Cải cách hành chính: Nơi tích cực, chỗ dửng dưng

08:24, 28/10/2007

Cải cách hành chính được xác định là công việc then chốt, có tác động quan trọng để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững. Tầm quan trọng thì đã rõ, chỉ đạo từ trên cũng khá quyết liệt, nhưng chuyển động ở cơ sở thì chưa nhiều.

Nhớ lại những ngày áp Tết bận rộn, Ban chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên họp đánh giá lại kết quả một năm qua. Điểm đặc biệt so với những cuộc tổng kết khác là không có báo cáo ưu điểm, khuyết điểm chung chung, mà rà soát lại công việc trên 2 phương diện: Phối hợp với cơ quan thường trực để thực hiện nhiệm vụ của từng thành viên và lãnh đạo BCĐ cải cách hành chính của cơ quan mình.

Điều “bật” ra sau những trao đi đổi lại là: Năm 2007 này, sẽ giảm họp để dành thời gian cho hoạt động thực tế. Theo đó, Thường trực BCĐ chỉ họp 4 lần/năm (trước là 12 lần), BCĐ họp 2 lần/năm (trước là 4 lần), kiểm tra tại cơ sở 1 lần/quý gồm thường trực BCĐ và ngành liên quan (trước gồm các thành viên BCĐ).

Nhìn lại công việc của năm 2006, trên các mặt cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công đều đạt được một số kết quả. Thường trực BCĐ cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản có liên quan đến chương trình CCHC của tỉnh, rà soát các thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách. Tham mưu với UBND tỉnh chọn một số đơn vị làm điểm về thực hiện cơ chế “một cửa”, hoàn thành đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010”; tham mưu việc quyết định thành lập, sắp xếp, tổ chức lại, đổi tên nhiều bộ máy mới theo Nghị định của Chính phủ; hoàn thành kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức, viên chức. Tổ chức đoàn liên ngành đi thực tế về CCHC ở Hải Dương và Hải Phòng, qua đó đã học tập được nhiều kinh nghiệm quý ở các tỉnh bạn, từ đó đề xuất với tỉnh nhiều nội dung quan trọng về CCHC trong giai đoạn tiếp theo.

Thế nhưng, BCĐ cũng thẳng thắn nhận thấy kết quả CCHC trên toàn tỉnh chưa đạt yêu cầu: Cơ chế “một cửa”, khâu được coi là then chốt của cải cách thủ tục hành chính còn nặng về hình thức, ít hiệu quả thiết thực; chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tình trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, trì trệ còn khá nhiều. Không ít cán bộ, công chức còn sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, thậm chí có biểu hiện tiêu cực.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Từ thực tế có thể rút ra nhận xét: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự chậm trễ, dửng dưng của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị. Xin nêu một số dẫn chứng về sự dửng dưng này. Dẫn chứng 1: Ngày 19-4-2006, BCĐ CCHC tỉnh có công văn số 837/CV-BCĐ hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch CCHC năm 2006 và yêu cầu gửi về Sở Nội vụ (cơ quan thường trực) trước ngày 10-5 để tổng hợp trình UBND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Minh Hảo, Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ cho biết: Các thành viên trong phòng đã liên tục đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị bằng điện thoại và trao đổi trực tiếp, vậy mà đến tháng 8-2006 Thường trực BCĐ mới nhận đủ kế hoạch của các đơn vị. Do hầu hết kế hoạch CCHC của các đơn vị đã không bám sát nội dung yêu cầu nên Thường trực BCĐ đã có văn bản số 1844/CV-BCĐ ngày 15-8-2006 về việc xây dựng bổ sung kế hoạch CCHC năm 2007. Đến đầu tháng 2-2007, mới có 16/32 đơn vị gửi kế hoạch CCHC hoàn chỉnh đến cơ quan thường trực.

Dẫn chứng 2: Ngày 7-9-2006, UBND tỉnh có Công văn số 1065/NBNĐ-NC yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổng rà soát các thủ tục hành chính, các cơ chế, chính sách, các quy định về phân cấp quản lý, đồng thời UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị tham mưu, đề xuất việc bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung các thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách và nội dung phân cấp không phù hợp gây phiền hà đối với tổ chức và công dân, ấn định thời gian hoàn thành chậm nhất là 30-9-2006. Không chỉ gửi văn bản, Thường trực BCĐ còn trực tiếp làm việc với 20 sở, 9/9 huyện, thành, thị về một số nội dung trọng tâm CCHC trong đó có nội dung về tổng rà soát thủ tục hành chính. Vậy mà đến ngày 13-3-2007 (chậm 6 tháng so với thời hạn cho phép), mới có 16/32 đơn vị gửi báo cáo về cơ quan Thường trực.

Nhìn tổng thể trong năm 2006, BCĐ đã triển khai 5 nội dung CCHC đến 32 đơn vị, kết quả thật đáng buồn: Cả 32 đơn vị không gửi đầy đủ theo yêu cầu, trong đó 12 đơn vị không gửi báo cáo kiện toàn BCĐCCHC; 28 đơn vị không gửi quy chế làm việc của BCĐ; 16 đơn vị không gửi báo cáo rà soát thủ tục hành chính, 10 đơn vị không gửi báo cáo kết quả CCHC năm 2006. Đáng chú ý là ở cả 9 huyện, thành, thị đều không báo cáo đầy đủ các hạng mục, cá biệt có huyện thiếu 4/5 báo cáo.

Do quá ít đơn vị gửi báo cáo nên Thường trực BCĐ không tổng hợp được số liệu thủ tục hành chính đang thực hiện ở cơ sở, các chỉ số khác quá ít ỏi, và không thể hiện được diện mạo CCHC chung của tỉnh.

Vì sao văn bản của tỉnh lại không được các cơ sở chấp hành nghiêm túc, triệt để, đúng thời gian quy định? Tôi đặt câu hỏi này với ông Lê Huy Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, điển hình trong 32 đơn vị được yêu cầu 5 nội dung cần báo cáo (kiện toàn BCĐCCHC năm 2006, xây dựng quy chế làm việc của BCĐ, kế hoạch CCHC 2006-2007, rà soát các thủ tục hành chính, kết quả CCHC năm 2006) thì cả 5 nội dung đều chưa thấy trên bàn làm việc của Thường trực BCĐ tính đến thời điểm tháng 3-2007.

Ông Hùng đưa tôi xem Nghị định số 171/2004/NĐ-CP của Chính phủ Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Khoản 3 điều 1 của Nghị định này viết: “Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghệ cao, Ban quản lý các khu kinh tế mở, Ban quản lý các khu kinh tế cửa khẩu, các tổ chức sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh và các tổ chức thuộc cơ quan TW được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này”.

Ông Hùng lập luận: Do các văn bản của BCĐCCHC đều gửi cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh nên đơn vị cho rằng không nằm trong phạm vi chấp hành, nếu gửi các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh thì đơn vị báo cáo ngay. Nếu như không có cuộc làm việc với báo chí thì đơn vị không biết rằng mình nằm trong danh sách phải báo cáo của BCĐCCHC.

Không đồng ý với lập luận trên, ông Trần Dương Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ban chỉ đạo CCHC tỉnh cho rằng: Công tác CCHC thực hiện ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, chả nhẽ chỉ vì dòng chữ “cơ quan chuyên môn” mà không chấp hành?

Một đơn vị khác là Sở Thương mại-Du lịch Thái Nguyên. Tính đến giữa tháng 3-2007, đơn vị vẫn còn 3/5 “hạng mục” thiếu, đó là: Quy chế làm việc của BCĐ của đơn vị; rà soát thủ tục hành chính và kết quả CCHC năm 2006. Ông Nguyễn Đình Cương, Chánh văn phòng, Thường trực ban chỉ đạo CCHC Sở Thương mại-Du lịch công nhận đơn vị chưa xây dựng quy chế làm việc của BCĐ; văn bản yêu cầu báo cáo kết quả CCHC thì ông “không nhìn thấy do cuối năm đi công tác vắng”. Còn việc rà soát các thủ tục hành chính thì “hình như” đơn vị đã gửi, có thể trục trặc ở đường văn thư....

Những nguyên nhân rút ra từ 2 đơn vị nói trên chưa nói hết được bản chất vấn đề, nhưng cũng có thể rút ra một điều: Mối quan hệ giữa BCĐCCHC và các cơ quan hành chính của tỉnh cần phải được xác định cụ thể để đảm bảo hiệu quả của hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của BCĐ cũng như hoạt động chấp hành của cơ quan hành chính của tỉnh. Quan trọng hơn, BCĐ cần tư vấn, tham mưu để UBND tỉnh có cơ chế thưởng-phạt, xét thi đua, đánh giá xếp loại những đơn vị chấp hành nghiêm hay không. Qua đó khắc phục tình trạng nhiều văn bản về CCHC của tỉnh hiện nay bị “rơi vào lãng quên” tại không ít đơn vị, cơ sở.