Hội thẩm nhân dân: Thiếu và... thừa

08:37, 28/10/2007

Chương IV Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân ban hành năm 2002 nêu rõ: Hội thẩm làm nhiệm vụ và chịu sự quản lý của Chánh án tòa án nhân dân địa phương; khi được Chánh án tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì Hội thẩm có nghĩa vụ tham gia mà không được từ chối, trừ trường hợp lý do chính đáng. * Hội thẩm nhân dân - Trọng trách lớn

Phạm vi bài báo này, tôi chỉ muốn "khuôn" vấn đề đối với hội thẩm nhân dân cấp tỉnh, họ là 32 người có đơn tự nguyện, được Toà án Mhân dân tỉnh chọn lựa và hiệp thương với Thường trực ủy ban MTTQ, được các đại biểu HĐND tỉnh (nhiệm kỳ 2004-2009) bỏ phiếu bầu ra.

Có quyền lực ngang thẩm phán, bất kỳ phiên tòa sơ thẩm nào cũng phải có mặt ít nhất là 2 người, tỷ lệ giữa đại diện nhân dân (hội thẩm) và đại diện pháp luật (thẩm phán) luôn ở thế "áp đảo" (2/1 hoặc 3/2), sự có mặt của Hội thẩm tại các phiên tòa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và bản chất pháp chế XHCN. Ở nơi công đường kia, không chỉ có 1 hoặc 2 quan tòa, mà còn có 2 hoặc 3 Hội thẩm nhân dân đủ trí lực, năng lực pháp lý, được nhân dân tín nhiệm cùng giám sát, để "cán cân" công lý không bị ngả nghiêng bởi bất cứ lý do gì.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm đã được quy định tại Chương IV Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân ban hành năm 2002. Trong đó nêu: Hội thẩm làm nhiệm vụ và chịu sự quản lý của Chánh án tòa án nhân dân địa phương; khi được Chánh án tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì Hội thẩm có nghĩa vụ tham gia mà không được từ chối, trừ trường hợp lý do chính đáng; Hội thẩm đang công tác trong các cơ quan, đoàn thể thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc; đơn vị có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội thẩm làm nhiệm vụ... Vậy là, nhiệm vụ tham gia xét xử của Hội thẩm không phải việc làm thêm, làm ngoài giờ mà được pháp luật quy định để đảm bảo trọng trách nhân dân giao phó.

HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2004-2009 đã bầu ra 32 Hội thẩm. 100% Hội thẩm đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; 20/32 người giữ chức từ phó trưởng phòng trở lên; người cao tuổi nhất là 57, ít nhất 31 tuổi. 8 người làm việc ở lĩnh vực có liên quan đến pháp luật như thanh tra, kiểm sát, 4 người công tác ở lĩnh vực giáo dục-đào tạo; số còn lại ở nhiều ngành, nghề khác.

Theo con số của Tòa án nhân dân tỉnh thì năm 2005 có 654 lượt và năm 2006 có 600 lượt Hội thẩm tham gia xét xử. Làm phép chia, trung bình mỗi Hội thẩm năm 2005 xét xử 21 vụ, năm 2006: 19 vụ. Tuy nhiên, thực tế khác hẳn: 55% số Hội thẩm không hoàn thành định mức. Bên cạnh đó lại có "tốp" vượt mức nhiều lần.

Cụ thể như sau: Có 3 người đạt từ 160-300% định mức là các ông: Hà Minh Tiến (Chủ tịch Công đoàn viên chức tỉnh), Đào Ngọc Hải (Giáo viên trường THPT Ngô Quyền), Nguyễn Hoài Nam (Sở Giáo dục-Đào tạo). Một số người giữ được "phong độ" xét xử (từ 20-31 vụ/năm) như bà Nguyễn Thị Canh (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm), Lý Thị Hiến (chuyên viên Đảng ủy khối cơ quan dân chính Đảng), Phạm Thị Mừng (giảng viên Trường CĐ sư phạm Thái Nguyên), Nguyễn Ngọc Tuyết (Phó Chánh thanh tra Sở Tài Chính). Một số Hội thẩm tham gia xét xử năm cao- năm thấp, một số luôn giữ ở mức rất thấp: 3-4 vụ/năm, cá biệt có Hội thẩm không tham gia xét xử vụ nào suốt 2 năm qua.

* Tôi không muốn xử quá nhiều

Ông Hà Minh Tiến, người suốt thời gian qua đứng trong tốp đầu những Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử tại Toà án nhân dân tỉnh đã nói như vậy.

Lý giải quan điểm của mình, ông Tiến cho rằng Hội thẩm nhân dân trước khi nhận lời tham gia xét xử theo yêu cầu của toà án phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ của vụ án thật kỹ lưỡng theo quy định của pháp luật để xét xử đúng người, đúng tội, đồng thời với vai trò đại diện của nhân dân trong cơ quan xét xử, Hội thẩm phải thể hiện được trách nhiệm, quan điểm, trình độ của mình khi xét hỏi, tranh luận, nghị án, nhằm bảo vệ pháp chế XHCN, thể hiện được bản chất nhân đạo, dân chủ, “có lý, có tình” để những người phạm tội thấy rõ hành vi phạm tội của mình, mở cho họ con đường sáng nhanh chóng cải tạo để trở thành những công dân có ích cho cộng đồng, cho xã hội, có như vậy mới không trở thành người "ăn theo nói leo" trên tòa.

Ông Tiến nói thêm: Việc bản thân tham gia xét xử nhiều hơn người khác không phải điều ông mong muốn, các Hội thẩm đều có trách nhiệm ngang nhau cũng như quyền lợi ngang nhau.

Nghị quyết liên tịch số 05/2005 giữa Tòa án nhân dân tối cao-Bộ Nội vụ- Ban thường trực ủy ban TWMTTQ Việt Nam ngày 5-12-2005 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt đông của Hội thẩm tòa án nhân dân cũng ghi: "ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm gửi giấy mời Hội thẩm đến trụ sở tòa án để nghiên cứu hồ sơ vụ án và trao đổi các vấn đề cần thiết về nghiệp vụ xét xử đối với vụ án đó" (Điều 21- chương IV); "Trong trường hợp có lý do chính đáng để từ chối việc tham gia xét xử, thì trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, Hội thẩm phải có văn bản nêu rõ lý do từ chối xét xử và gửi cho Tòa án nhân dân cùng cấp để xem xét, cử Hội thẩm khác tham gia" (Điều 22, chương IV).

Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, có vụ án đã phải hoãn do đến phút chót, tòa không thể bố trí được Hội thẩm. Chánh tòa Hình sự- bà Nguyễn Thị Kỳ dẫn chứng: Vụ Trần Văn Phong cướp tài sản dự định xử ngày 25-7-2006 đã phải hoãn do thiếu Hội thẩm. Hậu quả của việc hoãn xét xử bất kể vụ án nào cũng khá nặng nề, ông Bùi Đức Thuận, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Tòa án nhân dân tỉnh) cho biết: Bị cáo, bị hại, luật sư, nhân chứng, công an dẫn giải... cả hệ thống đó bị lỡ dở công việc. Có luật sư ở xa, có nhân chứng ở xa lặn lội đến lại về. Chưa kể tốn kém chi phí mà còn gây hiểu lầm đối với cơ quan có liên quan đến công tác xét xử vì không phải ai cũng hiểu do không đủ Hội thẩm nên phải hoãn phiên tòa?

* Việc quản lý Hội thẩm ra sao?

Trong 5 ngày làm việc, người viết bài này đã nhiều lần gọi vào máy điện thoại di động đã đăng ký tại Phòng Tổ chức cán bộ (Tòa án nhân dân tỉnh) của một Hội thẩm nhưng đều không liên lạc được. Nhiều lần khác tiếp tục gọi cho văn phòng của vị Hội thẩm nọ đều được hướng dẫn gọi vào máy để bàn của "sếp" là 854 xxx, nhưng cũng từng ấy lần bị một giọng phụ nữ cau có: Đây là số nhà riêng của tôi, sao cứ nhầm mãi thế?

Những cú điện thoại thất bại khiến tôi cảm thông hơn việc mời Hội thẩm của Tòa: Mời lần một lần hai không được cũng chả muốn mời nữa, người nào nhiệt tình, có trách nhiệm thì hay mời - Một thẩm phán đã thật lòng nói với tôi như vậy.

Rõ ràng theo luật thì Tòa án cùng cấp là nơi quản lý Hội thẩm, nhưng do nể nang, coi họ chỉ là cộng tác viên nên Tòa chưa có biện pháp gì làm cho các Hội thẩm có ý thức hơn với công việc của mình. Cũng theo luật, Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện quyền giám sát hoạt động của Hội thẩm, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh cùng chưa có nhiều động thái thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực này.

Vì vậy, đội ngũ Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh đang hoạt động khá tự do, người chây ỳ không bị nhắc nhở, khiển trách, trong khi Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm toà án nhân dân quy định rõ việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, và quy định cả đường "lui" là từ nhiệm đối với Hội thẩm vì lý do nào đó mà không đảm đương công việc mình đã nhận.

* Lời kết

Đến đây thì bạn đọc đồng tình với ý kiến của tôi rằng đội ngũ Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh đang vừa thừa vừa thiếu. Thiếu đến mức phải hoãn phiên tòa do không bố trí được Hội thẩm, nhưng thừa vì có người chỉ xử 3 vụ/năm, thậm chí không xử vụ nào nhưng không hề bị nhắc nhở.

Nhiệm kỳ Hội thẩm nhân dân tỉnh đã qua hơn một nửa, thời gian tới, thực hiện phân quyền cho Tòa án cấp huyện, những vụ xét xử tại Tòa án tỉnh sẽ là những vụ khó, đòi hỏi Hội thẩm phải có năng lực pháp luật, có lý lẽ sắc bén, có trách nhiệm cao trước nhân dân. Vậy nên sự phối hợp giữa HĐND-Tòa án- Đoàn hội thẩm cần chặt chẽ, liên tục, có đánh giá, trao đổi theo kỳ họp của HĐND nhằm rà soát, miễn nhiệm hoặc từ nhiệm Hội thẩm khi cần thiết; các Hội thẩm cũng cần được bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ pháp lý để vững vàng trong vị trí của mình... Đó là vài thiển ý của người viết bài này với mong muốn đội ngũ Hội thẩm nhân dân tỉnh xứng đáng với niềm tin nhân dân giao phó.