Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện việc xây dựng Dự án “Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Thái Nguyên”. Sự ra đời của Dự án này được ví như “một mũi tên trúng nhiều đích” mà bấy lâu nay các nhà quản lý tài nguyên, khoáng sản ở địa phương rất mong chờ.
Một thực tế cho thấy, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản không đúng quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, thậm chí còn phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Thời gian qua, ở không ít các địa phương việc sử dụng đất đai và tài nguyên rừng chưa hợp lý, dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng khiến nguồn nước bị giảm sút, đất đai xói mòn, lũ lụt xảy ra, làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhân dân…Việc khai thác khoáng sản bừa bãi, không theo quy hoạch cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt của đời sống xã hội: Nhiều danh lam thắng cảnh có thể bị tàn phá, nhiều công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước bị xâm hại, thậm chí vấn đề an ninh quốc gia cũng có khi bị ảnh hưởng.
Theo quy hoạch thăm dò địa chất thì Thái Nguyên là tỉnh khá đa dạng về nguồn tài nguyên, khoáng sản. Gần như địa phương nào trong tỉnh cũng có mỏ khoáng sản từ quặng sắt, chì, kẽm, than, đá, thiếc, sét đến vàng, tin tan, vonfram… Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh không phải thời điểm nào cũng chặt chẽ, hiệu quả. Trước đây đã có thời gian, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra rầm rộ và kéo dài ở một số địa bàn như: Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai khiến các nhà quản lý phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của. Nhiều điểm khoáng sản chưa quy hoạch, chưa cấp phép thăm dò nhưng đã bị các đối tượng ngang nhiên đến đào bới, tranh mua, tranh bán. Có những khu vực mỏ đã được cấp nhưng lại xảy ra tranh chấp liên miên giữa các chủ mỏ vùng giáp ranh. Lại có trường hợp mang máy móc thiết bị đến vị trí đã quy hoạch khu di tích danh thắng để đào bới khoáng sản… Chính sự lộn xộn đó đã để lại những hệ lụy xấu đối với môi trường tự nhiên, môi trường đầu tư, gây khó khăn cho công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch khoáng sản trên toàn địa bàn.
Thời gian gần đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, song xét về nhiều mặt vẫn còn những điểm hạn chế, thiếu tính bền vững. Bởi thế, sự ra đời của Dự án trên giống như một phương thuốc hữu hiệu có thể giải quyết toàn bộ những khiếm khuyết đó. Trước tiên, thông qua các bước của Dự án sẽ giúp tỉnh rà soát lại toàn bộ các mỏ, điểm mỏ về vị trí tọa độ, mức độ điều tra địa chất khoáng sản để có các giải pháp quản lý, quy hoạch lâu dài, bàn bản trong toàn tỉnh. Tiếp đó, sẽ xác định và khoanh vùng trên bản đồ các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, xác định được các mỏ, điểm mỏ liên quan đến khu vực cấm, tạm cấm để tránh việc cấp chồng lấn không đúng quy định. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, Dự án này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cơ quan quản lý Nhà nước đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi khoáng sản. Trước đây mỗi hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản đều phải lấy ý kiến của tất cả các ngành liên quan, mất rất nhiều thời gian, nhưng tới đây khi thực hiện Dự án trên các thủ tục này sẽ được loại bỏ vì những khu vực cấm đã được khoanh định rõ ràng trên bản đồ và theo tọa độ thực tế.
Thông qua Dự án, một Bản đồ khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản của tỉnh tỷ lệ 1/50.000 được hình thành. Đây là cẩm nang cho các nhà quản lý bởi bản đồ đã khoanh định và chỉ rõ đâu là những loại đất cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản: Đất dành cho di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất quy hoạch rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình công cộng; đất bảo tồn thiên nhiên.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên, khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trên cơ sở bản đồ khoanh định vùng cấm, tạm cấm, sẽ hình thành các bản đồ “con” theo tỷ lệ phù hợp với từng địa phương trong tỉnh để chính quyền cấp huyện chủ động quản lý, theo dõi. Hơn nữa, sẽ sử dụng phần mềm MapInfo số hóa toàn bộ số liệu, lên đầy đủ tên, vị trí các mỏ, điểm mỏ, các yếu tố liên quan đến rừng, an ninh quốc phòng, di tích, danh thắng, khu giao thông, thủy lợi, đô thị…, đồng thời sử dụng ký hiệu thể hiện khu vực cấm, tạm cấm để các nhà quản lý có thể thao tác nhanh, hiệu quả.
Sau khi được hỏi ý kiến, hầu hết các sở, ngành liên quan của tỉnh đều cho rằng, việc lập Dự án trên là rất cần thiết, góp phần tăng chỉ số minh bạch trong thu hút đầu tư, giảm thủ tục hành chính. Các ngành cũng đã thống nhất cao về nội dung Dự án. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì tỉnh ta có tới 800 điểm di tích đã được lập hồ sơ kiểm kê cùng nhiều danh lam, thắng cảnh, khu bảo tồn quan trọng, do đó việc quy hoạch vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản sẽ là “bức tường lửa” chắc chắn bảo vệ các điểm di tích, danh thắng của tỉnh.
Như vậy, thông qua Dự án, tới đây công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ được siết chặt hơn; tình trạng tranh chấp các mỏ, điểm mỏ sẽ không còn; vấn đề khai thác khoáng sản trái phép, xâm hại đến các khu vực đã được quy hoạch cho các mục đích quan trọng khác của Nhà nước sẽ bị hạn chế tối đa; các thủ tục về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ được rút gọn, tránh rườm rà; ý thức toàn dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản sẽ được nâng lên...