Đẻ nhiều, không áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nên mỗi gia đình đều có từ 3-4 con trở lên trong khi những ông bố, bà mẹ chỉ mới 35-40 tuổi. Nhiều con, ruộng đất canh tác ít, trẻ em không được học hành đầy đủ, trên 90% số hộ dân trong xóm là hộ nghèo… Đó là những gì đang hiện hữu trên bản người Mông Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ).
Chỉ cách trung tâm xã chừng 13km nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới có mặt ở bản người Mông Lân Quan, bởi cả quãng đường dài lỏng chỏng đá và trơn truội sau những ngày mưa phùn. Anh Nguyễn Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã- người dẫn đường cho chúng tôi mặc dù đã quen với đường lên bản nhưng ngồi sau xe anh, tôi vẫn phấp phỏng lo lo bởi đường lên bản chỉ rộng gần 1m, một bên là núi đá, một bên là vực sâu, chỉ cần sơ sẩy là có thể cả người và xe lao xuống vực.
Trên đường đi, anh Hanh kể rất nhiều chuyện về cuộc sống, phong tục của những người Mông ở bản này để tôi quên đi quãng đường gập ghềnh và rất nguy hiểm ấy.
Chúng tôi vào nhà chị Hoàng Thị Lý, đã có trên 10 năm làm cộng tác viên dân số của bản Mông Lân Quan. Là cán bộ dân số nhưng chị Lý cũng đẻ tới 5 đứa con (4 con trai, 1 con gái). Các con của chị chỉ học hết tiểu học đã phải nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Người con trai cả mới ngoài 20 tuổi đã xây dựng gia đình và đã có 2 con trai. Hiện nay, gia đình chị có 10 khẩu đang sinh sống tập trung trong ngôi nhà gỗ rộng chừng 50m2 được Chương trình 135 hỗ trợ năm 2000. 10 miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ngô, không có đất cấy lúa nên mỗi năm gia đình chị chỉ thu được khoảng 2 tấn ngô hạt. Những chỗ đất có thể trồng ngô được thì gia đình chị đã tận dụng hết, nhưng năm nào cũng thiếu ăn khoảng 2 tháng.
Ở bản Lân Quan có 58 hộ thì có tới 42 hộ có từ 3-4 con trở lên, như vợ chồng anh Dương Văn San- Lý Thị Tùng mới gần 37 tuổi đã có 6 con; Đào Thị Chua, 46 tuổi có 5 con… 16 gia đình trẻ mới tách hộ hiện có từ 1-2 con, nhưng có lẽ hộ sẽ không dừng lại ở con số này. Bởi theo quan niệm của người Mông, gia đình phải đông con mới có phúc và việc áp dụng các biện pháp tránh thai là của phụ nữ, cánh đàn ông không phải quan tâm. Hơn nữa, do nhận thức về công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình của người dân còn hạn chế, nên trong xóm có nhiều trường hợp phụ nữ sinh con trước tuổi 22 như chị Lý Thị Mai (sinh năm 1990) đã có con 1 tuổi; Nông Thị Dê (sinh năm 1990) con đầu lòng được 2 tuổi, hiện đang mang thai đứa con thứ hai…
Cả xóm có 58 phụ nữ có chồng thì chỉ có 36 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong đó có những phụ nữ đã có tới 4-5 con mới áp dụng các biện pháp tránh thai, nên năm nào Lân Quan cũng có người sinh con thứ 3 trở lên (năm 2006, có 3 trường hợp, năm 2007 có 2 trường hợp). Một điều rất dễ hiểu là càng đẻ nhiều sẽ càng đói, người dân địa phương dù biết điều đó nhưng... vẫn đẻ dầy, đẻ nhiều. Mấy năm trước, 100% số hộ trong xóm là hộ nghèo. Đến nay, mới có 6 hộ có mức sống trung bình, còn lại vẫn là hộ nghèo, đời sống chủ yếu trông vào mấy sào ngô và chăn nuôi trâu, bò.
Hôm đến Lân Quan, cảnh đầu tiên tôi nhìn thấy là mấy đứa trẻ đang lặn ngụp trong một vũng nước đỏ quạch. Chúng hồn nhiên chơi đùa và té nước vào người nhau. Quan sát quanh bản, tôi không thấy có nơi nào để cho lũ trẻ có thể vui chơi, dù chỉ là một mảnh đất trống. Những bậc làm cha, làm mẹ đã không đủ điều kiện chăm lo cho con nhưng cứ đẻ với quan niệm lạc hậu cho rằng trời sinh voi, trời sinh cỏ. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm về cơ sở vật chất cho đồng bào người Mông ở đây để ổn định cuộc sống, không du canh, du cư, phá rừng làm rẫy nhưng họ vẫn cứ nghèo. Bằng nguồn vốn Chương trình 135, năm 2003 các hộ dân trong bản đã được sử dụng nước sạch có đường ống dẫn đến từng nhà. Bản được trang bị một máy xát thóc, máy nghiền ngô đặt tại nhà trưởng bản. Nhà nước hỗ trợ các hộ dân làm nhà ở tường bưng bằng gỗ, mái lợp prôximăng. Phân trường tiểu học được xây dựng khang trang. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Các chiến sỹ Tiểu đoàn phòng hoá Quân khu I đã giúp bà con mở 2km đường từ dưới chân núi lên bản...
Trẻ em Lân Quan vô tư tắm trong vũng nước ngầu đỏ
Anh Dương Văn Lầu, Trưởng bản Lân Quan cho biết: Được Nhà nước đầu tư như vậy nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn vất vả lắm, bởi không có đất để cấy lúa, các nhà lại đẻ dầy, đẻ nhiều, trẻ em chỉ học cho biết chữ là bỏ. Năm trước, xã mở một lớp bổ túc văn hoá để xoá mù chữ cho nhân dân trong bản, lúc đầu có 20 người tham gia nhưng chỉ được vài buổi bà con bỏ hết vì không theo được.
Được biết, anh Lầu là đại biểu HĐND huyện, trên cương vị là trưởng bản Lân Quan- một bản có trên 90% số hộ là hộ nghèo nên anh đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho đời sống người dân nơi đây bằng tiền, cây, con giống, tập huấn KHKT… Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của sự đầu tư, hỗ trợ ấy thì có lẽ phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người mà 1 trong những việc làm quan trọng là thực hiện tốt công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình, mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con. Có như vậy, người dân mới có thời gian và điều kiện tham gia các lớp tập huấn KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc sức khoẻ… có điều kiện chăm lo, phát triển sản xuất để dần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống gia đình.