Thiên nhiên ban tặng cho xã Hà Thượng (Đại Từ) những mỏ tài nguyên khoáng sản như quặng sắt, thiếc, than… Nhưng bao nhiêu năm qua, những mỏ tài nguyên này chỉ làm giàu cho một bộ phận không phải là người dân Hà Thượng...
Họ đến khai thác khoáng sản rồi đi, để lại những hầm hố, nguồn nước ô nhiễm môi trường khiến nhiều diện tích đất canh tác phải bỏ trắng.
Giờ thì trong câu chuyện về làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, xoá đói giảm nghèo của đồng chí Chủ tịch UBND xã Chu Văn Tuất không còn những lời than vãn về nghèo đói và ô nhiễm môi trường. Thay vào đó là một Hà Thượng của sự phát triển và đổi mới.
Khu trụ sở làm việc của xã Hà Thượng khang trang, bề thế và có thể nói là đẹp nhất trong các trụ sở cấp xã ở Đại Từ mới được đưa vào sử dụng. Không ai bảo ai, nhưng dường như những người cán bộ nơi đây đều ý thức hơn từ tác phong, lời nói, cung cách làm việc. Đồng chí Tuất nói vui: Nhà nước trang bị cho mình điều kiện làm việc tốt như vậy thì mình cũng phải cố gắng hết sức để xây dựng xã Hà Thượng ngày càng phát triển.
Năm qua, Hà Thượng giảm được 65 hộ nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 14,7%, phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ này chỉ còn 11%. Xoá hộ nghèo- đó là mục tiêu không chỉ của riêng Hà Thượng mà là mục tiêu chung của tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, các cách thức để xoá nghèo là không giống nhau, nó phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa thế… của từng vùng để mỗi địa phương tìm ra một phương thức xoá nghèo phù hợp, hiệu quả. Xã Hà Thượng đã chọn cho mình phương thức phát triển nông- lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Trong những năm gần đây xã đã chỉ đạo nông dân tập trung vào cấy hết diện tích lúa 2 vụ bằng các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao để đảm bảo nguồn lương thực và đầu tư cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; năng suất lúa trung bình cả năm đã đạt trên 51 tạ/ha. Ngoài ra, nông dân còn tích cực đưa các giống cây màu như bí siêu quả, cây khoai tây, đậu tương, cà chua… vào sản xuất vụ 3, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác; xây dựng các cánh đồng có giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, người dân trong xã còn không ngừng mở rộng diện tích cây chè và cây ăn quả bằng các giống chè cành mới. Hiện, Hà Thượng có 116 ha chè kinh doanh, năng suất đạt 70 tạ/ha.
Với yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất, kết hợp với phát triển kinh tế tại địa phương trên mọi lĩnh vực, đến nay xã đã có 20 đội xây dựng và lao động khác; 12 dịch vụ cơ khí; 4 dịch vụ may mặc; 9 cơ sở chế biến gỗ; 1 cơ sở chế biến và làm giấy bao bì; 30 cơ sở nấu rượu; 126 cơ sở kinh doanh buôn bán; 18 cơ sở sửa chữa xe máy và điện tử; 20 cơ sở xay sát gạo và chế biến thực phẩm… Tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đạt gần 8 tỉ đồng/năm. Các cơ sở này đã tạo nên diện mạo ngày càng sầm uất cho Hà Thượng, minh chứng sinh động cho sự phát triển của một xã đang thoát dần khỏi thế thuần nông.
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã thì những gì đạt được mới chỉ là kết quả bước đầu, bởi xã Hà Thượng vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn- là xã trọng điểm của Dự án Núi Pháo, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác cán bộ còn nhiều bất cập; việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn bị một bộ phận người dân lén lút thực hiện…
Để năm 2008 tiếp tục đạt được các mục tiêu kinh tế- xã hội đề ra, Hà Thượng đang tiếp tục triển khai các đề án sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đẩy mạnh mô hình kinh tế VAC, chú trọng đưa giống mới vào sản xuất; duy trì tốt các mô hình giải quyết việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của Dự án Núi Pháo như thâm canh, cải tạo chè, trồng nấm; Chú trọng công tác thuỷ lợi nội đồng, đảm bảo tưới tiêu cho diện tích canh tác, tăng diện tích cây màu đối với các cánh đồng lúa bấp bênh, phấn đấu đưa giá trị cây trồng lên bình quân 36 triệu đồng/ha/năm; phát triển mạnh đàn lợn, đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gà nhốt và gà thả vườn. Làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường…