Chuyện nông thôn ở Đồng Hỷ

08:42, 28/10/2007

Trong không khí rộn ràng giữa “tiếng máy hoà cùng nhịp đàn trâu bước” của ngày mùa, câu chuyện đầu bờ với những người nông dân ở Đồng Hỷ, thấy ra có nhiều điều phải suy nghĩ.

Hỏi về các giống lúa mới, theo khuyến cáo của Phòng Khuyến nông huyện, chị Nguyệt ở xã Hoá Thượng cho biết: “Chúng tôi đã kinh nghiệm qua nhiều vụ, giống mới tốt thật, nhưng “nhất thục nhị thì”. Ở đồng đất chúng tôi, sau giống lúa Bao thai, chỉ có Khang dân là có thể trụ được. Vụ trước có mấy nhà cấy thử nghiệm giống mới, cây rõ tốt, bông đã to nhưng hạt gạo lại teo tóp”.

Không ai phủ nhận những tiến bộ KHKT; nhưng với kinh nghiệm mồ hôi và nước mắt qua thực tế người nông dân dè chừng với những cái “mới” cũng dễ hiểu. Bà con bảo, chẳng ai vượt được “ý trời”. Vụ chiêm năm 2007, với sự “trở chứng” bất thường của thời tiết; khi “lúa chiêm đang lấp ló đầu bờ” thì bói không kiếm được một hạt mưa, thành ra năng xuất ở hầu hết các cánh đồng đều kém.

Nền kinh tế thị trường đã tạo ra hoàn cảnh, làm thay đổi tư duy của những người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Với những trải nghiệm thực tế qua năm tháng, trong cộng đồng những người lâu nay vẫn “canh nông vi bản”, đang diễn ra quá trình phân hoá về cung cách làm ăn. Mối quan hệ ngàn đời giữa người và đất đang đứng trước sự chao đảo chưa từng có.

Chị Thái, một nông dân ở Hoá Thượng, sau khi thực hiện một phép tính đơn giản nhất là, cộng thu nhập trừ chi phí đầu tư, cho biết: Một vụ mỗi sào ruộng chỉ đem lại chưa đầy 100.000 đồng! Chị bảo làm ruộng bây giờ giống như mua thóc giá thấp, nên nhiều người không thiết tha với ruộng, nhất là lớp trẻ. Được biết đã có thời gian chị chuyển một số diện tích sang trồng hoa? Chị bảo: Một nhà trồng hoa thì “hoa tươi”, còn nhiều người trồng hoa thì “hoa héo”.

Bây giờ nuôi con gì, trồng con gì thì phải ngó trước, ngó sau. Người ta đã làm thì chớ có làm. Phải tìm cách để “đánh tỉa” mới có cơ may “thắng”. Theo cái “chiến thuật” ấy, một nông dân đã lặn lội nơi đất khách quê người để mang giống Thanh hao-một loại dược liệu về trồng, với hy vọng sẽ “lên ngôi” tại quê nhà. Qua một vụ, hai vụ thấy hơn hẳn các loại cây trồng khác, anh muốn phát triển nhưng lại không có đất. Đúng là “của độc” lại sẵn nơi tiêu thụ, nhưng với sản lượng ít ỏi, thu được từ một hai sào, không ai bõ công đến “rước” đi cho, thế là anh phải khăn gói quả mướp lên đường. Tính ra “một tiền gà, ba tiền thóc”, đành phải tuyên bố “phá sản”!

Với cách làm ăn theo kiểu “du kích” ấy, ước mơ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, để có được vùng sản xuất chuyên canh mới xa vời làm sao! Nhưng khi nói tới vùng sản xuất chuyên canh, một nông dân ở Văn Hán có vườn vải mấy trăm gốc đã trợn tròn mắt bảo: “cả trăm ha nhãn vải đang đắp cả đống!” (vụ vải năm nay, vào lúc mùa rộ, có nhà gọi khách vào bán tống, bán tháo với giá 6-700 đồng/kg). Quả thật, nếu chỉ có một nhà nông tự lo, mà nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước không vào, thì chung cuộc người nông dân vẫn chỉ như “con kiến mà leo cành đào…” Một cán bộ đoàn thể nọ tâm sự: “bây giờ chẳng ai dám khuyên bà con trồng gì, nuôi gì vì đã có quá nhiều “phi vụ” vấp ngã”!

Tuy vậy, cũng còn không ít người có cái nhìn lạc quan hơn. Theo một nông dân ở Hoà Bình thì “Bây giờ làm ruộng rất sướng”. Công sức không nhiều, có thêm “cái anh kỹ thuật” năng suất lại cao. Ông bảo tính ra mỗi năm cũng chỉ vất vả trên dưới chục ngày mà đủ ăn, đủ chăn nuôi. Thời gian còn lại tha hồ mà làm ngành nghề… Còn rủi ro thì làm gì chẳng có rủi ro. Tôi đang muốn có thêm thật nhiều đất để mở nông trang...

Nói về cơ khí hoá công nghiệp, chuyện của nông dân cũng không kém rôm rả: Chị Ninh Thị Hù, một phụ nữ người Sán Dìu làm dâu ở xã Hoà Bình khoe rằng “ở xóm em (xóm Đồng Vung) phong trào cơ giới hoá rầm rộ lắm, bây giờ cầy bừa, cấy hái, gặt đập đều có máy, việc đồng cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng các tiến bộ KHKT, vừa đỡ tốn thời gian lại cho năng xuất cao. Cũng từ đó nhiều nhà đã trở thành hộ sản xuất giỏi”.

Một số người thì bảo, ai chả thích dùng máy cho nhàn hạ, nhưng “nhà em một đống con, sức dài vai rộng thì cơ giới hoá vừa tốn kém, vừa tạo điều kiện để chúng “nhàn cư vi bất thiện”, tốt nhất là để cho chúng đi cày”! Một nôgn dân ở xã Khe Mo thì cho hay: Xóm tôi cứ bình quân 6-7 hộ thì có một máy cầy. Mỗi năm vào vụ, cả cánh đồng ầm ầm những máy hết vụ lại cho máy “đắp chiếu” để chờ vụ sau. Máy móc nghỉ lâu ngày, bà con ta lại chưa có thói quen khởi động bảo hành, đến vụ rờ đến không chứng nọ thì tật kia, thế là tiền tu sửa quá tiền thuê máy. Quả thật về mặt hạch toán, nếu ruộng đất có nhiều mà không cơ giới hoá chi phí sản xuất sẽ rất cao; nhưng nếu ruộng đất ít và manh mún thì cơ giới hoá không thể tránh khỏi những lãng phí vô hình.

Cùng với sự khởi sắc của sản xuất, bộ mặt nông thôn mới cũng được bà con ghi nhận. Các mục tiêu về điện-đường-trường-trạm xá… đã trở thành hiện thực. Trở lại câu chuyện ở xóm Đồng Vung, chị Hù cho biết thêm: “Xóm em bây giờ việc sinh con thứ ba đã trở thành chuyện “ngày xưa”. Cả xóm có trên 100 hộ, chỉ còn vài hộ gọi là nghèo nhưng chẳng phải nghèo như ngày trước. Hầu hết các nhà đều có xe máy. Rađiô và vô tuyến thì đã là “chuyện nhỏ”, đường sá đi lại đã không còn cảnh lầy lội. Mấy năm nay “núi rừng có điện thay sao, gần đây lại có thêm điện thoại. Cuộc sống văn hoá tinh thần cứ như trong mơ! Từ nhiều năm qua, Đồng Vung liên tục đạt danh hiệu Văn hoá…”.

Tuy vậy ở một góc độ khác, người nông dân vẫn cho rằng, “chúng tôi đang bị “ép” từ nhiều phía: Giống má, vật tư thì liên tục tăng giá, đã vậy lại còn gặp hàng “rởm”, có nhà trồng cả sào ngô lai mà chỉ thu… lá cho trâu! Đầu vào để có sản phẩm đã khó, đầu ra lại càng khó hơn. Nhà nông kiếm được đồng tiền thật là vất vả, mà chi tiêu thì cứ bề bộn: Đóng góp quỹ này, quỹ kia, sách vở cho con, học phí cho trường. Thanh niên thì nháo nhác đi tìm việc làm thêm. Còn lại, tất tần tật, dồn lên vai mấy ông bà già một nắng, hai sương…” Chưa bao giờ sự tác động giữa phát triển sản xuất, với những vấn đề xã hội, lại chi phối mạnh mẽ đến bộ mặt nông thôn như ngày nay. Bức tranh nông thôn Đồng Hỷ giống như miếng “da báo” với những khoảng sáng tối đa sắc mầu, tuỳ theo mức độ “bờ xôi giếng mật” của ruộng đất, khả năng tư duy và trình độ canh tác của người nông dân, sự gắn bó giữa “đất với người” ở mỗi miền quê. Nhưng bao trùm vẫn là sự vật vã, lao tâm, tổn sức của những người “trông trời, trông đất, trông mây…” để tìm kiếm sự phát triển ổn định, bền vững, theo định hướng của chiến lược vĩ mô.

Đó là những chuyện dài dài về nông nghiệp-nông thôn-nông dân (mà có lẽ không chỉ riêng có ở Đồng Hỷ?). Khi tôi đem chuyện này kể với một vài nhà chức trách, có người bảo đó là những chuyện của giai đoạn “thực nghiệm”. Có người bảo, là chuyện của thời kỳ mà vấn đề đặt ra đang “phát triển theo chiều sâu”! Nhưng tất cả đều đồng tình cho rằng, muốn đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trên mặt trận “tam nông” thì những suy nghĩ, trăn trở của người nông dân, phải luôn được coi là một “điểm nóng” trên bàn nghị sự.