Ông lão dân tộc Tày và khát vọng phát triển văn hóa đọc

10:31, 08/09/2012

Đã ở vào tuổi 79, nhưng ông Mạc Xuân Hảo, xóm Suối Bén, xã Yên Ninh (Phú Lương) vẫn luôn đau đáu một ước nguyện, đó là khơi dậy và phát triển văn hóa đọc trong người dân ở vùng quê vốn còn nhiều nghèo khó. Bởi thế, dù lương hưu không cao, nhưng tháng nào ông cũng dành ra 200 nghìn đồng để mua sách, “mời” mọi người đến đọc…

Trong căn phòng chỉ rộng chừng 8m2, một nửa ông Hảo dành làm chỗ ngủ, nửa còn lại ông đặt 1 tủ sách và mấy chiếc ghế nhỏ để mọi người ngồi đọc sách. Tiếng là cho thuê nhưng những ai đọc tại chỗ, ông đều miễn phí, còn nếu mang về nhà thì giá thuê chỉ là 2 nghìn đồng/20 ngày. Còn với những người ham mê đọc sách, được ông coi là bạn thì cứ “vô tư” mang về đọc, khi nào xong mang trả, không tiền nong gì cả. Tủ sách của ông hình thành từ khi ông nghỉ hưu - (năm 1993) đến nay. Xuất phát từ lòng ham mê đọc, thích tìm hiểu, khám phá nên ông có thói quen mua sách về đọc.

 

Từ khi có tủ sách, ông có thêm nhiều bạn có cùng sở thích. Trong số những người bạn ấy, ông nhắc nhiều đến chị Hoàng Thị Sâm, người cùng xóm. Tuy chỉ là nông dân, nhưng thấy ông có tủ sách, chị đã mượn về đọc cho vui. Lâu dần, đọc sách đã trở thành thói quen của chị. Cứ dăm bữa, nửa tháng, chị Sâm lại đọc xong 1 cuốn, đến nay, phần lớn số sách trong tủ của ông, chị Sâm đều đã đọc. Ngoài chị Sâm, ông Hảo cũng nhắc đến ông Hoàng Văn Toong, ông Lô Tình, đều ở xóm 10, Đồng Ken; cô giáo Hoà, Trường THCS Yên Ninh và ông Hoàng Văn Nhàn, xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch. Ông bảo, những người ham mê đọc sách đều là những người bạn của ông.

 

Hiện nay, tủ sách của ông Hảo có khoảng trên 400 quyển. Để thuận tiện cho việc tra cứu, ông chia sách ra thành từng ngăn: chính trị, thiếu niên, văn học, giáo khoa và y học. Nhiều cuốn sách có giá trị được ông kỳ công sưu tầm và tìm mua, như: Lê-nin toàn tập, Sự thật phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga, Giữ vững định hướng xã hội trong công cuộc đổi mới, Tam quốc diễn nghĩa, Bá tước Môngtơcrixtô, Cuốn theo chiều gió, Hội chợ phù hoa, L.Tônxtôi, Annakarenina, Văn học phi lý, Từ điển Anh Việt văn phạm Anh Văn, Đàm thiên thuyết địa luân nhận…

 

Ông Hảo trước đây là giáo viên dạy Văn của Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Việt Bắc. Sau đó làm Trưởng phòng Đào tạo của Trường. Khi còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã rất mê đọc sách. Hồi đó, để có sách đọc, mỗi tuần 3 lần vào buổi tối, ông lại đi tàu điện từ quận Thanh Xuân ra phố Lý Thường Kiệt (hơn 10km) vì ở đó có thư viện. Khi ra công tác, ông càng thấy rõ tác dụng của sách nên ông thường đi tìm mua sách về đọc.

 

Ông bảo: Sách giúp tôi rất nhiều trong công việc. Là giáo viên càng cần đến sách để mở rộng kiến thức cho bài giảng của mình. Có những bài thơ tưởng chừng rất đơn giản nhưng nếu không tham khảo nhiều loại sách thì sẽ không hiểu hết được ý nghĩa sâu xa mà tác giả gửi gắm và như thế rất khó để giải thích rõ nghĩa cho học trò. Như vậy sẽ mất hết tự tin khi đứng trên bục giảng. Giờ không giảng dạy nữa nhưng tôi vẫn thấy giá trị mà sách mang lại cho mình trong cuộc sống. Sách giúp tôi hiểu hơn về thế giới xung quanh, về con người để có cách ứng xử cho hợp lý. Ở vùng quê còn nhiều khó khăn như Yên Ninh việc phát triển văn hóa đọc trong người dân không phải dễ, nhưng tôi muốn truyền tình yêu đọc sách của mình đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Tôi hiểu rằng, chỉ có tri thức, các em mới đủ sức thay đổi cuộc sống còn nhiều khó khăn như hiện nay. Cũng chính vì thế, tôi luôn tạo điều kiện để mọi người cùng được đọc sách.

 

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, “cửa hàng sách” của ông có từ 7-10 người đến đọc. Con số tuy không nhiều, số tiền thu được cũng chỉ là dăm ba nghìn, thậm chí là không đồng nào nhưng ông vẫn quyết tâm xây dựng tủ sách cho thật phong phú, để mở rộng đối tượng “khách hàng”. Đây có thể xem là mô hình “kinh doanh” đặc biệt và rất đáng được trân trọng. Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm, động viên và nhân rộng hơn nữa ở mỗi địa phương, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, qua đó, khích lệ để văn hóa đọc trong mỗi người dân. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao trình độ dân trí, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.