Tình hình các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hoá (Kỳ I)

15:16, 24/07/2008

Sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới khu vực kinh tế Nhà nước. Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương tổ chức triển khai và thực hiện tốt Chủ trương này. Tính đến hết năm 2005, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành sắp xếp lại, đổi mới hình thức sở hữu với 41 DNNN.

Các DNNN sau cổ phần hoá (CPH) đã đạt được các tiêu chí đề ra

Nhìn chung, thực trạng của các DNNN tại thời điểm chuyển hình thức sở hữu phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, kết quả sản xuất kinh doanh thấp. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 40% doanh nghiệp ( DN) có lãi; 30% DN hoà vốn; 30% DN thua lỗ. Số DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm 32%; DN có vốn từ 1-5 tỷ đồng chiếm 62%; DN có vốn trên 5 tỷ đồng chiếm 6%; DN thuộc đối tượng CPH, giao, bán, khoán kinh doanh có vốn bình quân 1,7 tỷ đồng/DN.

Các DNNN chuyển thành công ty cổ phần dưới các hình thức: 7 DN Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; 9 DN Nhà nước nắm giữ cổ phần ở mức thấp; 16 DN Nhà nước không nắm giữ cổ phần và 9 DN bán DNNN cho tập thể người lao động.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định: CPH DNNN là nhằm tạo ra loại hình DN có nhiều hình thức sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động để sử dụng có hiệu quả đồng vốn, tài sản Nhà nước và huy động thêm vốn của xã hội vào sản xuất- kinh doanh (SXKD); tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế năng động, có hiệu quả cho DNNN; phát huy vai trò thực sự của người lao động, cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội với DN; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, DN, người lao động. Sau 10 năm (1998-2008) thực hiện chuyển đổi hình thức sở hữu các DNNN trên địa bàn tỉnh cho thấy: CPH đã tạo ra cho DN có nhiều chủ sở hữu, bao gồm Nhà nước, người lao động trong DN, cổ đông ngoài DN; trong đó, người lao động trong DN trở thành người chủ thực sự trong phần góp vốn của mình.

Trong 40 DNNN đã CPH, từ chỗ chỉ có 1 chủ sở hữu là Nhà nước, đã hình thành 41 Công ty cổ phần (Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên được cổ phần hoá từ bộ phận của Công ty Xây lắp điện Bắc Thái). Nếu tính bình quân kết quả CPH, thì chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ 23,4% vốn điều lệ; người lao động trong DN nắm giữ 73,5% vốn điều lệ; cổ đông ngoài DN nắm giữ 3,1% vốn điều lệ. Một số Công ty như Công ty Xuất nhập khẩu; Công ty In Thái Nguyên, Công ty Muối iốt đã thực hiện cổ phần có giảm giá cho các nhà đầu tư chiến lược nên đã tạo động lực mới mở rộng thị trường, tăng thêm tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý, đổi mới công nghệ.

CPH đã trở thành giải pháp cơ bản và quan trọng nhất trong cơ cấu DNNN để DN có cơ cấu thích hợp, quy mô lớn, tập trung vào lĩnh vực then chốt có ảnh hưởng lớn đến kinh tế- xã hội. Do được cơ cấu lại nên các DN từ chỗ phân tán, dàn trải trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nay chỉ tập trung vào ngành, lĩnh vực Nhà nước cần chi phối để Nhà nước làm công cụ điều tiết vĩ mô. Quy mô vốn của DN được tăng lên đáng kể: Năm 1998, bình quân vốn của 1 DN chỉ có 1,7 tỷ đồng, nay vốn điều lệ của các Công ty bình quân là 2,34 tỷ đồng; từ chỗ 30% DN có mức vốn Nhà nước dưới 1 tỷ đồng, nay chỉ còn 3/41 DN.

Tài chính DN cũng lành mạnh hơn thông qua việc cơ cấu lại các khoản nợ; xử lý tài sản là vật tư, hàng hoá ứ đọng, tồn kho lâu ngày, kém, mất phẩm chất, máy móc thiết bị, nhà cửa, vật kiến trúc không dùng hạch toán vào hoạt động kinh doanh, giảm vốn Nhà nước hoặc bàn giao cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN. Lao động của DN được cơ cấu lại một bước; chỉ có 4/41 DN DN thực hiện CPH theo Nghị định 44 là không có lao động dôi dư được hưởng trợ cấp từ Nhà nước.

Trong quá trình CPH, một mặt vốn Nhà nước tại DN được đánh giá lại khách quan hơn, tiếp cận hơn với cơ chế thị trường, mặt khác đã huy động được 78 tỷ đồng của các cá nhân, tổ chức ngoài xã hội vào DN để đầu tư vào các DNNN và sử dụng vào các mục đích khách khuyến khích DN phát triển. Phần vốn Nhà nước tham gia vốn điều lệ tại các Công ty cổ phần còn được bảo toàn và phát triển nhờ hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN CPH có xu hướng ngày càng tăng. Chuyển sang Công ty cổ phần, DN hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động theo pháp luật và kết quả SXKD trước cổ đông, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư phát triển, phân phối lợi nhuận, sắp xếp tổ chức sản xuất và bổ nhiệm cán bộ.

Nhiều công ty cổ phần đã tiến hành rà soát và xây dựng mới quy chế tài chính, lao động, tuyển dụng, đề bạt cán bộ; xác định rõ trách nhiệm về quyền hạn, nghĩa vụ, quyền lợi của Ban lãnh đạo, cổ đông, có cơ chế phân phối rõ ràng, tinh giản bộ máy quản lý, tổ chức hợp lý các bộ phận kinh doanh, bố trí lại lao động phù hợp. Bên cạnh đó, nhờ việc tham gia vào quản lý công ty cổ phần đã góp phần đào tạo, rèn luyện để hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị công ty ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường...

(Còn nữa)