Phổ Yên trồng tre măng tre Lục trúc

08:41, 28/10/2007

Với mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu ổn định (khoảng 100 ha) để xây dựng Nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu, từ tháng 1-2006, Công ty Chi Lăng- Đài Loan (Lạng Sơn) đã phối hợp với huyện Phổ Yên triển khai Chương trình trồng tre măng Lục trúc tại 2 xã Minh Đức và Đắc Sơn, với hơn 150 hộ dân tham gia trồng được 42,2 ha.

Theo Hợp đồng nguyên tắc đầu tư và tiêu thụ sản phẩm tre măng Lục trúc trên địa bàn huyện thì Công ty Chi Lăng- Đài Loan có trách nhiệm cung ứng cây giống cho nông dân với giá 10.000 đồng/cây. Trong đó, Công ty hỗ trợ 50% giá giống, đồng thời ứng trước 25% giá giống cho các hộ dân tham gia đến khi có sản phẩm sẽ thu hồi, huyện Phổ Yên hỗ trợ 25%. Toàn bộ sản phẩm măng tươi của các hộ dân sẽ được Công ty tổ chức thu mua theo giá thoả thuận tại thời điểm thu hoạch.

Ngoài ra, Công ty cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc tre măng cho nông dân. Nhưng sau hơn 1 tháng triển khai, tỷ lệ cây chết cao, có gia đình tỷ lệ cây chết là 100%.

Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi có mặt tại xã Minh Đức, địa phương có 137 hộ tham gia trồng với diện tích trên 30ha. Đồng chí Triệu Thế Lực, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Là địa phương có diện tích đồi bãi nhiều nên Chương trình trồng tre măng Lục trúc phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nông dân đồng tình ủng hộ. Vậy mà sau khi triển khai được 1 thời gian ngắn, tỷ lệ cây sống chỉ còn 30%, khiến người dân không mấy “mặn mà” với cây tre măng Lục trúc nữa, diện tích măng tre của xã thu lại chỉ còn gần 20 ha”.

Chúng tôi gặp ông Tạ Hữu Long, xóm Trầm 7C, ông Cao Tuấn Ngà, xóm Tân Lập 16, và thấy các ông đều có chung ý kiến cho rằng: Một số cây chết là do giống không đảm bảo, phần lớn gốc cây giống đã bị già, có hiện tượng bị khuy (cây tre sau khi trồng bị ra hoa). Hơn nữa, tại thời điểm trồng măng tre, thời tiết nắng nóng kéo dài nên cây không phát triển.
Tuy nhiên, theo anh Phạm Văn Hà, cán bộ của Trạm khuyến nông huyện được giao phụ trách Chương trình tre măng Lục trúc cho biết: Những nguyên nhân mà các hộ dân phản ánh đều đúng nhưng chỉ có một số gốc giống bị già do lấy giống ở khóm có độ tuổi cao. Thực ra, tỷ lệ tre măng chết nhiều phần lớn là do sau khi trồng, cây gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, dân ít tưới nước. Ngoài ra, một số hộ dân trồng chưa đúng kỹ thuật, một số khác nhận giống về nhưng không bảo quản tốt, làm theo tập quán cũ, trồng manh mún, nhỏ lẻ, không đầu tư vốn, sức lao động nên thất bại là điều không tránh khỏi.

Do cây giống chết nhiều nên năm nay Phổ Yên chưa huy động được nông dân nhận trồng thêm tre măng Lục trúc nên kế hoạch giao tiếp 5.000 cây giống của Công ty Chi Lăng đành tạm thời dừng lại.

Có thể nói, chương trình trồng tre măng Lục trúc không chỉ mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân huyện Phổ Yên mà còn là cơ hội lớn cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Bởi nếu dự án xây dựng Nhà máy chế biến xuất khẩu măng tre và các nông sản khác như vải, nhãn, hồng... của Công ty Chi Lăng- Đài Loan đi vào thực hiện sẽ giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Theo đó, sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, đồng thời hàng năm sẽ tiêu thụ được gần 10.000 tấn vải, nhãn của toàn tỉnh bán trôi nổi trên thị trường, luôn bị tư thương ép giá. Vì thế, để người dân tin tưởng vào Dự án này, Phổ Yên chỉ đạo nông dân chăm sóc tốt diện tích tre măng còn lại (trên 25 ha) để làm ô mẫu và thực hiện nhân giống tại địa phương.

Rút kinh nghiệm, năm nay, một số hộ trồng dặm đã thay đổi cách trồng bằng cách bó bầu cây cho đến khi ra rễ, đâm chồi, gặp thời tiết thuận lợi mới mang cây ra trồng. Cách này giúp 3.000 cây giao bổ sung năm 2007 được nông dân trồng dặm tỷ lệ sống đạt trên 90%. Để chương trình tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch, huyện tiếp tục nghiên cứu mở rộng diện tích sang các xã lân cận tạo vùng nguyên liệu ổn định.