Năm 2007, Thái Nguyên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Về Thủ đô gió ngàn, Chiến khu Việt Bắc”.
Đây là cơ hội để Thái Nguyên tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành T.W, các doanh nghiệp, đơn vị trong, ngoài tỉnh để xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử, các tuyến điểm du lịch trọng điểm; quảng bá hình ảnh Thái Nguyên tới bè bạn trong và ngoài nước.
Vì vậy, kết thúc Năm Du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và thu hút được 1,2 triệu lượt khách đến với Thái Nguyên, tăng 51% so với cùng kỳ. Cơ sở vật chất về du lịch (hạ tầng giao thông, du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ khách sạn) được nâng lên đáng kể. Đến nay, cả tỉnh đã có 95 cơ sở lưu trú với tổng công suất phòng nghỉ 1.750 phòng, trong đó có 450 phòng nghỉ đủ tiêu chuẩn phục vụ khách có nhu cầu cao cấp; nhiều nhà hàng ăn uống được mở ra có chất lượng cao phục vụ nhu cầu Âu, Á, ẩm thực địa phương vùng Việt Bắc. Bộ mặt trung tâm T.P Thái Nguyên, một số huyện, thị đã được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp; ý thức của người dân về khai thác du lịch được nâng lên.
Những thành công đáng kể của Năm Du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007 là cơ sở, tiền đề để tỉnh và ngành Thương mại- Du lịch (TMDL) đề ra định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2020. Trên cơ sở tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, hình thành các điểm, tuyến, trung tâm du lịch nội vùng và liên vùng trong tỉnh cũng như với cả nước và Quốc tế trong mối quan hệ hoà nhập để phát triển du lịch lâu dài đã tạo cho ngành du lịch Thái Nguyên có điều kiện cần thiết để không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn theo định hướng du lịch văn hoá, cảnh quan môi trường.
Du lịch Thái Nguyên phải được phát triển tiến kịp và hoà nhập với sự phát triển du lịch cả nước, thành ngành công nghiệp du lịch có quy mô và hiệu quả kinh tế cao tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Trở thành ngành kinh tế quan trọng có tầm chiến lược hỗ trợ cho các ngành kinh tế phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường. Từ định hướng trên, ngành TMDL đề ra mục tiêu: Tỷ trọng GDP du lịch trong GDP của tỉnh đến năm 2010 là: Từ năm 2006-2010 chiếm 2,5 đến 3% GDP toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng đến 2010 là 23%. Về khách du lịch: Dự báo đến năm 2010 có số lượt khách là 2 triệu lượt người, trong đó có 100 nghìn lượt khách Quốc tế. Về hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đến năm 2010 có 5 khách sạn; hệ số sử dụng phòng khách sạn đạt bình quân toàn tỉnh 70%. Đến năm 2010, dự kiến có 1.875 phòng, trong đó, phòng đạt tiêu chuẩn khách sạn 1 sao trở lên 850 phòng.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành TMDL sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội nói chung và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển TMDL đã được phê duyệt. Quy hoạch khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc, khu du lịch văn hoá lịch sử quốc gia vùng ATK, quy hoạch du lịch lịch sử khu văn hoá Thần Sa. Đồng thời, xây dựng các điểm đến và các tour du lịch; phát triển đồng bộ các dịch vụ khu, điểm, du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ các khách sạn, nhà hàng để thu hút khách và kéo dài ngày lưu trú của khách.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của mỗi địa phương, tiềm năng du lịch mỗi vùng và quy hoạch phát triển du lịch các huyện, thành, thị nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, thúc đẩy phát triển, khả năng du lịch mỗi vùng. Khuyến khích và có những chính sách phù hợp tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển du lịch một cách có hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở đầu tư, hình thành vùng, khu, điểm du lịch, tập trung xây dựng và mở rộng các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng, tạo nhiều loại hình du lịch khác nhau để có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng, hấp dẫn du khách. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu khoa học trong hoạt động kinh doanh phát triển du lịch, nhất là đào tạo nguồn lực du lịch có chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành kinh doanh, đáp ứng nhiệm vụ hiện tại và từng giai đoạn. Tiến tới thành lập Hiệp hội du lịch Thái Nguyên, thông qua đó chuyển tải chủ trương chính sách của T.W, tỉnh đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nắm bắt nguyện vọng của các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện quản lý du lịch tốt hơn. Đi đôi là mở rộng mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ cả ở thành thị, nông thôn, nhất là các điểm du lịch trên cơ sở dự án đã phê duyệt tạo sự lan toả phát triển du lịch đến các khu, vùng. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo Nhà nước về phát triển du lịch tỉnh nhằm phối hợp nhịp nhàng, thống nhất trong chương trình điều hành chương trình phát triển du lịch. Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch và hệ thống hoạt động kinh doanh du lịch nhằm xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước và hệ thống kinh doanh du lịch địa phương đủ mạnh để phát triển kinh tế du lịch tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Sau kết quả thành công của Năm Du lịch Quốc gia Thái Nguyên 2007, tỉnh và ngành cũng đã đề nghị với T.W và Chính phủ cho phép quy hoạch tổng thể khu du lịch ATK Việt Bắc, gồm 3 tỉnh (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn); cho phép Thái Nguyên hợp đồng với tư vấn nước ngoài quy hoạch khu du lịch khu du lịch sinh thái vùng hồ Núi Cốc và phía Đông dãy núi Tam Đảo; đồng thời xem xét, gắn quy hoạch phát triển du lịch trên dòng sông Cầu với chương trình của Uỷ ban hợp tác bảo vệ phát triển sông Cầu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư thi công tuyến Quốc lộ 3 mới tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc.
Với sự quan tâm giúp đỡ tích cực của Chính phủ, các Bộ ngành T.W và các doanh nghiệp, ngành Thương mại- Du lịch sẽ quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.