Xóa nghèo từ những đồng vốn chính sách

09:54, 04/03/2008

Phúc Trìu là xã nằm ở phía Tây T.P Thái Nguyên, có diện tích đồi núi chiếm tỷ lệ lớn. Các hộ dân nơi đây chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, cây chè chưa thực sự là cây mũi nhọn ở vùng đất này. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, các loại rau mầu nên chưa mấy khấm khá. Năm 2005, cả xã vẫn còn 220 hộ nghèo…

Với mong muốn phát triển kinh tế ,cải thiện đời sống nhân dân, từ năm 2005, Phúc Trìu đã tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách- Xã hội tỉnh (NHCSXH tỉnh) để các hộ nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với NHCSXH tỉnh chịu trách nhiệm quản lý vốn cho các hộ nghèo vay. Hội đã phân giao đến các chi hội nông dân các xóm cùng chung trách nhiệm quản lý đồng vốn, thẩm định đối tượng và mức cho vay đến từng hộ, đôn đốc các hộ trả nợ lãi, gốc khi đến hạn. Khi có vướng mắc, đề xuất kịp thời để Hội Nông dân của xã có hướng giải quyết kịp thời.

Hôm chúng tôi đến làm việc tại xóm Phúc Thuần được nghe anh Nguyễn Văn Chiến, Chi hội trưởng hội Nông dân của xóm báo cáo với anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch hội Nông dân của xã hướng thu tiền của một số hộ nghèo. Ở xóm anh có một hộ hoàn cảnh rất khó khăn. Hộ này vay 6 triệu đồng với thời hạn 3 năm (từ năm 2005- 2008). Dũ chưa đến thời điểm phải trả, nhưng để đảm bảo cả gốc và lãi cho Ngân hàng đúng hạn, chúng tôi phải đôn đốc ngày từ bây giờ để hộ này có kế hoạch trả dần. Nếu để đến hạn mới trả, với số tiền lớn như trên, lại trong hoàn cảnh nghèo thì khó trả hết được.

Với mức dư nợ mỗi năm trên dưới hàng tỷ đồng (năm 2005 là 800 triệu; năm 2006 trên 1,2 tỷ; năm 2007 gần 1,4 tỷ đồng), hội Nông dân của xã đã quản lý khá tốt và đang giúp các hộ nghèo và cận nghèo mạnh dạn đầu tư phát triển đàn trâu, bò; sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là mở rộng diện tích chè với các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Với mức vay từ 4-15 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng, nhiều gia đình vì thế có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Một số hộ như hộ ông Lê Viết Hồng, xóm Cây De, vay 10 triệu đồng cùng với vốn của gia đình đã đầu tư mua và bán cây cảnh. Ông Hồng cho biết, năm 2007 gia đình ông đã có 150 cây cảnh, ông mới bán 6 cây, được 24 triệu đồng. Năm 2008, gia đình mới phải trả gốc Ngân hàng. Từ số tiền bán từ cây cảnh, gia đình ông đã mua được xe máy và một bộ ti vi, loa đài. Ông mong muốn, được Ngân hàng cho vay với mức cao hơn để ông đầu tư trồng thêm cây cảnh.

Cũng ở xóm Cây De, gia đình ông Trần Văn Bắc vay 7 triệu đồng, thêm vốn của gia đình đã đầu tư mua 2 cặp bò lai sin. Sau 3 năm, đàn bò của gia đình ông đã sinh sôi thêm 6 con bê. Lúc cao giá cũng bán được 7 triệu đồng/con. Giờ thì gia đình ông đã có tiền xây lại căn nhà. Ông dự định nếu được Ngân hàng cho vay với mức nhiều hơn, ông sẽ đầu tư mua ô tô để tạo việc làm cho đứa con trai đi chở hàng thuê.

Từ đồng vốn NHCSXH tỉnh, mỗi hộ đều có cách làm riêng, nhưng đều chung một mục đích là xoá nghèo. Do vậy, đến nay số hộ nghèo của xã đã giảm từ 220 xuống còn 153 hộ và phấn đấu đến cuối năm 2008 giảm còn 141 hộ nghèo. Bên cạnh đó, 9/15 xóm của xã đã phát huy thế mạnh vườn đồi đầu tư mở rộng diện tích chè, 90% số hộ ở các xóm này đã có nhà xây, xe máy. Hiện nay, Phúc Trìu có trên 300 ha chè kinh doanh. Ngoài ra, một số hộ đã bắt đầu phát triển cả việc chăn nuôi trâu, bò từ 10-15 con, cho thu nhập ổn định.

Thiết nghĩ, để đời sống của các hội viên được nâng cao thì các tổ chức, đoàn thể xã hội rất cần đến tinh thần trách nhiệm như việc đứng ra tín chấp với ngân hàng để giúp hội viên vay vốn. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng cần mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế phù hợp với khả năng của mình từ những đồng vốn của Ngân hàng. Điều đó, cả Hội Nông dân và người dân xã Phúc Trìu đã làm được.