Bên ấm trà đượm hương vị quyến rũ của gia đình ông Đào Văn Lộc, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương), câu chuyện giữa chúng tôi về cách thưởng trà, chăm sóc chè cứ râm ran vị đượm ngọt của núi rừng.
Nghe lời Đảng, bà con cùng lập làng, không di rời và cùng chung sức làm ăn. Nhưng, đồi bãi không được chăm bẵm, mưa xối đất mòn, củ sắn trên đồi mất cả năm trông đợi, chỉ bàng cái chuôi dao. Khi đó, đất này đã có cây chè, nhưng để mọc tự nhiên, người dân lấy về làm nước tắm cho trẻ nhỏ hoặc đun lấy nước uống cho đỡ vị tanh.
Sau năm 1970, phong trào lên vùng cao làm kinh tế được phát động, đồng bào người Kinh ở Thái Bình, Hà Tây... lên Thái Nguyên khai mở đất sản xuất. Nhiều hộ vào Phú Đô, phát dọn đồi bãi, trồng cây sắn, cây lúa lấy cái ăn trước mắt, khi ổn định hơn lại rủ nhau sang Phú Thọ, đến các nông trường chè mua hạt giống, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè làm cây kinh tế ổn định lâu dài.
Ông Trần Văn Tâm kể lại: Ngày đó, đường vào đây khó khăn, hôm chợ phiên, đồng bào mang chè ra chợ bán đong bằng ống bơ. Cây chè được trồng tự phát vẫn là cơ bản. Tập trung nhiều ở các khu đất của Ao Cống, Phú Nam... Và đến năm 1995, sản phẩm chè được tư thương bên ngoài vào thu mua, một cân chè có thể đổi được vài cân gạo, hoặc tiền có thể đem mua dầu, muối hay dành dụm sắm quần áo tết cho cả nhà.
Hiệu quả kinh tế được trông thấy, đồng bào bắt đầu học cách trồng cây chè trên đất dốc. Vậy là đồi, bãi được các hộ tự quy hoạch trồng chè. Nhờ có nguồn sinh thuỷ từ Khe Vàng và những ao, chuôm sẵn có, cây chè lại hợp đất, nẩy mầm xanh vươn lên hướng ánh mặt trời. Đời sống của người dân cũng dần vợi bớt khó khăn, đồi bãi không còn bỏ hoang cho lau, guột mọc làm cỏ trâu ăn.
Năm 2000, Phú Đô không còn hộ đói-Lời khẳng định của ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch Hội nông dân xã. Cũng từ năm 2000, thông qua các hội, đoàn thể, đã có hàng nghìn lượt nông dân được tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè. Đồng bào người Sán Chay cũng tham gia tích cực.
Xoè bàn tay chai sạm, ông Nguyễn Văn Thuỷ, xóm Phú Nam 1 cho biết: "Đôi bàn tay này đã phải rộp lên, tưa máu mới có ngày hôm nay". Nhà ông Thuỷ có 8.000 mét chè, 3.000 mét thuận nước được dành làm chè vụ đông. Mỗi năm, gia đình ông để ra được hơn 15 triệu đồng từ chè. Lúc này, thấy ông tưới chè bằng máy bơm nước, ai cũng bảo người làm chè sướng. Nhưng, mấy ai biết, để có được cân chè ngon, người trồng chè phải tuân thủ rất nhiều quy trình mới đạt được điều đó.
Trong vườn chè nhà ông Lộc, vợ con ông và người làm công đang cần mẫn thu hái những búp chè. Ông bảo: Chè nhà tôi bao giờ cũng có giá bán cao gấp đôi so với các hộ khác. Lý do là gia đình chịu đầu tư, không ăn xổi. Giả như bón nhiều đạm, chè nảy búp nhanh, nước nhạt. Khi thu hái phải đợi ráo sương, có ánh mặt trời, không để búp bị rập nát, đem về trải đều ra nền nhà lấy hương rồi mới đem sao. Mỗi năm, gia đình thu khoảng trên 50 triệu đồng tiền chè.
Hầu như các hộ trồng chè đều đã đầu tư mua sắm được máy bơm, máy chế biến. Sản phẩm chè đã có tư thương bên ngoài vào thu mua, giá cả tuỳ thuộc vào thị trường chung. Đất Phú Đô đã có nhiều hộ thu hàng chục triệu đồng từ bán chè mỗi năm, như gia đình ông Trần Quý Trọng, Nguyễn Văn Khiến, Nguyễn Gia Khơi...
Cây chè đã cho đồng bào người Phú Đô cuộc sống ổn định hơn. Song, để sản phẩm chè bán được, người Phú Đô đang tự quan tâm hơn tới chất lượng của sản phẩm chè. Và được bắt đầu từ quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến. Một số hộ đã đưa cây chè giống mới: TRI 777; LDP 1... vào trồng trên đất đồi bãi của gia đình.