Sau 3 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Chương trình cho vay bê giống sinh sản (gọi tắt là Chương trình) do Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ đã và đang mang đến những hiệu quả tích cực, tạo cơ hội giúp các hộ dân nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2016, sau khi rà soát, lựa chọn các hộ có nguyện vọng và đủ điều kiện chăn nuôi, ban chỉ đạo Chương trình các địa phương đã bàn giao 300 con bê cái giống cho 300 hộ nông dân nghèo thuộc 10 xã trên địa bàn: Sảng Mộc, Thượng Nung, La Hiên (Võ Nhai); Điềm Mặc, Bình Yên, Thanh Định (Định Hóa); Bàn Đạt, Tân Hòa, Nga My, Úc Kỳ (Phú Bình). Trong đó, mỗi huyện được trao 100 con. Các hộ được hỗ trợ là hộ nghèo, có trách nhiệm chăn nuôi đến khi bò đẻ lứa đầu tiên và nuôi bê con đến lúc đạt tối thiểu 145kg thì bàn giao cho xã để trao lại cho các hộ nghèo vay đợt sau. Sau đó, chủ hộ sẽ được toàn quyền sử dụng bò mẹ để nuôi và tiếp tục nhân giống. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ cũng được tập huấn, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị bệnh, phối giống cho bò.
Là một trong những địa phương đầu tiên hưởng lợi từ Chương trình, xã La Hiên (Võ Nhai) đã và đang duy trì phát triển tốt đàn bò được giao. Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Năm 2016, xã có 34 hộ hội viên, nông dân được vay bò đợt đầu. Đàn bò được quản lý, chăm sóc tốt nên đã phát triển lên 55 con, luân chuyển cho 20 hộ vay đợt sau. Qua đó đã góp phần giúp 14 hộ được vay trong xã vươn lên thoát nghèo. Chương trình đạt hiệu quả vì cho vay bò cũng đồng nghĩa nông dân có được “cần câu” phù hợp. Bởi, nuôi bò có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, phát huy được lợi thế đồng cỏ rộng của xã, thuận lợi cho việc chăn thả.
Gia đình ông Nông Văn Hùng, ở xóm Đồng Đình, xã La Hiên là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả tích cực từ Chương trình. Năm 2016, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, được xét cho vay một con bê cái giống. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng chăn nuôi đúng kỹ thuật mà cán bộ xã hướng dẫn, đồng thời chú trọng tới trồng cỏ làm thức ăn cho bò nên đến nay, con bò mẹ ban đầu đã đẻ được hai con bê. Ông Hùng phấn khởi: “Bê con lứa đầu tiên sau khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tôi đã bàn giao lại cho xã. Còn con bê thứ hai hiện được 8 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Cuối năm 2018, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo”. Cũng từ một hộ không có con giống để sản xuất, giờ đây, gia đình anh Dương Văn Khái, xóm Dinh C, xã Nga My (Phú Bình) đã có đàn bò để chăm sóc. Từ ngày được hỗ trợ bò sinh sản, kinh tế gia đình anh được cải thiện đáng kể. Đến nay, con bò ban đầu đã đẻ được hai con bê. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi bò sinh sản, gia đình anh còn mạnh dạy vay thêm vốn ngân hàng, tích góp tiền mua thêm một cặp bò về nuôi. Anh cho biết, đây là cơ hội tốt để gia đình anh vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, anh cũng không còn phải lo sức kéo và chi phí đầu tư phân bón trong sản xuất nông nghiệp như trước nữa. “Nếu như trước kia gia đình tôi phải thuê cày với giá 400 nghìn đồng/sào ruộng/vụ và tốn hàng triệu đồng mua phân bón mỗi vụ, thì từ khi có bò, tôi không còn phải lo vấn đề này nữa.
Cùng với đó, việc đầu tư nuôi bò sinh sản thuận lợi và cho thu lãi hơn so với việc chăn nuôi lợn, gà. Ngoài tiền giống, chăn nuôi bò hầu như không tốn thêm chi phí nào khác vì thức ăn của chúng đơn giản là cỏ, thân, lá ngô, hoặc cho ăn thêm sắn có sẵn trong gia đình”, anh Khái chia sẻ. Từ 300 con bê giống được Quỹ Thiện tâm hỗ trợ ban đầu, đến nay đã phát triển thành 434 con, góp phần giúp 133 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc ở các địa phương.
Trong quá trình triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình đã bám sát mục tiêu, thực hiện đúng tiêu chí đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tích cực theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ về kỹ thuật chăn nuôi, khâu thụ tinh và tiêm phòng… Đánh giá về hiệu quả Chương trình này, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình nói: Đây là sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho người dân, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, chuyển giao bê mới sinh cho hộ nghèo khác và nhân rộng mô hình đến các địa phương có nguyện vọng, điều kiện chăn nuôi.