Câu chuyện giữa chúng tôi với các bí thư chi bộ xóm, phố của xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) về ra nghị quyết của chi bộ rất sôi nổi. Đâu phải là những lý lẽ đao to búa lớn, nghị quyết xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống và điểm đến cuối cùng của nghị quyết cũng là hướng tới niềm hạnh phúc của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ngọc, Bí thư Chi bộ cho biết: Chúng tôi tìm hiểu từng hộ xem khó khăn như thế nào vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhà thì có người ốm yếu, nhà thì nợ đến 15-20 tấn thóc, nhà thì không có đất canh tác… Đặc điểm chung của họ là lần hồi làm thuê cuốc mướn qua ngày, thu nhập dưới 100.000 đồng/người/tháng. Khi đã nắm chắc hoàn cảnh từng nhà rồi, chúng tôi họp Chi bộ, thống nhất ra nghị quyết giúp những gia đình này có mái nhà kín trên, bền dưới.
Chi bộ của xóm có 16 đảng viên, 1 người tuổi cao được miễn sinh hoạt, 3 người là cán bộ hưu trí, còn lại là những đảng viên trưởng thành tại quê nhà. Có nghị quyết rồi, một cuộc chuyển giao nghị quyết với trưởng xóm, trưởng các đoàn thể được tổ chức. Chi bộ giao công việc như sau: Hộ nghèo mà có hội viên nông dân thì giao Hội Nông dân phải chịu trách nhiệm chính, có hội viên phụ nữ thì giao cho Hội Phụ nữ, có người tuổi Đoàn thì giao cho Đoàn thanh niên.... Giao nhưng không khoán trắng, gặp khó khăn gì là Chi bộ cùng chỉ đạo tháo gỡ.
Có trường hợp 2 vợ chồng ở trên đất của bố mẹ, nhà hỏng quá nhưng ông bà không cho xây. Chúng tôi phải đến cậy nhờ Hội Người cao tuổi đến vận động điều hơn lẽ thiệt, cuối cùng ông bà mới thuận cho làm nhà. Nhiều trường hợp có những khó khăn phát sinh khác chúng tôi phải cùng Ban công tác Mặt trận vào cuộc mới giải quyết được. Một đặc điểm của xóm là Trưởng xóm chưa là đảng viên nhưng anh rất nhiệt tình trong vai trò Trưởng ban xây dựng. Có 3 nguồn thu chủ yếu để xoá nhà dột nát cho hộ nghèo: Thu róc 3.000 đồng/hộ theo nghị quyết HĐND xã; cá nhân, tập thể hỗ trợ bằng tiền, ngày công; vận động các ngành có quà hôm khánh thành nhà mới. Ban công tác Mặt trận đứng ra vay trước vật liệu ở các đại lý cho các gia đình thi công.
Bí thư Nguyễn Xuân Ngọc tự hào kể về một “Mạnh Thường Quân” của xóm, ông tên là Trần Công Huấn, đại tá Quân đội về hưu, năm nay đã 84 tuổi nhưng vẫn sinh hoạt Đảng rất đều. Ông đến từng nhà xem họ thiếu cái gì để giúp. Trước sự chứng kiến của Ban xây dựng, ông rút tiền cho gia chủ mua cây que, xi măng hay xe gạch. Số tiền ông ủng hộ trong đợt làm nhà đại đoàn kết của xóm Quang Trung 2 là 4 triệu đồng. Bằng cách làm như vậy, năm 2006 xóm xoá xong 100% số nhà nát, là đơn vị đầu tiên của xã không còn nhà dột nát.
Khác với Chi bộ nông thôn Quang Trung 2, Chi bộ số 6 của xã Sơn Cẩm có 40 đảng viên thì có đến 2/3 là cán bộ hưu trí. Xóm 6 có 307 hộ, 1.400 nhân khẩu, 4 tổ nhân dân, 4 tổ Đảng. Bí thư Chi bộ, đồng chí Tô Truy liên tục làm Bí thư từ năm 1993 đến nay cho biết: So với nhiều xóm của xã, thu nhập của nhân dân xóm 6 có phần khá hơn. Điều chúng tôi nghĩ ngợi là chỗ ở cho người chết còn hoang tàn: Mộ chí lẹt đẹt, không ra hàng ra lối, bốn phía trống trải. Nhà nào có người mất thì phải tự lo tổ chức tang lễ, lo đào mộ, rất bấn bíu.
Trăn trở của đồng chí Bí thư được giãi bày với các đảng viên của Chi bộ và gặp sự đồng thuận cao. Nghị quyết về việc thành lập Hội làng lo việc xác định chỉ giới, quy hoạch nghĩa trang, các bước tiến hành tang lễ đã ra đời. Từ nghị quyết, những công việc cụ thể được dân cư của xóm nhất trí như sau: Mỗi khi trong xóm có người mất, xóm thành lập Ban tang lễ do Trưởng xóm làm trưởng ban, Bí thư Chi bộ làm phó ban. Mỗi gia đình có trách nhiệm góp 1 kg gạo, 1.000 đồng cho Ban tang lễ, có thủ quỹ đi theo ghi chép. Gạo thì chuyển cho gia tang, tiền thì trả cho tổ đào huyệt. Thành lập tổ quản trang có trách nhiệm đào huyệt và chăm lo nghĩa trang. Ông quản trang được trả “lương” mỗi năm 200 nghìn đồng. Nghị quyết Hội làng cũng nói rõ: Đám tang tổ chức văn minh, tiết kiệm, không thịt lợn, không làm cỗ.
Với cách làm như thế, xóm 6 đã có nghĩa trang chia lô, chia lối đàng hoàng, nhà nào có người nằm xuống không tất tả vất vả như trước, mọi công đoạn đã được “chuyên môn” hoá trong sự đùm bọc của chòm xóm. Đồng chí Tô Truy “khoe”: Thể theo nguyện vọng của bà con, xóm vừa hoàn thành bệ lưu hương đặt tại nghĩa trang là nơi để mọi người đến thắp nhang tưởng nhớ người đã khuất, trị giá 7 triệu đồng, do bà con trong xóm đóng góp. Xong phần nghĩa trang, xóm lại chuẩn bị làm tiếp con đường vào nghĩa trang. Chi bộ đã báo cáo Đảng uỷ xã xin phép kêu gọi sự giúp đỡ, đóng góp của một số đơn vị trên địa bàn và bà con để “biến” 400 mét đường vào nghĩa trang lầy lội thành đường bê tông rộng 4 mét, kè đá hai bên chắc chắn.
Việc làm của 2 chi bộ nói trên mà chúng tôi mắt thấy tai nghe đã góp phần minh chứng một điều: Cuộc sống không chấp nhận những lời nói mỹ miều sáo rỗng. Bám sát đời sống nhân dân, lắng nghe điều cuộc sống đang cần để có nghị quyết chuyên đề kịp thời, hiệu quả, đó là một trong những bí quyết thành công của công tác Đảng ở cơ sở.