4 năm vẫn chưa hết chập chững

14:22, 12/04/2008

Đó là câu nói hình tượng nhưng cũng rất thực tế về hoạt động của các HTX dịch vụ điện nông thôn trên địa bàn sau hơn 4 năm chuyển đổi từ Ban Quản lý điện cấp xã. “Chập chững” bởi có tới 50% số HTX chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực điện lực; 43% HTX chưa được bàn giao và xác định giá trị tài sản sau chuyển đổi; đa số HTX chưa hạch toán được kinh doanh, hệ thống sổ sách, chứng từ chưa đúng quy định; trình độ quản lý của thành viên Ban quản trị HTX còn yếu...

Từ năm 2003 trở về trước, tại các xã hình thành Ban quản lý điện. Ban này do UBND xã thành lập và cử người quản lý. UBND các xã hợp đồng mua bán với Ngành điện tại các công tơ tổng. Ban điện có trách nhiệm quản lý lưới điện hạ áp và bán điện tới hộ dân theo giá quy định của UBND xã hoặc giao khoán cho các tổ điện bán với giá khác nhau. Do vậy, một thời gian dài, người dân nông thôn phải chịu giá điện cao hơn giá Nhà nước quy định. Để chấm dứt tình trạng này, Sở Công nghiệp và Ngành điện đã xây dựng Đề án chuyển đổi từ Ban quản lý điện sang HTX dịch vụ điện. Ngay trong năm 2003, 143 Ban quản lý điện cấp xã trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi thành HTX. Có thể nhận thấy, việc chuyển đổi là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu xã hội, góp phần xóa bỏ tiêu cực của các Ban quản lý điện trước đây. Tuy nhiên, thực tế các HTX dịch vụ điện sau một thời gian dài chuyển đổi vẫn chưa thể hoạt động hiệu quả.

HTX dịch vụ điện Tảo Địch, xã Tân Phú (Phổ Yên) chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX từ cuối năm 2003, nhưng đến đầu năm 2008 khi hỏi đến cơ sở pháp lý để hoạt động trong lĩnh vực điện lực thì không có bất kỳ một loại giấy tờ nào, kể cả đăng ký kinh doanh. Điều đáng lưu ý là các thành viên quản trị HTX không có một ai được đào tạo về quản lý điện nông thôn. Hơn nữa, các hoạt động đều không tuân theo phương án sản xuất, kinh doanh và điều lệ của HTX đã xây dựng; không có hợp đồng mua bán điện với các hộ dùng điện, không có các thiết bị an toàn điện và bảo hộ lao động. Có lẽ đây là HTX dịch vụ điện điển hình nhất tỉnh về sự tùy tiện trong hoạt động. Không giống các HTX khác là bán điện đến tận hộ gia đình, HTX Tảo Địch lại bán điện ngay tại trạm biến áp giống như thời điểm còn là Ban quản lý điện cấp xã. Do hoạt động kém, nên mỗi tháng cán bộ HTX chỉ nhận được 50 nghìn đồng tiền lương. Đây chỉ là một trong hàng chục HTX dịch vụ điện trên địa bàn họat động kém hiệu quả sau chuyển đổi.

Nguyên do nào khiến các HTX dịch vụ điện lâm vào tình cảnh khó khăn đó? Chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy, hầu hết các HTX tiếp quản lại đường điện hạ áp do nhân dân đóng góp đã xuống cấp nghiêm trọng của Ban quản lý điện trước đây. Do nguồn vốn cải tạo lại hệ thống hạ áp lớn, nên nhiều HTX đã chọn giải pháp mua điện của các doanh nghiệp trên địa bàn bán lại cho người dân với giá điện sản xuất. Hiện nay có trên 3.000 hộ dân thuộc các HTX dịch vụ điện Yên Lãng, Phục Linh, Cù Vân, An Khánh (Đại Từ)... đang phải chịu mức giá điện cao hơn giá trần của Nhà nước. Quy mô các HTX dịch vụ điện còn quá nhỏ, sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng thấp, nhất là ở địa bàn các xã miền núi dân cư phân bố không tập trung, mật độ trạm biến áp thưa, dẫn đến chất lượng điện không đảm bảo, tổn thất điện năng cao, gây thiệt hại cho các HTX. Hơn nữa, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn yếu, nhiều HTX không có cán bộ chuyên môn về điện lực. Mặc dù đã chuyển đổi nhưng nhiều HTX chưa hoạt động theo quy định của Luật HTX. Các phương án sản xuất kinh doanh đã được đại hội xã viên thông qua, nhưng một số HTX vẫn hoạt động theo mô hình Ban quản lý điện trước kia. Điển hình là các HTX dịch vụ điện Thành Công, Tảo Địch, Vạn Kim (Phổ Yên); Tân Tiến, Quang Minh, Bá Xuyên (T.X Sông Công). Cá biệt, có tới trên 80 HTX chưa tiến hành các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy phép hoạt động điện lực.

Trao đổi về vấn đề này, các nhà quản lý cho rằng, những vướng mắc của các HTX dịch vụ điện chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta phải nhận thấy rằng, công tác tuyên truyền đến người dân còn chưa sâu rộng, thấu đáo. Bởi vậy mới có tình trạng người dân không chịu bàn giao tài sản cho HTX với lý do đường điện có được là từ sự đóng góp của bà con. Với một số HTX, cán bộ UBND xã lại đảm nhiệm vị trí cao nhất trong Ban quản trị, nên mới có tình trạng coi việc quản lý HTX chỉ là việc làm thêm. Việc kiểm tra, giám sát và tư vấn giúp đỡ thường xuyên của UBND các xã và cơ quan chuyên môn cấp huyện chưa nhiều...
Thông tin mới nhất chúng nhận được, để khắc phục tình trạng này, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển lưới điện nông thôn bằng các nguồn vốn vay và đối ứng của địa phương, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ Dự án năng lượng nông thôn 2. Đồng thời tiến hành hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn, trong đó gợi mở việc có thể sáp nhập hai hay nhiều HTX quy mô nhỏ thành một HTX lớn hoặc công ty cổ phần có đủ điều kiện về kỹ thuật, tài chính để hoạt động hiệu quả hơn...