, vào lúc giáp hạt thì rất nhiều hộ rơi vào cảnh thiếu ăn. Vì mải lo cái ăn nên việc học hành của trẻ em cũng chưa được chú trọng, thêm vào đó là sự khó khăn trong việc đi lại nên trước khi vào học lớp 1, cả xóm không có cháu nào được đi học qua lớp mẫu giáo. Đến năm 2003, khi Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai tại xóm thì cuộc sống của bà con nơi đây bắt đầu có sự thay đổi.
Từ nguồn vốn 135, con đường bờ ruộng trước đây đã được thay bằng đường bê tông phẳng phiu, xe ô tô có thể vào đến tận xóm. Bà con được tập huấn khoa học kỹ thuật và cấp nhiều giống cây trồng mới cho năng suất cao. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế rừng được bà con chú trọng nên những khu đất trống trước đây dần được phủ xanh bởi hai loại cây chủ yếu là keo và bạch đàn, đến nay, diện tích rừng chiếm khoảng 50% trong tổng diện tích tự nhiên của xóm.
Tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, bà con trong xóm đã tích cực thực hiện việc thâm canh và sử dụng những giống chè, lúa lai chất lượng cao. Mỗi sào lúa, bà con thu được khoảng 1,5 tạ thóc, còn chè búp khô thu khoảng 20kg/lứa/sào (tăng gần chục lần so với trước đây). Cái đói giờ đã không còn là nỗi ám ảnh của bà con.Trẻ em trong độ tuổi đã được đi học mẫu giáo đầy đủ vì xóm đã có điểm trường Mầm non.
Xóm Con Phượng có khoảng 10km đường liên xóm chính thì đã được bê tông hóa 3km, tháng 9 năm nay, Nhà nước lại tiếp tục hỗ trợ cho xóm 200 triệu đồng để làm thêm 1km đường bê tông liên xóm. Để đoạn đường mới được rộng hơn, bà con đã tự nguyện hiến thêm gần 2.000m2 đất và đóng góp mỗi khẩu 300 nghìn đồng. Chị Hứa Thị Khuyên, một người dân trong xóm cho biết: Trước đây chưa có đường thì nông sản làm ra chỉ để tiêu thụ trong xóm thôi, giờ có con đường này thì bà con sẽ dễ dàng vận chuyển ra chợ trung tâm xã để bán hơn.
Nếu như trước đây nhân dân ở xóm Con Phượng chỉ thực hiện việc chăn nuôi nhỏ lẻ chứ không có mô hình nào lớn thì nay đã xuất hiện những hộ được thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ các mô hình chăn nuôi. Trong đó điển hình là gia đình anh Hứa Văn Viên, tâm sự với chúng tôi, anh Viên cho biết: Ba năm trở lại đây tôi đầu tư vào việc chăn nuôi lợn, trong chuồng lúc nào cũng duy trì khoảng 60 con. Trong quá trình nuôi tôi luôn thực hiện việc tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ thú y nên chưa bao giờ bị xảy ra dịch bệnh. Trung bình 1 năm, gia đình tôi được thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ việc chăn nuôi lợn.
Rời xóm Con Phượng khi trời đã về chiều, chúng tôi cảm thấy rất mừng cho bà con nơi đây khi anh Trường cho biết thêm: Tỷ lệ hộ nghèo của xóm Con Phượng đã giảm xuống còn 32 hộ; 98% số hộ đã có phương tiện nghe nhìn; 50% số hộ đã có xe máy để đi lại, vận chuyển nông sản; 50 hộ đã có nhà xây khang trang …