Huyện Định Hoá có khoảng 500ha rừng cọ, nhưng vài năm trở lại đây đã có gần 1/2 diện tích bị người dân phá để chuyển đổi sang trồng chè và một số cây lâm nghiệp khác. Sở dĩ, có việc phá cọ là vì hiệu quả thấp. Nhưngnếu phá hết rừng cọ thì sẽ mất đi vẻ đẹp phục vụ cho du lịch sinh thái, cao hơn nữa là ảnh hưởng tới tổng thể các di tích của ATK Định Hoá…
Còn lần trở lại mới đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh nhiều rừng cọ xanh tốt đã bị chặt phá mà thay vào đó là cây chè, cây keo lai. Tìm gặp một số hộ gia đình có rừng cọ đã chuyển đổi sang trồng chè, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Diện tích rừng cọ là loại rừng kinh tế và đã giao về cho các hộ quản lý nên khi cây cọ không còn giá trị thì chặt bỏ. Những năm trước lá cọ có giá vì nhiều người mua về để lợp nhà, tinh cọ sử dụng rệt mành thì thu nhập từ cọ còn khá. Nhưng từ khi có tấm lợp prô-xi-măng, người mua lá cọ lợp nhà ít đi, mành cọ cũng ít người dùng nên các sản phẩm thu từ cây cọ khó bán, mất giá.
Đồng chí Nguyễn Văn Ký, Bí thư Đảng uỷ xã Trung Lương cho biết: Cây cọ gắn bó với người dân đã lâu nên khi phá bỏ nhiều người rất tiếc nhưng giữ lại thì thu nhập không đảm bảo, cuộc sống gặp khó khăn. Do đó, chúng tôi định hướng cho dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Không chỉ Trung Lương mà tại các xã như: Binh Yên, Điềm Mặc, Thanh Định, Bảo Linh, Lam Vĩ, Tân Dương… của huyện diện tích rừng cọ cũng đang dần bị thu hẹp. Chúng tôi còn nhớ khi đưa đoàn phóng viên báo chí đi ATK Định Hoá tác nghiệp nhân dịp Thái Nguyên tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2007, nhiều đồng nghiệp ở các báo, đài cả trung ương và địa phương đã phải trầm trồ: ATK Định Hoá có một nét đặc trưng mà không nơi nào có được, đó chính là những rừng cọ xanh bạt ngàn…
Một bên là chuyện cơm áo, gạo tiền thường nhật của người dân, một bên là vấn đề bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nét đặc thù của ATK Đinh Hoá. Vậy phải làm thế nào để chúng ta có được cả hai mục tiêu? Theo ý kiến của một số nhà quản lý văn hoá, du lịch và báo chí thì tỉnh nên sớm xây dựng cơ chế hỗ trợ định kỳ cho các chủ hộ có rừng cọ; tiếp đến là chính quyền huyện Định Hoá, các ngành liên quan của tỉnh nên đầu tư để vực lại nghề sản xuất mành cọ theo hướng sản phẩm chất lượng cao (chứ không phải sản xuất những chiếc mành cọ đơn giản, mộc mạc như hiện nay). Đồng thời mời các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ có uý tín trong nước đến để họ giúp nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cọ…
Những điều nêu trên không phải việc dễ làm nhưng nếu chúng ta không cố gắng, nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết phù hợp thì chắc chắn không lâu nữa toàn bộ diện tích rừng cọ ở Định Hoá sẽ bị xoá sổ!