Lợi ích “kép” từ rừng gỗ lớn

07:16, 27/09/2021

Rừng gỗ lớn dù có thời gian đến kỳ khai thác lâu hơn nhưng lại cho lợi nhuận trung bình hàng năm cao hơn từ 2-3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Bên cạnh đó, rừng gỗ lớn đặc biệt có ý nghĩa về môi trường, phục hồi sự đa dạng sinh thái, điều hòa nguồn nước. Đối với huyện vùng cao Võ Nhai, nơi có thế mạnh về kinh tế đồi rừng, đây là hướng đi mới, hứa hẹn đem lại lợi ích “kép” - phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường.

Gần 10 năm xuất hiện tại xóm vùng cao Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai), cây quế và câu chuyện phát triển kinh tế từ loại cây này vẫn là đề tài được nhắc đến nhiều nhất. Những mô hình trồng quế đầu tiên từ khoảng năm 2012 và cho hiệu quả kinh tế cao đã thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi cây rừng của bà con trong xóm. Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, Khe Rạc đã có thêm gần 40 hộ chuyển đổi đất đồi trồng keo lai, khoai thơm sang trồng quế, nâng tổng số hộ trồng quế toàn xóm lên 59 hộ với tổng diện tích trên 100ha.

Anh Triệu Tiến Quý là người đầu tiên trồng quế trên đất Khe Rạc. Đầu năm 2021, với vỏn vẹn trên 0,5ha rừng quế 9 năm tuổi, anh Quý đã khai thác và thu về tổng số tiền lên tới gần 190 triệu đồng. Trong đó có trên 40 triệu đồng khai thác tỉa thưa năm 2019 và trên 140 triệu đồng khai thác toàn bộ vào tháng 2-2021. Anh Quý chia sẻ: Trồng quế đem lại hiệu quả cao hơn hẳn các cây trồng ở địa phương bởi đây là cây trồng đặc biệt, có thể thu về thành phẩm từ vỏ cây, thân gỗ và cả lá nên đạt giá trị khá cao. Đến nay, tôi đã phát triển được trên 10ha trồng quế, hứa hẹn cho thu nhập khoảng 350 triệu mỗi năm.

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11567-1:2016, gỗ lớn là gỗ có đường kính đầu nhỏ lớn hơn hoặc bằng 15cm và chiều dài lớn hơn hoặc bằng 2m. Áp dụng theo tiêu chuẩn này, trên địa bàn huyện Võ Nhai chỉ mới có cây quế đủ điều kiện công nhận là cây gỗ lớn. Khi vào giai đoạn khai thác trắng từ 9-15 năm, cây quế đạt đường kính đầu nhỏ từ 15-30cm. Theo tính toán của người dân, cây quế khoảng 9 năm tuổi có giá bán khoảng 300-400 nghìn đồng, cây hơn 12 năm tuổi có giá 1,5-2 triệu đồng, từ 20 năm tuổi trở lên có giá 3-4 triệu đồng/cây. Như vậy, cây quế càng lâu năm có giá trị kinh tế càng cao.

Xưởng gỗ của gia đình anh Hồ Văn Chiến, ở xóm Làng Chiềng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) chuyên chế biến sản phẩm từ rừng gỗ lớn.

Đối với cây lâm nghiệp phổ biến hiện nay là keo, bà con thường khai thác sau 5-6 năm trồng, đường kính đầu nhỏ của cây thấp hơn tiêu chuẩn về gỗ lớn nên được tính là cây gỗ nhỏ. Loại cây này thường được sử dụng làm gỗ bóc, dăm gỗ trong khi gỗ lớn đạt tiêu chuẩn có thể chế biến gỗ xẻ, giá trị cao hơn. Theo ước tính, với cây keo lai, đến năm thứ 6, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha và thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, với rừng trồng gỗ lớn, khai thác sau 10-12 năm trồng, giá trị có thể đạt khoảng 250-300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây quế, lợi nhuận có thể đạt trung bình trên 40 triệu đồng/năm với chu kỳ khai thác trắng sau 12 năm. Không chỉ đạt hiệu quả về mặt kinh tế, trồng rừng gỗ lớn còn có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế sự biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Huyện Võ Nhai có tổng diện tích tự nhiên là trên 84,5 nghìn ha, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là gần 62,7 nghìn ha. Trong đó, có gần 20 nghìn ha rừng đặc dụng, gần 24,9 nghìn ha rừng sản xuất và trên 17,9 nghìn ha rừng phòng hộ. Mỗi năm, toàn huyện trồng mới trung bình 500-800ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá: Võ Nhai có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với việc phát triển trồng gỗ lớn. Nếu áp dụng các biện pháp trồng rừng thâm canh tiên tiến, cùng với công tác đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc giống thì rừng trồng trên địa bàn huyện sẽ cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Được biết, từ năm 2021, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã triển khai dự án Phát triển cây cây quế giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, Dự án đã hỗ trợ bà con ở các xã phía Bắc trồng mới hàng chục ha quế với chu kỳ khai thác trắng từ 10-12 năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Công, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết: Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng Dự án trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn với mục tiêu đến năm 2030 phát triển được khoảng 3 nghìn ha rừng gỗ lớn. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện Võ Nhai sẽ dành hàng tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; quy hoạch mạng lưới dịch vụ, chế biến sau thu hoạch, từng bước nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng…

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định: Đối với lâm nghiệp, phát triển rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững tập trung chủ yếu ở các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ và Võ Nhai. Mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 10% rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững; đến năm 2030, có 30% rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững.