Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, một gia đình nông dân ở xóm Bậu 2, xã Văn Yên (Đại Từ) đã mạnh dạn bỏ ra gần 400 triệu đồng để làm đường bê tông, kéo đường điện 3 pha phục vụ phát triển kinh tế trang trại. Công trình trên đã chứng minh rằng việc đầu tư của gia đình nông dân này là hoàn toàn chính xác và bước đầu có thể coi đây là “quả ngọt” của chương trình xây dựng nông thôn mới đã, đang được nhân dân khắp các vùng nông thôn trong tỉnh triển khai thực hiện…
Bỏ nhà… lên núi
Ở vùng đất “nửa đồng, nửa núi” giáp chân dãy Tam Đảo hùng vĩ có một nông dân cần cù chịu khó và rất bản lĩnh trong phát triển kinh tế gia đình - ông là Lý Văn Thiệp. Vào khoảng thời điểm giữa năm 2002, người dân địa phương xôn xao bàn tán chuyện ông Thiệp “bỏ nhà” lên núi Chùa lập trang trại. Người thiện chí thì cho đây là việc làm táo bạo và khẳng định như “đinh đóng cột” người chịu khó, dám làm như ông Thiệp sẽ thành công. Những người tếu táo ở trong làng lại phao tin đất núi Chùa linh thiêng (mấy chục năm trước trên núi có ngôi chùa Am) nên ai xâm phạm vùng đất này sẽ bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc. Mặc những lời bàn tán, đồn thổi, ông Thiệp vẫn ngày ngày đi bộ trên đoạn đường dốc trên 1km từ nhà lên núi Chùa đốt rẫy làm nương, đào bẩy hàng nghìn hòn đá tảng to như con dê để lấy mặt bằng xây dựng, kè tường rào. Sau 1 năm lao động, “hình hài” trang trại hiện dần ra nên ông Thiệp đã thuyết phục được vợ là bà Lê Thị Hợp đem hết số tiền 50 triệu đồng (được cả gia đình tích cóp trong nhiều năm) chính thức bắt tay “làm ăn lớn”.
“Vừa làm chủ, vừa làm tớ”
Thời gian đầu, do vốn ít nên nói là làm “ông chủ” nhưng thực chất ông Lý Văn Thiệp và bà Lê Thị Hợp đã “vắt sức” làm mọi việc từ khuân vác vật liệu ngược núi xây dựng nhà ở, khu chăn nuôi, khai hoang, cải tạo diện tích đất trên 1,5ha (đất tự có của gia đình ông Thiệp và nhận chuyển nhượng của một số hộ dân trong xóm). Điều khiến mọi người thán phục là gia đình ông Lý Văn Thiệp đã dùng sức đắp một con đập chắn ngang thung lũng thành ao thả cá, xẻ dọc núi Chùa để tạo thành 2 khe dẫn nước từ khe Gốc Gáo và khe Vành Nai (có tổng chiều dài 1,7km) về phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi (có chỗ khe nước sâu tới vài mét so với sườn núi). Làm việc có thể nói là quá sức nhưng đến năm 2005, gia đình ông Thiệp sinh hoạt rất tằn tiện còn đồng lãi nào lại tái đầu tư vào trang trại (2 vợ chồng ông Thiệp chẳng dám xài thứ gì sang, cơ thể thì gầy đét). Những lúc công việc nhiều, nặng nhọc, ông Thiệp có thuê thêm người làm nhưng 2 vợ chồng ông vẫn là “thợ chính”. Sau nhiều năm tích lũy được kinh nghiệm sau những lần dịch bệnh, hiểu được “tính nết” của nhiều loại vật chăn nuôi, nên năm 2009, ông Lý Văn Thiệp động viên vợ đem toàn bộ số tiền trên 400 triệu đồng tích cóp được để kéo đường điện 3 pha có chiều dài 350m, đổ bê tông đoạn đường dài 300m từ chân núi Chùa lên đến tận trang trại để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn.
“Quả ngọt”
Từ đây, trang trại của ông Lý Văn Thiệp đã phát triển theo hướng mới, đàn bò, dê đã tăng lên gần 200 con, hồ nuôi thủy sản được gia cố, mở rộng lên gần 1ha, đàn lợn nái ngoại tăng 150 con. Với quy mô này, trang trại của ông Lý Văn Thiệp đã lớn nhất ở khu vực các xã phía Nam huyện Đại Từ. Ông Thiệp cho biết: “Đi tới đâu mọi người đều khen là trang trại lớn, mạnh dạn làm ăn nhưng vợ chồng tôi thì rất lo lắng vì không quản lý tốt để xảy ra dịch bệnh chỉ có đi ăn mày. Do vậy, từ năm 2009 tôi phải thuê thêm 2 lao động làm việc thường xuyên để dành thời gian cập nhật kiến thức chăn nuôi, quy trình phòng dịch bệnh…”. Đến nay, trang trại của gia đình ông Thiệp đã trở thành địa điểm cung cấp lợn thịt, lợn giống chất lượng cao cho thị trường Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (khối lượng trên 200 tấn lợn hơi mỗi năm), khu ao nuôi thủy sản thu được trên 6 tấn cá/năm, các loại vật nuôi khác đều có sự phát triển. Ngoài chăn nuôi, gia đình nông dân này còn nhận khoán để phát triển 21ha rừng trồng và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Thiệp, hiện doanh thu của gia đình đạt từ 7 đến 10 tỷ/năm (trừ chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng/năm) và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Lượng chất thải của trang trại lớn nên ông Thiệp đã xây dựng 1 hầm biogas 50m3, đảm bảo đủ nguồn khí gas phục vụ sản xuất, sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng để làm thức cho cá, bón cho cây trồng.
Lao động miệt mài, sáng tạo, năm 2010, ông Lý Văn Thiệp đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích sản xuất giỏi, cấp ủy, chính quyền xã Văn Yên cũng đã lấy mô hình của gia đình ông để tuyên truyền tới nhân dân địa phương về những lợi ích có được khi tích cực hưởng ứng, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Lý Văn Thiệp mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại khi có đường điện 3 pha.
Nhờ có đoạn đường bê tông mà các phương tiện đi lại, vận tải đã lên đến tận trang trại của ông Lý Văn Thiệp.