381/1.104 hộ dân tham gia dồn đổi được 594 thửa với tổng diện tích là 108.539 m2, đạt 34,5% kế hoạch- là kết quả sau 4 năm xã Tân Phú (Phổ Yên) thực hiện thí điểm Chương trình dồn điền đổi thửa do tỉnh triển khai. Theo kế hoạch, chương trình được thực hiện từ năm 2004 và kết thúc vào năm 2006, nhưng do kinh nghiệm chưa có, chủ yếu là vừa làm vừa học nên Chương trình bị kéo dài thêm 1 năm.
Với kết quả mô hình điểm không thành công, vậy chúng ta có nên tiếp tục nhân rộng chương trình trên đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chiến lược trong kinh tế nông nghiệp...
Xã Tân Phú có 300ha đất canh tác nông nghiệp, được chia làm 12.464 thửa (có thửa diện tích chỉ 20-25 m2) và thuộc quyền sở hữu của trên 1.100 hộ dân. Bình quân mỗi hộ có 13 thửa, thậm chí có hộ lên tới 37 thửa. Ruộng đất chia cắt nhỏ lẻ như vậy nên việc áp dụng KHKT và công nghệ tiên tiến vào sản xuất ở đây gặp nhiều khó khăn. Để từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ mang tính tự cung, tự cấp như hiện nay, Tân Phú được chọn là xã điểm của tỉnh, huyện để thực hiện Chương trình dồn điển, đổi thửa. Theo kế hoạch, xã Tân Phú sẽ thực hiện dồn, đổi toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp để nhân dân tiện canh, tiện cư, tạo thành những thửa lớn để tạo thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao và phát triển các mô hình kinh tế trang trại.
Để triển khai Chương trình, xã Tân Phú đã thành lập Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa của xã và 11 thôn, xóm, đồng thời tổ chức tập huấn về phương pháp, cách làm, hướng dẫn lập phương án dồn điền, đổi thửa tại cơ sở và tổ chức hội nghị toàn dân quán triệt cụ thể các nội dung như mục đích ý nghĩa, nguyên tắc, cơ chế chính sách trong công tác dồn điền, đổi thửa với sự tích cực tham gia của 90-95% số hộ. Sau đó các xóm tự xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa của mình và phát đơn đăng ký tham gia trên cơ sở bảo đảm tính tự nguyện, dân chủ, công khai, tự thoả thuận đổi ruộng cho nhau. Nhân dân địa phương rất hào hứng, hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
Tuy vậy, kết quả cuối cùng lại không được như mong muốn: Số hộ nông dân tham gia, diện tích được dồn, đổi đều ít khiến các thành viên Ban chỉ đạo của xã, huyện, tỉnh đều thất vọng. Cả xã Tân Phú chỉ có duy nhất anh Trần Hồng Sơn, xóm Thanh Vân dồn, đổi thành công được trên 1 ha tại xứ Đồng Gạo để đầu tư phát triển chăn nuôi thuỷ sản. Nói về quá trình dồn, đổi của mình, anh Sơn cho biết: “Để có được trên 1 ha tập trung này, tôi đã phải thực hiện dồn, đổi thậm chí cả thuê và chuyển nhượng từ 43 thửa ruộng khác nhau. Vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng đến giờ phút này, tôi vẫn chưa được cầm trong tay “sổ đỏ” để yên tâm sản xuất”. Không mạnh dạn như anh Sơn, các hộ khác chỉ dồn, đổi được từ 200 đến 700m2.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao chương trình lại đạt kết quả thấp như vậy, chúng tôi được đồng chí Lê Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến Chương trình dồn điển, đổi thửa không đạt mục tiêu là do trình độ dân trí ở đây còn hạn chế. Đa số người dân mới chỉ thấy được lợi ích trước mắt của công tác dồn điền, đổi thửa trên khía cạnh tiện canh, tiện cư chứ chưa nhận thức được lợi ích của dồn điền, đổi thửa trong việc xây dựng những vùng chuyên môn hoá sản xuất tập trung có đủ điều kiện áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào đồng ruộng giúp họ tăng thu nhập. Ai cũng muốn dồn đổi được ruộng tốt, gần nhà, thuận nước nên cuối cùng... chẳng ai chịu dồn, đổi cho ai.
Thêm nữa, diện tích đất canh tác của Tân Phú phân tán không đồng đều, chủ yếu là ruộng bậc thang nên có sự chênh lệch về độ cao, thấp, độ phì của đất đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa. Cùng đó là việc dồn điền, đổi thửa được tiến hành đồng loạt trên phạm vi toàn xã đã gây không ít khó khăn bởi đây là một chương trình mới, cán bộ cấp xã, xóm còn hạn chế về năng lực nhưng phải thực hiện khối lượng lớn công việc trong thời gian ngắn. Từ đó đã nảy sinh những bất cập trong công tác tuyên truyền, thống kê cũng như việc tư vấn, hỗ trợ kiến thức cho bà con nông dân.
Trước thực tế trên ở Tân Phú, chúng tôi đã trao đổi với một số nhà quản lý về vấn đề có nên tiếp tục nhân rộng chương trình này trên địa bàn toàn huyện thì hầu hết cán bộ cấp xã, xóm đều cho rằng không nên vì Phổ Yên chủ yếu là ruộng bậc thang với nhiều hạng đất khác nhau rất khó dồn đổi. Bà con nông dân là người trực tiếp hưởng lợi cũng không còn mặn mà với chương trình nữa vì trong quá trình thực hiện nảy sinh quá nhiều phức tạp như: Phải chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dồn đổi được cũng chỉ tiện canh tác còn chưa chắc hiệu quả kinh tế đã cao hơn. Bởi tập quán của người dân nơi đây là canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau với phương thức sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, họ chưa có ý thức sản xuất hàng hoá và cơ giới hoá nông nghiệp. Họ tự bằng lòng với những gì mình đang có. Khi nhu cầu của người dân chưa cần thiết thì dù có dồn đổi, họ cũng không có nhân lực, nguồn vốn để đầu tư.
Còn các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp thì khuyến cáo nên tiếp tục duy trì Chương trình dồn điền, đổi thửa vì chúng ta đã hội nhập với nền kinh tế thế giới do đó trong sản xuất nông nghiệp phải hình thành các vùng chuyên canh rộng lớn để tạo ra nông sản hàng hoá. Tuy nhiên, khi thực hiện phải dựa trên cơ sở xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của dân. Trước mắt, chúng ta nên xây dựng thành công các mô hình kinh tế, đưa những giống cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để người dân tận mắt thấy được hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa, và thay đổi dần tập quán canh tác cũ. Khi các mô hình kinh tế kiểu mẫu thành công thì sẽ có sức lan toả, ắt lúc đó bà con nông dân sẽ học tập và nhân rộng. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh có chủ trương, chính sách hỗ trợ cho những hộ dồn, đổi và tạo cơ chế thông thoáng về chuyển đổi quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng đất trong nông nghiệp để người dân vơi bớt những khó khăn trong quá trình thực hiện.