Giải cơn “khát” nước sạch ở Bản Tèn

14:08, 01/10/2012

Bản Tèn là xóm người Mông đặc biệt khó khăn của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cả xóm  có 97 hộ với hơn 550 nhân khẩu thì 100% số hộ là hộ nghèo. Những năm trước, bà con trong xóm chưa được sử dụng nước sạch mà phải đi lấy nước từ các khe suối về dùng. Đầu năm nay, công trình nước sạch trị giá 500 triệu đồng được đầu tư xây dựng tại xóm hoàn thành, đời sống của bà con có những thay đổi đáng kể.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến với bà con ở Bản Tèn. Đường lên xóm có nhiều dốc cao thẳng đứng, lởm chởm đá hộc và đá dăm, lại có những đoạn đã bị nước mưa xói trôi đất tạo thành những đường rãnh sâu đến nửa mét. Sau gần 2 tiếng cuốc bộ, chúng tôi cũng lên được đến Bản Tèn. So với những khó khăn trước đây của bà con mà chúng tôi đã được nghe kể thì Bản Tèn bây giờ đã có sự đổi thay đáng kể. Nhìn những đồi ngô xanh mướt và những chân ruộng bậc thang vàng óng màu lúa chín, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự chuyển mình của xóm vùng cao này.

 Ghé vào một nhà dân để xin nước uống, chị Ngô Thị Mỵ (chủ nhà) vừa rót nước mời khách vừa hồ hởi khoe với chúng tôi: Nước sạch đấy cán bộ ạ, bà con mình mới được xây cái bể chứa nước to lắm, bây giờ không phải lấy nước trên núi nữa đâu...

 Chúng tôi đến nhà anh Vương Văn Tình, Trưởng xóm Bản Tèn để tìm hiểu về đời sống của bà con nơi đây. Anh Tình cho biết: Vào năm 1979, khi vùng đất này vẫn còn hoang vu thì người Mông ở Hòa An, Hà Quảng (Cao Bằng) đã di cư về đây để tìm kế sinh nhai. Sau những ngày đầu vất vả khai hoang,  cuộc sống của bà con cũng dần ổn định. Những khu đất trống đồi trọc trước đây đã được phủ xanh bởi cây ngô, cây lúa. Bà con có Nhà văn hóa để cùng nhau sinh hoạt. Cái chữ cũng đã lên được với trẻ em nơi đây. Thế nhưng, do sống ở trên núi cao, giao thông khó khăn nên bà con gần như tách biệt với bên ngoài, đã hơn 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới mà các hộ dân này vẫn phải sống trong cảnh không điện, không đường, không nước sinh hoạt... điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xóa đói giảm nghèo của xóm.

 

 Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở đây là 100%. Vì phần lớn diện tích đất của xóm là đất đồi nên bà con thường chọn giống ngô lai NK 4300 và giống lúa Khang Dân để trồng bởi chúng phù hợp với vùng đất này. Mỗi năm bà con được thu hoạch 2 vụ nhưng vì không chủ động được nguồn nước tưới mà phải phụ thuộc vào…ông trời nên chỉ khi nào mưa thuận, gió hòa thì năng suất cây trồng mới cao. Nếu được mùa thì trung bình mỗi nhà thu được từ 1,5 đến 2 tấn ngô/ năm, còn lúa thì được khoảng 1,2 tạ/sào. Nếu bị mất mùa hoặc những lúc giáp hạt thì hầu như nhà nào cũng phải chịu cảnh thiếu ăn từ 2 đến 3 tháng/năm.

  Ngoài trồng trọt, bà con ở Bản Tèn còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chủ yếu vẫn chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ. Chuyện học hành của trẻ em trong xóm tuy đã được chú trọng hơn trước nhưng vì  đi lại khó khăn nên phần lớn các em chỉ học hết cấp 1 tại điểm trường của xóm là nghỉ ở nhà, cả xóm hiện chưa có em nào học lên THPT. Bà con ở nơi đây luôn mơ ước được nhìn thấy ánh sáng của điện, có nguồn nước sạch dùng sinh hoạt và có con đường dễ đi để mong cải thiện được đời sống.

 Trước đây, khi chưa có công trình nước sạch thì nhiều hộ phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ để lấy nước từ các khe suối đem về và chủ yếu chỉ dùng cho việc nấu ăn. Vào mùa khô, nguồn nước khan hiếm thì lại càng phải tiết kiệm. Do dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên bà con trong xóm thường bị mắc các bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da và bệnh đau mắt đỏ… Khi nguồn vốn của Chương trình 134 được đưa về xã thì mơ ước của bà con đã trở thành hiện thực. Dự án xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại trung tâm xóm Bản Tèn… được hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2011 đã làm cho cuộc sống của bà con người Mông có nhiều đổi thay.

 Đến nay, đã có khoảng 70% số hộ trong xóm được sử dụng  nước sạch (những hộ ở quá xa công trình cấp nước vẫn phải dùng nước ở các khe suối). Ý thức giữ gìn sự trong sạch của nguồn nước cũng được bà con thực hiện bằng cách không thả rông gia súc ở đầu nguồn; bệnh da liễu cũng đã giảm. Đặc biệt, hơn 100 em học sinh của xóm đã có nước sạch để uống khi tới lớp.

 Chị Trần Kim Huế, giáo viên công tác tại điểm trường Bản Tèn cho biết: Trước đây, khi chưa có công trình nước sạch, muốn lấy nước rửa chân tay cho các em, chúng tôi phải mang xô đi xách nước suối về tích trữ. Giờ có nước sạch về tận điểm trường, cả cô, trò và phụ huynh học sinh đều rất phấn khởi.

 Chị La Thị Mai, một người dân trong xóm đang giặt quần áo tại bể chứa nước cho biết: Từ giờ không còn phải mang quần áo ra suối để giặt nữa rồi, chiều nào bà con trong xóm cũng đến đây giặt quần áo và lấy nước sạch về dùng, mình thấy vui lắm.

 Chúng tôi tạm biệt bà con ở Bản Tèn khi những lớp sương chiều đã bắt đầu buông phủ núi rừng, đường xuống núi tuy phải dò từng bước để không bị trượt chân nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy vui khi nghĩ đến hình ảnh những em bé người Mông cười khanh khách, ngồi chụm đầu rửa tay bên chậu nước mát trong.