Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn Thái Nguyên đạt 12,16%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước và một trong yếu tố quan trọng tạo nên mức tăng trưởng kinh tế nêu trên chính là nguồn vốn đầu vào tỉnh của các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Lấy mốc từ Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Thái Nguyên được tổ chức tại Hà Nội ngày 14-10-2004, đến nay đã có 31 dự án được ký kết hợp tác đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với các tỉnh phụ cận Hà Nội như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc thì tốc độ tăng trưởng trong thu hút đầu tư của Thái Nguyên còn khiêm tốn hơn nhiều. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao khi mà tỉnh ta đã rất nỗ lực, quyết liệt trong việc quảng bá tiềm năng, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tới các doanh nghiệp trong, ngoài nước... nhưng các nhà đầu tư đến với chúng ta vẫn không nhiều?
Bàn thảo về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong giới đầu tư đưa ra một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó mọi người đều có chung một ý kiến đó là các tuyến giao thông của Thái Nguyên kết nối với các địa phương khác, nhất là về Hà Nội và các tỉnh vùng Đông Bắc, rồi ra các cảng biển còn rất hạn chế. Chính điều này đã, đang ảnh hượng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện chúng ta có đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và chỉ cách sân bay quốc tế Nội Bài chưa tới 60km. Song, chất lượng các tuyến đường trên chưa được tốt, mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông nên mất nhiều thời gian cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá.
Về đường bộ, Thái Nguyên có 3 tuyến quốc: Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 37, trong đó duy chỉ có Quốc lộ 1B từ Thái Nguyên đi Lạng Sơn là giao thông thuận lợi do mới được đầu tư nâng cấp. Còn Quốc lộ 3, Quốc lộ 37 “đi ngược” thì dễ còn từ Thái Nguyên xuôi về các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh vùng Đông Bắc lại “khó”, do đường quá hẹp, xuống cấp, lại đông phương tiện tham gia giao thông. Tuyến Quốc lộ 3 đoạn từ Thái Nguyên - Hà Nội nối với Quốc lộ 5 dài chưa tới 100km, nhưng nhiều lái xe thường xuyên chạy trên tuyến đường này vào giờ cao điểm phải mất gần 3 tiếng đồng hồ! Quốc lộ 37 đoạn từ Thái Nguyên nối với Quốc 1A (đoạn qua Bắc Giang) cũng tương tự. Tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội vài thập kỷ trước có vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển hành khách, hàng hoá giữa vùng Việt Bắc với miền xuôi thì giờ do cơ sở vật chất đã quá xuống cấp. Chiều dài tuyến đường sắt này chưa tới 60km nhưng tàu xuất phát tại Thái Nguyên lúc 7 giờ thì đến 9 giờ 58 phút mới tới ga Long Biên (Hà Nội) nên lượng hành khách đi tầu năm 2007 giảm gần 30% so với năm 2006, lượng hàng hoá của các doanh nghiệp vận chuyển bằng đường sắt cũng giảm theo từng năm. Riêng đường thuỷ, Thái Nguyên chỉ có tuyến từ sông Công (đoạn cầu Đa Phúc) ra sông Cầu rồi nhập với các tuyến đường của thuỷ quốc gia. Do điểm cảng gần ngã ba giao nhau giữa sông Công và sông Cầu nên mức nước luôn đảm bảo và các tàu, sà lan trọng tải dưới 1.000 tấn có thể đi lại được cả trong mùa khô. Tiềm năng thì vậy như cơ sở vật chất tại điểm cảng đường sông Đa Phúc lại chưa được đầu tư đúng tầm nên đóng góp của điểm cảng này trong việc vận chuyển hàng hoá hai chiều từ Thái Nguyên đi, đến cũng không lớn.
Giải pháp khắc phục hạn chế về đường bộ qua Thái Nguyên đã được Trung ương giúp đỡ bằng việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng Quốc lộ 3 mới, tiếp tục nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Thái Nguyên - Bắc Giang; cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lộ. Nhưng để các tuyến đường này sớm được đưa vào sử dụng cũng cần sự nỗ lực của tỉnh trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan. Riêng đường sắt và đường thuỷ, các cơ quan chức năng của tỉnh nên tham mưu để lãnh đạo tỉnh tiếp tục có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương đưa ra kế hoạch cụ thể đầu tư nâng cấp hoặc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác.
Khi giao thông được đầu tư hoàn thiện sẽ thực sự trở thành lợi thế của Thái Nguyên trong việc thu hút đầu tư và tỉnh có thêm nhiều cơ hội, lợi thế cạnh tranh để chào đón các đầu tư, nhất là làn sóng đầu tư mới của các công ty nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).