Tình hình hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện đến nay không có điểm nổi cộm nào, cơ bản được ổn định- đó là nhận định của đồng chí Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ.
Để khẳng định chắc chắn điều đó, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số xã trước kia là "điểm nóng" gây nhiều nhức nhối trong dư luận về việc khai thác khoáng sản trái phép như Cù Vân, Hà Thượng, Yên Lãng... Những gì chúng tôi được tận mắt chứng kiến và qua trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các địa phương, một số người dân, đã cho thấy sự "hạ nhiệt" của những điểm nóng. Những vùng đồi, bãi đã vắng bóng người, không còn nham nhở những hang, hố, hàm ếch… đỏ quạch màu đất mới đào; không còn tiếng còi rú chói tai của những chiếc xe công nông đầu dọc, đầu ngang chạy rầm rầm. Tuy nhiên...?
Kết quả bước đầu
Đại Từ có 31 xã, thị trấn thì có tới 17 xã, thị trấn có hoạt động khoáng sản, trong đó đặc biệt là ở các xã như: An Khánh, Cù Vân, Hà Thượng, Tân Linh, Phục Linh, Lục Ba, Ký Phú, Cát Nê, Khôi Kỳ, Phú Thịnh, Phú Lạc, Yên Lãng, Phú Cường, Minh Tiến… Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn trong năm 2007 đã được triển khai và thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản của tỉnh. Ban chỉ đạo quản lý tài nguyên khoáng sản của huyện, Đội kiểm tra liên ngành được duy trì và hoạt động hiệu quả; đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và các ngành chức năng của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt đối với UBND các xã, thị trấn trong việc kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản.
Trên địa bàn huyện Đại Từ có 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động nghề khai thác, chế biến khoáng sản như: Công ty liên doanh Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo; Chi nhánh than Núi Hồng; Mỏ than Làng Cẩm; Công ty Khai thác khoáng sản miền núi… Các đơn vị thực hiện khá tốt các quy định trong Luật Khoáng sản, góp phần làm ổn định hơn tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn. Huyện đã tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời từ khâu ban đầu là phòng ngừa, ngăn chặn đến khâu đình chỉ, giải toả, xử lý hành chính các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tại các cơ sở bức xúc, nổi cộm về hoạt động khoáng sản trái phép, UBND huyện đã chỉ đạo đến tận cơ sở xã, xóm tổ chức họp với nhân dân tuyên truyền sâu rộng về Luật Khoáng sản, các điều vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, các hộ dân ký cam kết không tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng về hành vi khai thác, chế biến, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép của các đối tượng… Huyện đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc trong công tác quản lý, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép. Thành lập tổ liên ngành của huyện kiểm tra, xử lý các hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất không đúng mục đích được giao (đất vườn, đất lâm nghiệp…) tự ý khai thác khoáng sản trái phép, sẽ lập biên bản cụ thể, nếu hộ gia đình nào cố tình vi phạm sẽ thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003…
Nhờ có những biện pháp kiên quyết, huyện đã giải toả dứt điểm 13 bàn tuyển rửa quặng hoạt động trái phép; tháo dỡ, tạm thu giữ toàn bộ một bàn tuyển quặng sắt ở xã Cù Vân; đình chỉ, giải toả dứt điểm việc khai thác quặng Ti tan trái phép tại các xã Phú Thịnh, Phú Lạc; quặng sắt tại xã Ký Phú, xã Cù Vân; quặng chì, kẽm tại xã Khôi Kỳ; khai thác than trái phép tại xã Cát Nê; giải toả dứt điểm việc khai thác than thổ phỉ tại xã Yên Lãng; xử phạt hành chính 18 đối tượng vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước trên 90 triệu đồng…
Sự ổn định có bền vững?
Tại xã Cù Vân, đồng chí Lê Quốc Hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã cho biết: Việc khai thác khoáng sản trái phép ở xã đã hoàn toàn chấm dứt. Từ cuối năm 2007 đến nay, chúng tôi không phải xử lý hay nhắc nhở một trường hợp nào, nếu bắt được đối tượng nào còn cố tình vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc. Tất cả các hộ dân ở những xóm có quặng đều phải ký cam kết không vi phạm. Năm ngoái, do buông lỏng quản lý, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã bị xử lý kỉ luật ở mức độ khiển trách. Nhưng cũng không thể dám khẳng định chắc chắn việc khai thác khoáng sản trái phép sẽ không xảy ra? Vì quặng sắt, quặng thiếc… lại nằm trong phần diện tích đất thổ cư của nhiều hộ gia đình, có thể các hộ dân vẫn lén lút khai thác.
Còn tại xã Hà Thượng, khi chúng tôi đề cập đến việc tìm hiểu vấn đề này, đồng chí Chu Văn Tuất, Chủ tịch UBND xã nói luôn: Chiều nay xã tổ chức hội nghị triển khai về công tác quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản, trưởng các xóm phải ký cam kết với Chủ tịch UBND xã không để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở xóm mình. Thời gian qua chúng tôi đã làm rất nghiêm túc vấn đề này như củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động động của Ban quản lý khoáng sản, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát…
Tuy nhiên, ngay đêm 25-2-2008, chính mắt tôi đã nhìn thấy một xe ben chất đầy quặng chạy qua địa bàn xã, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn vì cái khó của chúng tôi là xã không đủ thẩm quyền dừng các phương tiện có nghi vấn trở khoáng sản trái phép qua địa bàn. Mặt khác chúng tôi cũng không được cung cấp các kênh thông tin nóng để thông báo kịp thời cho các tuyến trên. Cái khó thứ 2 là lực lượng cán bộ của chúng tôi rất mỏng phải kiêm nhiệm nhiều việc, khoáng sản lại nằm trên đất thổ cư của nhiều hộ dân nên việc khai thác trái phép rất khó kiểm soát. Còn cái khó nữa là trên địa bàn xã có Xí nghiệp thiếc Đại Từ nên nhiều tư thương lợi dụng việc thu mua quặng thiếc của Xí nghiệp về chế biến để trà chộn vào khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép…
Chính vì vậy nên trong bản báo cáo của huyện vẫn còn có đoạn viết: Hoạt động khoáng sản trái phép vẫn lén lút xảy ra, rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công tác lý của chính quyền cơ sở còn lỏng lẻo, chưa có kế hoạch cũng như biện pháp cụ thể, hữu hiệu trong việc kiểm tra, phát hiện, biện pháp xử lý chưa nghiêm. Các hoạt động tuyển rửa, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép cũng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt có nhiều bàn tuyển đã giải toả nhưng do việc kiểm tra, giám sát sau xử lý chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tái diễn lại… Nguyên nhân thì đã nhìn thấy rõ. Biết đến bao giờ trong bản báo cáo kết quả về công tác quản lý khoáng sản của huyện Đại Từ nói riêng và của tỉnh nói chung sẽ không còn hai từ: Tuy nhiên…