Làm giàu trên vùng đất “nghịch”

14:35, 27/07/2008

Nhiều người bảo đó là vùng đất “nghịch”. Người có chút kiến thức nông học cho rằng một xã thuần nông có tới một phần ba diện tích đất canh tác thường xuyên thiếu nước tưới và khoảng một phần tư xóm, bản nằm sâu trong các khe núi thì đích thị là không thuận rồi. Những người hơi hướng duy tâm lại suy nghĩ: Đấy là vùng đất “nghịch”

Chẳng thế mà trồng mơ, mơ rớt giá, trồng hồng, hồng ế dài và cuối cùng phải phá bỏ hàng loạt. Đấy là cách nhìn và suy nghiệm của một số người, còn với người dân vùng thôn quê Phúc Thuận, một xã vùng xa của huyện Phổ Yên thì tư duy giản đơn hơn, nhưng rất thực tế, ấy là biết biến cái nghịch thành cái thuận, biết xoá cái nghèo để trở nên giàu có.

Câu chuyện về cây mơ, quả hồng của những năm trước giờ vẫn được bà con trong xã nhắc lại mỗi khi có ai đó muốn tìm hiểu. Đó là câu chuyện không vui, nhưng là bài học đắt giá cho bà con nông dân trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều biến động như hiện nay. Trước thời điểm đó, hồng không hạt đang là loại quả rất được ưa chuộng trên thị trường, còn quả mơ là nguyên liệu quan trọng cung cấp cho Nhà máy chế biến rượu của tỉnh. Nhưng chỉ thịnh được một vài năm, khi các loại trái cây khác tràn ngập thị trường và Nhà máy rượu mơ làm ăn thua lỗ thì hai loại cây ăn quả từng là thế mạnh của Phúc Thuận nghiễm nhiên rơi vào cảnh “cho không đắt”. Toàn xã lúc này có trên 100 ha hồng, mơ. Gia đình nhiều cũng có tới cả héc ta.

Sau những khốn đốn vì trái cây rớt giá, nhiều nhà đã phải ngậm ngùi huỷ toàn bộ diện tích hồng, mơ để chuyển sang trồng vải và nhãn. Lần này, bà con có kinh nghiệm hơn, vải, nhãn trồng đại trà nhưng xen vào đó là chè và vườn rừng. Lý luận của bà con là nếu cây này rớt giá đã có cây khác đắp đổi và như vậy nông dân mới không bị trắng tay sau mỗi vụ. Điều đó đã được chứng minh ngay khi Đảng uỷ, chính quyền xã Phúc Thuận chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mấy năm gần đây mỗi khi vải, nhãn trong xã bị ế ẩm thì nguồn thu chính của bà con lại là cây chè và vườn rừng. Năm nay cũng vậy, vải được mùa, nhưng vì rớt giá nên dù có trên 200ha vải, nguồn thu của nông dân trong xã cũng chẳng được là bao, có chăng là hoà vốn. Bởi giá vải quả trên thị trường lúc giữa vụ chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, còn mua tại gốc chỉ 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, 370ha chè kinh doanh của xã lại cho nguồn thu khá. Vào thời điểm giá chè rẻ nhất bà con cũng có thể bán được với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg búp khô.

Nói vậy để thấy rằng, tư duy canh tác của người nông dân nơi vùng đất vẫn được xem là “nghịch” này đã thay đổi rất nhiều. Sự đổi thay đó có vai trò lãnh đạo và định hướng quan trọng của cấp uỷ, chính quyền xã. Xin đưa ra một ví dụ cụ thể. Năm 2006, từ thực tế tự phát của một số hộ dân, UBND xã Phúc Thuận đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai hai mô hình điểm về xây dựng “cánh đồng 50 triệu đồng/ha”. Với điều kiện thổ nhưỡng hiện có, xã đã chọn hình thức luân canh cây trồng, hướng dẫn bà con thực hiện mô hình điểm. Cụ thể, với đất ruộng, xã chọn công thức: Lúa xuân + lúa mùa trung + khoai tây; với cây chè chọn công thức: Chè xuân + chè chính vụ + chè đông. Xã thực hiện quy mô 10ha chè (2ha chè cành) tại các xóm Đức Phú, Bãi Hu, Tân Ấp 1 và Phúc Tài và lựa chọn 53 hộ tham gia. Các giống chủ yếu là chè Trung du, LDP1, 777. Với cây lúa, quy mô 10ha, thực hiện tại 4 xóm là Quân Cay, Phúc Tài, Coong Lẹng và ấp Lươn, có 55 hộ tham gia. Giống lúa chủ yếu là Khang dân 18, Bồi tạp 49, Tiên ưu 95, Bắc ưu 64. Còn khoai tây chủ yếu là giống nhập từ Hà Lan và Trung Quốc. Đây là những giống cây trồng đã qua phân tích và tuyển chọn kỹ, có thể thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Phúc Thuận. Hiện nay, mô hình này đang được triển khai hiệu quả, tới đây sẽ nhân rộng mô hình ra toàn xã.

Điều trăn trở nhất đối với cấp uỷ, chính quyền xã Phúc Thuận nhiều năm nay là việc đầu tư cải thiện đời sống đồng bào các xóm khó khăn. Khi nói về điều này, ông Hoàng Minh Nhuận, Bí thư Đảng uỷ xã không giấu được vẻ suy tư. Ông bảo: Xã có mấy xóm vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn quá. Đất nông nghiệp quanh năm khô cằn, trình độ canh tác của đồng bào còn hạn chế, giao thông đi lại không thuận tiện. Đó là tình hình chung của các xóm: Khe Đù, Gắp Lươn, Trung Năng, Đồng Muốn, Hạ... Tỷ lệ hộ nghèo cũng tập trung hầu hết ở đây.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết 3 năm trở lại đây, xã đã có Nghị quyết về tập trung nguồn lực đầu tư cho những xóm khó khăn này. Cụ thể, trong năm 2005 và 2006 xã đã hoàn thành xây dựng đập tràn Tân Ấp với tổng vốn gần 4 tỷ đồng, giải quyết những khó khăn về giao thông, giao thương, phòng chống lụt bão và cấp nước canh tác cho đồng bào 6 xóm vùng sâu của xã. Cũng trong thời gian này, từ nguồn vốn 134, xã đã đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt phục vụ 233 hộ đồng bào dân tộc Dao, Sán Dìu của 2 xóm: Hạ và Đồng Muốn. Ngoài ra, xã cũng đã vận động nhân dân đóng góp được khoảng 2 tỷ đồng bê tông hoá trên 20km đường liên thôn. Cùng với đó, xã chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho đồng bào, đưa những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả kinh tế áp dụng vào các xóm vùng khó khăn. Nhờ đó, tư duy phát triển kinh tế theo hướng tiến bộ, hiệu quả của bà con đã dần được khai thông. Tỷ lệ hộ nghèo ở đây đã giảm đáng kể theo từng năm (giảm từ 10-15%/năm).

Tỉnh lộ 261 từ Trung tâm huyện Phổ Yên nối sang huyện Đại Từ khoảng 7km đi qua địa bàn xã Phúc Thuận. Con đường này giờ đã được trải nhựa và mở rộng hơn trước rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để một xã vùng xa, nằm ở phía Tây Phổ Yên có thể vươn xa hơn, thoát ra khỏi tư duy tự cung, tự cấp và tự phát. Mũi nhọn kinh tế của xã là chăn nuôi, trồng rừng, trồng chè và cây ăn quả. Chính nhờ biết phát huy những mũi nhọn kinh tế này mà hiện nay xã đang có khoảng 200 hộ làm kinh tế giỏi, gần 2.000 hộ có kinh tế khá và trung bình/ tổng số 3.016 hộ dân. Có thể kể tên một số mô hình kinh tế tiêu biểu của xã cho thu nhập từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm như: Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Hách, xóm Coong Lẹng; mô hình nuôi trâu, bò thịt và sinh sản của ông Trần Ngọc Thanh, xóm Coong Lẹng; mô hình cây ăn quả của gia đình ông Hoàng Tuấn Khanh, xóm Trung; mô hình chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp của bà Phạm Thị Thắm, xóm Hạ...

Tư duy và cách làm giàu ở vùng đất “nghịch” là như vậy. Tuy còn đang trong giai đoạn thoát khỏi khó khăn, tiệm cận dần tới tiêu chí xã không còn hộ nghèo, nhưng những gì mà Phúc Thuận đang có thật sự đáng để nhiều địa phương khác trong tỉnh quan tâm, tìm hiểu.