Hướng đi mới ở Thuận Thành

14:01, 14/09/2012

Từ một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến nay, xã Thuận Thành (Phổ Yên) đã tận dụng lợi thế để phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Nếu như năm 2005, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã là: Công nghiệp chiếm 24%, dịch vụ 16% và nông - lâm nghiệp chiếm tới 60%,  thì nay, cơ cấu này đã có sự chuyển biến rõ nét: Công nghiệp - xây dựng chiếm 62%, dịch vụ chiếm 24% và nông nghiệp chỉ còn chiếm 24%.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Loan, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Thành nhớ lại: Những năm 2000 trở về trước, xã có 95% số hộ làm nông nghiệp, còn lại 5% là tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Năng suất lúa của xã cũng chỉ đạt 35 -37 tạ/ha, ngoài ra không có nghề phụ gì khác nên đời sống người dân rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 40%. Trước thực tế trên, năm 2001, Đảng bộ xã đã tổ chức họp bàn và ra nghị quyết chỉ đạo đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp - xây dựng làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế. Là xã cửa ngõ của tỉnh, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua là những lợi thế mà Đảng bộ và nhân dân xã Thuận Thành xác định cần phải phát huy hiệu quả. Từ năm 2002 trở lại đây, khi tỉnh có chủ trương thu hút mạnh các doanh nghiệp vào đầu tư, cùng với cơ chế, chính sách hợp lý của tỉnh, huyện, với lợi thế của mình, Thuận Thành đã phát triển không ngừng. Năm 2002, Công ty Sữa Elovi là đơn vị đầu tiên tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy tại xã với diện tích 24ha. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân giải phóng mặt bằng cho dự án, xã còn tạo điều kiện về các thủ tục giấy tờ cho chủ đầu tư và phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm phát triển. Ngoài ra, xã còn tạo mọi điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng bê tông hóa hệ thống giao thông ở 14/14 thôn, xóm, giúp các phương tiện vận chuyển hàng hóa được dễ dàng.

 

Không chỉ giải phóng mặt bằng cho Công ty Sữa Elovi mà từ năm 2002 đến nay, xã Thuận Thành đã vận động nhân dân giải phóng trên 120ha đất nông nghiệp phục vụ cho các công trình, dự án. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 20 công ty, doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực như: Sản xuất gạch lát nền, sữa, các ngành nghề phục vụ xây dựng, vận chuyển bốc xếp hàng hóa, kinh doanh chế biến lâm sản… ; điển hình như Công ty cổ phần Prime, Công ty Sữa Elovi… Hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng; đồng thời làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

 

Ông Vương Văn Thế, Giám đốc doanh nghiệp Mùa Xuân cho biết: Trên dòng sông Công đoạn chảy qua xã Thuận Thành có rất nhiều tàu, thuyền cập bến chuyên chở hàng hóa, năm 2005, tôi đã mạnh dạn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện 300 triệu đồng để xây dựng 1 bến bãi với diện tích hơn 4 nghìn m2 làm nơi bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Công việc làm ăn thuận lợi, năm 2012 tôi lại đầu tư xây dựng thêm 1 bến bãi nữa tại xóm Phú Thịnh để thu gom nguyên liệu sản xuất giấy cung cấp cho Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ. Hiện, chúng tôi đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Được biết, 8 tháng năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng Doanh nghiệp Mùa Xuân vẫn đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 100 triệu đồng.

 

Cùng với chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, Đảng bộ xã Thuận Thành còn quan tâm lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để đảm bảo ổn định lương thực trên địa bàn. Hằng năm, xã phối hợp với các phòng ban chuyên môn tổ chức trên dưới 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 600 lượt người tham gia. Nhờ đó, bà con đã từng bước đưa những giống cây trồng có năng suất có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như lúa lai, ngô lai… Ngoài ra, xã còn đầu tư tu sửa hệ thống kênh mương, kiên cố hoá đường giao thông nông thôn phục vụ cho sản xuất, đời sống của nhân dân. Đến nay, diện tích lúa lai đã chiếm 50% diện tích, đưa năng suất lúa bình quân của toàn xã lên 52 tạ/ha.

 

Với sự năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Thuận Thành đã tăng từ 10 triệu đồng/người/năm (2005) lên 40 triệu đồng/người/năm hiện nay. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 90/1.446 hộ. Bộ mặt nông thôn mới của xã ngày càng khang trang, hệ thống đường giao thông nông thôn cơ bản đã được bê tông hóa, trụ sở UBND xã, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, trường Mầm non và trường Tiểu học đang trong giai đoạn hoàn thiện, phấn đấu đón chuẩn vào năm 2013, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.