Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thái Nguyên

08:44, 28/10/2007

Là tỉnh nằm cạnh tam giác kinh tế của miền Bắc (bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội), cách thủ đô Hà Nội 80 km; là tỉnh của chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, cùng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ những năm qua, Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là trung tâm kinh tế, văn hoá của vùng Việt Bắc.

Về du lịch, với sự đa dạng, phong phú về về tài nguyên thiên nhiên, trên 100 di tích lịch sử, văn hoá, với các di tích, danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, khu di tích ATK Định Hoá, Tràng Xá (Võ Nhai); Đền Đuổm (Phú Lương)...Thái Nguyên đã và đang có vị trí, vai trò quan trọng là vành đai du lịch của Hà Nội và trung điểm nối du khách từ Trung Quốc về Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ngược lại.

Trong những năm qua, Thái Nguyên xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động tích cực tới việc thực hiện chính sách mở cửa, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động, mở rộng giao lưu văn hoá giữa các vùng trong tỉnh, trong nước và nước ngoài; tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa các dân tộc.

Vì vậy, ngành du lịch đã được tỉnh quan tâm đúng mức. Với chính sách mở cửa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào du lịch nên có nhiều đơn vị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào các cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp Nhà nước như: Xây dựng cơ sở vật chất phía nam hồ Núi cốc; khách sạn Sông Cầu, Khách sạn Thái Nguyên, khách sạn Bông Sen, Khách sạn Hoa Hồng; xây dựng mở rộng nhà nghỉ Công đoàn hồ Núi Cốc tăng thêm số phòng nghỉ và giao thông vào khu nhà nghỉ Núi Cốc cả phía Bắc và phía Nam.

Từ năm 2003-2004, ngành Thương mại-Du lịch đã tiến hành khảo sát, lập đề cương dự án quy hoạch trung tâm du lịch ATK Định Hóa đưa vào khu du lịch chuyên đề quốc gia quy hoạch khu du lịch ven hồ Núi Cốc theo phương án gọi vốn đầu tư. Đồng thời phối hợp với các ngành, cấp liên quan khảo sát lập dự án các điểm du lịch sinh thái: Hang Phượng Hoàng, Hồ Suối Lạnh, Hang Chùa, Suối Tiên- Đồng Hỷ; khu du lịch sinh thái Lương Sơn phía nam T.P Thái Nguyên.

Bên cạnh đó các công trình hạ tầng hồ Núi Cốc; dự án cụm các công trình phục vụ du lịch ATK Phú Đình (Định Hóa); dự án xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề Phú Lương, Phú Bình; dự án hang Phượng Hoàng- Suối Mỏ Gà đã được triển khai tích cực. Đi đôi với xây dựng cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá để thu hút khách... Vì vậy, trong những năm qua, du lịch đã đóng góp 1,3% trong GDP toàn tỉnh và đang từng bước được xây dựng thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung.

Đặc biệt, năm 2007, Thái Nguyên vinh dự được chọn là nơi tổ chức Năm du lịch Quốc gia, Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các Bộ, ngành T.W, đồng thời phát huy nội lực, Thái Nguyên đã không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho Năm du lịch như nhà hàng, khách sạn, sân lễ hội, một số tuyến đường giao thông, các khu điểm du lịch chính như Trung tâm T.P Thái Nguyên, khu ATK Phú Đình- Định Hóa, Khu du lịch Hồ Núi Cốc; Đền Đuổm. Vì vậy, diện mạo cơ sở hạ tầng du lịch được khởi sắc; lượng khách đến với Thái Nguyên ngày càng tăng.

Dự ước, năm 2007, Thái Nguyên sẽ đón và phục vụ trên 1 triệu lượt khách du lịch, đạt 120% kế hoạch, tăng 51% so với cùng kỳ, công suất sử dụng phòng, buồng đạt trên 70%, tăng 3% so với năm 2006.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo, đưa du lịch Thái Nguyên phát triển thành ngành công nghiệp có quy mô và hiệu quả kinh tế cao, tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh, một ngành kinh tế có tầm quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội khác phát triển, Thái Nguyên đang đề ra 6 chiến lược về phát triển du lịch. Đó là phát triển nguồn nhân lực; chiến lược sản phẩm về du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; giữ gìn tôn tạo và phát triển tài nguyên du lịch môi trường; chiến lược về đầu tư du lịch; chiến lược thị trường khách du lịch. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành dịch vụ tăng bình quân 13,1%/năm, trong đó dịch vụ du lịch- khách sạn- nhà hàng tăng bình quân 20%/năm; đến năm 2010 và những năm tiếp theo tỷ trọng GDP về du lịch trong GDP toàn tỉnh sẽ chiếm 3,75%.