Vài năm trước đây, các doanh nghiệp khai khoáng của tỉnh chỉ có thể tuyển rửa quặng thô và xuất bán sang Trung Quốc với giá “bèo”, thì giờ, nhiều công ty đã có khả năng thực hiện các dự án chế biến sâu khoáng sản ngay tại địa phương. Đây được xem là sự chủ động, kịp thời của các nhà đầu tư khi Chính phủ đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp chế biến khoáng sản nội địa, tiến tới cấm xuất khẩu quặng thô...
Những năm qua, ngoài Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu có dây chuyền chế biến sâu, còn lại các đơn vị khác đều trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ và chủ yếu bán quặng thô hoặc quặng nghèo. Gần đây, khi tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích kèm theo những quy định bắt buộc về cơ chế đầu tư chế biến sâu khoáng sản, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Tại khu vực Mỏ titan Cây Châm, thuộc xã Động Đạt (Phú Lương), 3 Công ty tổ chức khai khoáng và chế biến gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, Công ty CP Ban Tích và Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi. Hiện tại, đã có 2 công ty đầu tư Nhà máy chế biến tinh quặng với tỷ lệ titan đạt từ 48% -52%. Đó là Công ty CP Ban Tích, xây dựng nhà máy chế biến với tổng đầu tư 58,2 tỷ đồng, công suất thiết kế 80.000 tấn tinh quặng/năm. Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến với công suất 40.000 tấn tinh quặng/năm.
Xét thấy, với hệ thống máy móc, thiết bị trên chưa thể đảm bảo sản xuất lâu dài với quy mô lớn, hiệu quả, nên các doanh nghiệp đang tiếp tục lập dự án đầu tư chế biến sâu và luyện xỉ titan. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng và PTNT miền núi đang đầu tư trên 105 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan với công suất 20 nghìn tấn/năm và 10 nghìn tấn gang hợp kim/năm. Công ty CP Ban Tích đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến với công suất 32 nghìn tấn Ilmenit hoàn nguyên và 20 nghìn tấn xỉ titan/năm. Công ty CP Xuất nhập khẩu đầu tư 376,2 tỷ đồng, dây chuyền có công suất 30 nghìn tấn xỉ titan và 6 nghìn tấn gang hợp kim/năm.
Ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi cho biết: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh, cùng một lúc chúng tôi đã đầu tư 2 nhà máy chế biến sâu khoáng sản với quy mô lớn, 1 luyện xỉ titan, 1 sản xuất kẽm thỏi. Hiện nay, Nhà máy luyện xỉ titan của chúng tôi đã triển khai thi công được 1/4 khối lượng công trình, phấn đấu cuối năm nay sẽ cho ra sản phẩm. Là doanh nghiệp chuyên khai khoáng, chúng tôi rất ủng hộ và chấp hành nghiêm chủ trương chế biến sâu khoáng sản tại địa phương”.
Các doanh nghiệp hiện đang khai thác và chế biến chì kẽm quy mô lớn, cho ra đời những sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại mầu Thái Nguyên với dây chuyền kẽm điện phân tại KCN Sông Công, công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm, dây chuyền chế biến quặng chì, công suất 20 nghìn tấn quặng nguyên khai/năm; Công ty Liên doanh Kim loại mầu Việt Bắc với dây chuyền sản xuất kẽm tại KCN Điềm Thuỵ- Phú Bình, công suất 10 nghìn tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Xây dựng và PTNT miền núi khai thác tại mỏ Bản Tèn, đang đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến sâu với công suất gần 10 nghìn tấn/năm; HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng đang đầu tư dây chuyền chế biến quặng chì, kẽm, công suất không dưới 10 nghìn tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của những doanh nghiệp này là kẽm thỏi 99,8%, bột ôxit kẽm, axit sufuric. Đây là những sản phẩm quan trọng phục vụ xuất khẩu và ngành công nghiệp nặng trong nước.
Về quặng sắt hiện nay vẫn tập trung nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp luyện phôi và cán thép của Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Kim khí Gia Sàng và một số đơn vị có khả năng trong tỉnh. Tỉnh đã có chỉ đạo không vận chuyển quặng sắt ra ngoài tỉnh để phục vụ công tác chế biến sâu tại địa phương.
Có thể nói, việc các doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, nhất là các loại khoáng sản thế mạnh của tỉnh là một tín hiệu vui và phù hợp với chủ trương chung của Nhà nước và của tỉnh. Bởi điều này giúp các doanh nghiệp này tăng vốn đầu tư, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và quan trọng là đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước, nâng cao giá trị tăng trưởng kinh tế địa phương.