Đường 254 và đường Khuôn Ngàn hợp lại, tạo thành một ngã ba ngay ở trung tâm xã Bình Yên (Định Hoá). Đây được coi là một trong những ngã ba tạo cho cư dân bản địa có nhiều thuận lợi trong việc thông thương, giao lưu các hoạt động văn hoá xã hội giữa các vùng miền. Ngay ở ngã ba này, chúng tôi đã cảm nhận được sự đổi mới của một miền quê cách mạng trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ văn hoá xã hội tâm sự với chúng tôi: Bình Yên không có hộ đói đứt bữa từ nhiều năm nay. Trong xã tuy chưa có hộ giàu, nhưng cách làm ăn của đồng bào đã có nhiều đổi mới. Hiện trong xã có 8 xóm nhân dân tự đóng góp xây dựng được nhà văn hoá. Đầu tháng Năm năm nay, bà con thôn Yên Hoà 1 bắt đầu khởi công xây dựng nhà văn hoá.
Với diện tích 749 ha đất đai tự nhiên, chủ yếu là đồi, núi và thiếu nguồn nước, việc sản xuất của người dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Từ khó khăn, đồng bào các dân tộc: Tày, Kinh, Nùng, Cao Lan… càng gắn bó đoàn kết, giúp nhau vượt qua khó khăn trong phát triển kinh tế. Thực tế, 804 hộ, 3.458 nhân khẩu cư trong 14 xóm sinh sống chủ yếu bằng việc sản xuất cây lúa, cây chè. Tuy năm 2006 đã giảm được 33 hộ nghèo, nhưng số hộ nghèo hiện nay vẫn còn trên 41,29% và 28 hộ đang cần được xoá nhà dột nát. Các xóm: Thẩm Vậy; Khang Hạ; Đòn Thỏi; Nà Pục và Đoàn Kết chưa có đường cho xe ô tô vào. Khó khăn còn nhiều, nhưng sự đổi mới đã bắt đầu tạo đà cho Bình Yên phát triển nhanh hơn, trong đó có việc chuyển đổi các khu đất không thuận nước sang trồng cây màu hoặc cây chè đem lại giá trị kinh tế cao… Cuối năm 2006, điện Quốc gia về đến Nậm Pục, xóm cuối cùng của xã đã hoàn thành đường điện; trường mẫu giáo được công nhận đạt chuẩn Quốc gia…
Ông Ma Khắc Nghệ, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thông qua chính quyền sở tại, các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan, ban, ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất mới cho nông dân. Trình độ sản xuất thâm canh của người dân vì thế từng bước được nâng cao. Mấu chốt để đời sống của cư dân Bình Yên thoát đói nghèo lạc hậu là các tiến bộ KHKT sản xuất được áp dụng vào thực tế, đặc biệt là tư duy sản xuất của người dân chuyển đổi, năng suất lúa đã tăng từ 43 tạ/ha năm 2000 lên 46 tạ/ha năm 2006. Cây chè cũng được nông dân đầu tư, chăm bón. Từ biết cách chăm sóc, đầu tư, năng suất chè đã ổn định ở mức 55 tạ/ha. Chè sau thu hái được bán cho 2 nhà máy đóng trên địa bàn huyện, nông dân không phải lo đầu ra.
Bên các trục đường, nhiều hộ đã xây dựng được nhà kiên cố, giàn ăng ten ti vi giăng tủa trên các mái nhà, và nhiều nông dân sắm được xe máy làm phương tiện đi lại… Nhưng, để xoá đói, giảm nghèo bền vững cho vùng đất Bình Yên, đồng bào các dân tộc nơi đây đang rất cần Nhà nước đầu tư vốn cho việc xây dựng một công trình thuỷ lợi cung cấp nước tưới cho sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hoà, xóm Đá Bay và ông Ma Công Công Đoàn, xóm Yên Thông đều có chung nguyện vọng như bao người dân Bình Yên: Nếu khu vực Đá Bay được xây đắp đập chứa nước, nông dân sẽ chủ động được nước sản xuất cho vụ Xuân. Với hộ trồng chè, có thể đầu tư thêm được vụ chè Đông.