Trong những năm gần đây, xã Bình Yên (Định Hoá) đã khoác lên mình tấm áo mới bằng màu xanh của những đồi chè đầy nhựa sống. Chè, một loại cây mũi nhọn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cho gần 70% thu nhập của người dân Bình Yên.
Theo nhiều người dân kể, năm 1963, khi Hợp tác xã Cây Công nghiệp Yên Hoà được thành lập thì cây chè mới bắt đầu phát triển ở Bình Yên. Lúc này, cả xã trồng được 30ha chè nhưng do không được hướng dẫn, tập huấn về quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến cho nên năng suất chè của người dân chỉ đạt khoảng 30 tạ chè búp tươi/ha. Dần dần qua các năm, khi nhu cầu của xã hội về chè búp tăng cao, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất trồng chè cũng tăng theo thì người dân trong xã đã xác định được cây chè là một cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Ngoài vận động các gia đình tập trung cải tạo, chăm sóc diện tích chè đã trồng, UBND xã Bình Yên còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện mở lớp tập huấn về kỹ thuật ươm giống, trồng và chăm sóc cho chè cành. Đồng thời, vận động bà con chặt bỏ giống chè trung du đã cằn cỗi để trồng thay thế giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên xã cũng đứng ra tín chấp với một số ngân hàng để vay vốn cho những hộ nghèo có tiền mua cây giống và phân bón.
Bình Yên hiện có 175ha chè, trong đó có 21 ha chè cành. Sản lượng đạt gần 8 tấn chè búp tươi/năm. Bình mỗi gia đình trong xóm có từ 4-5 sào chè. Chị Nguyễn Thị Môn, thôn Thẩm Vậy cho biết: Trước đây, thu nhập kinh tế gia đình trông cả vào 7 sào ruộng, vài con lợn, con gà nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua cây giống, phân bón để trồng 4 sào chè cành. Ba năm qua, gia đình chị thu hoạch được trên dưới 3 tấn chè búp tươi/năm, cho thu nhập hơn chục triệu đồng/năm.
Đồng chí Đào Thế Toán, Chủ tịch UBND xã Bình Yên thông tin: Những năm gần đây, nhờ năng động chuyển đổi sang trồng cây chè nên đời sống của người dân chuyển biến rõ rệt. Thu nhập bình quân trong xã đạt gần 5 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo trong xã qua từng năm giảm xuống rõ rệt. Song, Bình Yên vẫn là xã còn nhiều hộ nghèo 325/802 hộ. Xác định chè là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo của địa phương nên lãnh đạo xã dành sự quan tâm, chỉ đạo rất sát xao trong việc trồng, chăm sóc và phát triển diện tích cây chè. Tuy nhiên, bên cạnh việc vận động bà con cải tạo diện tích chè cũ, xã cũng khuyến khích bà con trồng xen canh cây chè với cây trồng khác, phá bỏ diện tích chè cằn cỗi để trồng giống chè có năng suất, chất lượng cao.
Những năm tới, kế hoạch xã đưa ra là tăng sản lượng chè đạt khoảng 60 tấn chè búp tươi/năm/ha. Tuy nhiên, do việc đầu tư cho sản xuất chè giống mới là khá cao, nhiều hộ cũng thiếu vốn nên chưa thể thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống thuỷ lợi của xã cũng không thuận lợi, nhiều xóm phải trông vào nước trời hoặc người dân phải dùng máy bơm để bơm nước từ ao nên việc mở rộng diện tích trồng chè của xã hiện gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của các cấp ngành chức năng.