"Một cửa liên thông" (MCLT) chính là sự lựa chọn số một của nhiều địa phương trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư. Với Thái Nguyên cũng vậy. Mới đây, một đề án quy mô cấp tỉnh về thực hiện cơ chế MCLT đã được xây dựng. Đây được xem là bước phát triển quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở địa phương.
Mục đích của Đề án này là nhằm thâu tóm việc giải quyết các thủ tục hành chính về một đầu mối, tránh sự rườm rà, thiếu minh bạch, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, giảm chi phí không cần thiết.
Thu hút đầu tư luôn là vấn đề được quan tâm nhất, bởi đây là giải pháp khả quan để phát triển kinh tế trong điều kiện tỉnh ta còn yếu về huy động đầu tư nội lực. Một thực tế không thể phủ nhận là hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh những năm gần đây còn rất hạn chế. Mà một trong những hạn chế đó là thực trạng về thực hiện các thủ tục đầu tư trên địa bàn còn nhiều bất cập. Trong đó, bất cập nhất chính là để nhà đầu tư phải tốn không ít thời gian đến các cơ quan đơn vị thực hiện các thủ tục hành chính.
Gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Thái Nguyên với những dự án đầu tư lớn: Xây dựng hạ tầng KCN Nam Phổ Yên (Công ty Lệ Trạch-Đài Loan); xây dựng Nhà máy sản xuất dụng cụ cầm tay (Công ty TNHH Wiha-Cộng hoà liên bang Đức); Nhà máy May xuất khẩu (Công ty Kido-Hàn Quốc)…có tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư cũng đang tiến hành thăm dò, khảo sát địa điểm, đánh giá môi trường đầu tư nhằm xúc tiến các bước tiếp theo để đầu tư vào tỉnh. Qua tiếp xúc và trao đổi với các nhà đầu tư, chúng tôi biết, điều họ quan tâm nhất chính là giải phóng mặt bằng và giải quyết các thủ tục hành chính.
Ông Trần Diệu Khôi, Giám đốc Công ty Lệ Trạch- Đài Loan cho biết: Chúng tôi đã đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam. Ở Thái Nguyên, chúng tôi đầu tư một dự án khá lớn nên các chi phí đi kèm cũng không nhỏ. Để chậm tiến độ đầu tư đồng nghĩa với việc Công ty sẽ tốn kém những khoản chi phí không cần thiết. Do vậy, việc thực hiện các thủ tục ban đầu như cấp phép đầu tư, thuê đất, mời thầu… rất cần sự nhanh chóng, linh hoạt từ phía chính quyền địa phương. Thái Nguyên đã thực hiện cơ chế một cửa, nhưng quy mô còn nhỏ và chưa thuận tiện. Tôi thấy nhiều địa phương đã thực hiện cơ chế MCLT rồi và rất hiệu quả.
Có thể nói, ý kiến của nhà đầu tư như ông Trần Diệu Khôi là hoàn toàn sát thực, khách quan. Và, việc hình thành cơ chế MCLT trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Theo Đề án thực hiện cơ chế MCLT thì trước mắt tỉnh sẽ hình thành Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành viên là lãnh đạo và một số chuyên viên giỏi ở các sở, ban, ngành liên quan đảm trách. Giúp việc cho Ban chỉ đạo là bộ phận thường trực thường xuyên làm việc với nhà đầu tư tại văn phòng MCLT đặt tại trụ sở UBND tỉnh. Văn phòng MCLT sẽ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thực hiện những thủ tục hành chính như: Trả lời chủ trương đầu tư, thẩm định hồ sơ, hướng dẫn thực hiện, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho nhà đầu tư... Vấn đề thụ lý hồ sơ đầu tư được từng cơ quan chuyên ngành thực hiện theo đúng quy trình công khai, rồi chuyển kết quả đó cho đơn vị "đầu mối" là Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời nhà đầu tư.
Tới đây, khi mô hình MCLT chính thức vận hành thì tất cả các dự án đầu tư vào Thái Nguyên sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, có tính khả thi đã được cơ quan đầu mối chọn lọc qua hoạt động tiếp xúc với các nhà đầu tư, có nhu cầu thành lập doanh nghiệp mới, cần thực hiện các thủ tục hành chính… đều là đối tượng của cơ chế MCLT. MCLT sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề từ khi nhà đầu tư trình bày dự kiến dự án đầu tư đến khi giải quyết xong các thủ tục hành chính liên quan. Các thủ tục hành chính sẽ được triển khai qua cơ chế MCLT gồm: Chấp nhận chủ trương đầu tư, địa điểm thực hiện dự án, thủ tục khắc dấu và cấp mã số thuế; các thủ tục về xác nhận môi trường, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; cấp chứng chỉ quy hoạch, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng; phê duyệt phương án bồi thường GPMB; xác nhận chuyển giao công nghệ, đăng ký chất lượng sản phẩm…
Điều mà nhà đầu tư cũng như các nhà quản lý quan tâm nhất chính là MCLT sẽ đảm bảo thời gian hơn so với các cơ chế cải cách hành chính khác. Toàn bộ các thủ tục hành chính thực hiện trong cơ chế MCLT được các ngành giải quyết đồng thời trong khoảng thời gian không quá 20 ngày kể từ khi nhận được các hồ sơ hợp lệ. Nhà đầu tư chỉ cần đến làm việc với văn phòng MCLT để trình bày dự kiến đầu tư. Văn phòng MCLT sẽ trực tiếp trả lời nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư và hồ sơ của nhà đầu tư lưu tại văn phòng MCLT không quá 2 ngày, sau đó chuyển cho các sở, ngành chuyên môn thụ lý.
Mỗi thủ tục hành chính được thụ lý và giải quyết cũng không quá 2 ngày. Tất cả các cơ quan tham gia thực hiện MCLT đều có trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính cùng một lúc và đúng tiến độ đề ra. Cụ thể, Ban quản lý các KCN của tỉnh sẽ xử lý các thủ tục đúng chức năng, thẩm quyền thực hiện đồng thời không quá 10 ngày; Sở Tài nguyên-Môi trường thụ lý hồ sơ đồng thời không quá 15 ngày; sở Xây dựng cũng đồng thời thụ lý các hồ sơ, thủ tục không quá 20 ngày. Các Sở chuyên ngành, UBND các huyện, thành, thị tham gia trong Ban chỉ đạo cũng tuân thủ thực hiện đồng thời các thủ tục không quá 20 ngày…
Như vậy, thực hiện MCLT chính là giải pháp tối ưu và là cơ chế quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, điều mà mọi người đang quan tâm hiện nay chính là việc triển khai thực hiện cơ chế đó như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.