Là một trong những vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, vài năm trở lại đây, sản phẩm na La Hiên (Võ Nhai) ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn lại chưa được bà con nông dân nơi đây chú trọng. Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn người dân triển khai xây dựng mã số vùng trồng na nhằm dễ dàng truy xuất nguồn gốc cũng như đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm na La Hiên đến những thị trường lớn hơn.
Tháng 5, trên những vườn na xanh mướt ở xã La Hiên đã xuất hiện những chùm quả nho nhỏ. Đây cũng là thời điểm người dân tập trung phòng trừ rệp, bọ trĩ, bọ xít và bón bổ sung thêm Kali để đợi mùa quả ngọt.
Ông Phạm Văn Lực, một hộ dân ở xóm Hiên Bình, chia sẻ: Nhà tôi trồng 2 mẫu na, cho thu hoạch trên 12 tấn quả/năm. Với giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 300 triệu đồng. Trước đây, bà con chúng tôi chủ yếu trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm, nhiều khi na ra quả méo mó hoặc bị nứt, ảnh hưởng đến giá bán. Đến khi được tham gia các lớp tập huấn xây dựng mã số vùng trồng, chúng tôi được hướng dẫn cách phun chế phẩm thuốc đậu quả, nuôi dưỡng trái non, phun phân bón qua lá nhằm giúp trái lớn nhanh, tròn đều, hạn chế quả méo, nở gai, chống thối, nứt trái… Từ khâu bón phân, chăm sóc, thụ phấn đến khi ra hoa, thu hoạch… tất cả các công đoạn đều được bà con ghi chép tỉ mỉ trong sổ nhật ký nông hộ, giúp việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một số vườn na trong xã, anh Nông Quang Duy, Giám đốc Hợp tác xã na La Hiên, cho biết: Chúng tôi lựa chọn khu Lân Hồng, vùng trồng na ngon nhất của xã La Hiên để tham gia xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 10ha, với 10 hộ dân tham gia. Ban đầu, bà con còn băn khoăn khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng vì phải sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng danh mục quy định. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền về lợi ích của việc này, người dân đã mạnh dạn tham gia. Để giám sát, đôn đốc bà con, Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra sổ ghi chép, nhắc nhở bà con thực hiện đúng quy định, từ yêu cầu về diện tích, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất. Đa số người dân đều mong muốn, sau khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm na La Hiên sẽ “rộng cửa” vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước, tránh tình trạng bị tư thương ép giá, nhất là vào thời điểm chính vụ như những năm trước đây.
Bà con xóm Hiên Bình, xã La Hiên (Võ Nhai) chăm sóc cây na.
Đồng hành cùng với bà con, ngành chức năng luôn sát sao trong quá trình triển khai mô hình. Chị Ma Thị Thúy Phương, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Trước khi bắt tay vào triển khai thực hiện, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản và ghi chép sổ sách theo đúng quy trình. Ngoài ra, các thông tin về tình hình sản xuất của bà con cũng được chúng tôi cập nhật kịp thời trên phần mềm hệ thống để giám sát, bảo đảm chất lượng của từng mã số được cấp.
Còn anh Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên (trụ sở ở phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) - một trong những đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh, thông tin: Chúng tôi đã và đang phối hợp với Hội Nông dân xã La Hiên tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất na an toàn. Theo đó, bà con được hướng dẫn quy trình chăm sóc vườn na ở các giai đoạn trước khi ra hoa, nở hoa, nuôi quả; cách phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại; giải pháp đốn tỉa, thụ phẩn, xử lý na ra hoa trái vụ cho năng suất cao. Bên cạnh đó, Công ty cũng khuyến cáo bà con sử dụng các loại phân bón hữu cơ theo đúng liều lượng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển nhằm góp phần giúp cây na đạt năng suất cao, cho quả ngọt.
Có thể khẳng định, để được cấp mã số vùng trồng na, người dân không phải mất bất cứ một khoản chi phí nào mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại... Và việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương trong việc nâng cao năng suất, chất lượng để tìm đầu ra ổn định cho quả na - một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.