Làm giàu từ rừng

08:18, 12/09/2012

Phát triển kinh tế rừng được Đảng bô xã Văn Hán, Đồng Hỷ  xác định là hướng đi triển vọng, không chỉ tạo được việc làm cho nông dân, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc mà còn góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo.

Ông Lưu Quang Đảng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.500 hộ dân, sinh sống tại 17 xóm thì có gần 2.000 hộ có đất trồng rừng. Phần lớn diện tích rừng của xã là rừng sản xuất với 3 loại cây chủ yếu là keo, mỡ và bạch đàn. Trước năm 2003, trong xã chỉ có vài chục hộ tham gia trồng rừng, còn phần lớn người dân vẫn chủ yếu có thu nhập chính từ cây ngô, cây lúa. Nguyên nhân là do bà con chưa thấy hết được lợi ích mà nghề rừng mang lại, trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chưa có những giải pháp hữu hiệu để khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng. Sau khi một số hộ tiên phong về trồng rừng được  thu hoạch và cho giá trị kinh tế cao thì bà con mới bắt đầu thay đổi tư duy.

 

Cùng với đó, Dự án trồng rừng 661 (giai đoạn 1999-2010) của Chính phủ được triển khai đã góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế rừng của nhân dân trong xã. Năm 2010, chính quyền địa phương còn tiếp tục triển khai việc đăng ký trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147 của Chính phủ đến bà con. Tham gia Dự án này, người nông dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, mua giống và công chăm sóc. Đến nay, diện tích rừng của Văn Hán tập trung nhiều ở các xóm: Vân Hòa, La Đùm, Cầu Mai, Đoàn Lâm, Hòa Khê 1, Hòa Khê 2… với giá bán bình quân từ 600 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/m3 gỗ, mỗi năm rừng đem lại nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng cho nhân dân trong xã. Tại địa phương hiện có hơn 100 hộ tham gia trồng rừng với diện tích từ 10ha trở lên, mỗi đợt thu hoạch gỗ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình ông Phạm Văn Lân ở xóm Vân Hán, anh Lý Công Hào, anh Nguyễn Quốc Cường ở xóm Thịnh Đức 1...

 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Long, ở xóm Vân Hán, hiện đang “sở hữu” diện tích rừng nhiều nhất xã với 30ha. Cách đây khoảng chục năm, toàn bộ đất đồi của gia đình ông chủ yếu là trồng sắn nhưng giá trị kinh tế không cao. Khi Dự án 661 được triển khai ở xã thì ông bắt đầu chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây keo và cây mỡ. Sau một thời gian chăm sóc thấy cây phát triển tốt, hợp với vùng đất cằn, ông đã huy động nhân lực của gia đình vào việc trồng rừng. Làm đất xong đến đâu, ông mua cây về trồng đến đó, diện tích rừng nhà ông cứ thế được nhân rộng theo từng năm.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng bạt ngàn của gia đình, ông Long tâm sự: Trồng rừng, ngoài việc nắm vững được đặc tính của từng cây để có được mật độ trồng thích hợp thì việc áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây là yếu tố quan trọng. Phải thường xuyên dọn thực bì để đảm bảo cây phát triển tốt và phòng, chống cháy. Trung bình 1ha rừng trồng khoảng 1.600 cây, sau 6 đến 7 năm thì bắt đầu được thu hoạch, trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khi cây chưa đến tuổi thu hoạch, có thể tỉa cành bán làm chất đốt. Hiện mỗi năm tôi được thu khoảng 100 triệu đồng từ việc tỉa cành, cây bị còi cọc, sâu bệnh và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

 

Để việc phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả, xã Văn Hán đã thực hiện nhiều biện pháp như: Giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ nông dân quản lý và canh tác; khai thác triệt để các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh, của huyện đưa vào triển khai thực hiện ở địa phương; vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tích cực trồng rừng sản xuất kết hợp với khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng; chủ động phối hợp với trạm khuyến nông huyện cung ứng cây con giống, phân bón và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật ươm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thành lập Ban chỉ đạo, các tổ đội làm công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy và phát triển rừng... Trung bình mỗi năm, xã trồng mới khoảng 300ha rừng. Năm 2012, toàn xã đã trồng mới được 470ha, đạt trên 115% kế hoạch.

 

Có thể thấy, phát triển kinh tế rừng ở xã Văn Hán đã góp phần nâng cao đời sống của bà con nhân dân, làm cho bức tranh kinh tế nơi đây ngày càng khởi sắc. Từ một xã còn nghèo nàn, lạc hậu, đến nay nhà nào cũng có xe gắn máy tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản được dễ dàng. Xã có Trạm Y tế và 2/4 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Trung bình mỗi năm xã giảm được 70 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 11 triệu đồng/năm (tăng 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2009)...