Chính sách đối với người lao động trong cổ phần hóa (CPH) cho phép người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuyển sang công ty cổ phần trở thành cổ đông.
Thông qua hoạt động của các công ty cổ phần (CTCP) cho thấy: CPH đã thực sự nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Đa số các DN đều có vốn điều lệ tăng. Có DN sau 3 năm hoạt động vốn điều lệ tăng gấp 2 lần như CTCP Du lịch hồ Núi Cốc; CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Về doanh thu, tuyệt đại đa số DN có mức tăng bình quân trên 10%. Có nhiều DN có mức tăng trưởng cao như CTCP Du lịch hồ Núi Cốc; CTCP Dược và Vật tư Y tế; CTCP Xây dựng Giao thông 2, CTCP Xây dựng và khai thác than. Tất cả đều có lợi nhuận. DN có lãi bình quân đạt trên 83%; số DN hoà vốn chiếm 7%; số DN lỗ chiếm 10%. Các DN có mức cổ tức cao và ổn định: CTCP Giấy Xuất khẩu, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG; CTCP Xi măng Cao Ngạn; CTCP Xây dựng Giao thông II...
Về nộp ngân sách, mức nộp hàng năm của các DN bình quân tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, do chính sách ưu đãi của Nhà nước với các DN sau CPH nên mức nộp ngân sách của các DN tăng khoảng 7% so với trước CPH. Thu nhập của người lao động bình quân tăng trên 15%. Do cơ cấu lại lao động, số lao động năm 2005 của 41 CTCP là 7.578 người, so với thời điểm trước CPH giảm 1.430 người. Số lao động được tuyển dụng mới so với số lao động từ DNNN sang CTCP tăng trên 17%, khoảng trên 1.200 lao động.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình CPH DNNN
Bên cạnh những kết quả đạt được sau khi thực hiện chủ trương CPH DNNN, trong quá trình thực hiện các CTCP đã bộc lộ những yếu kém về nhận thức, tư tưởng, chính sách, tổ chức thực hiện... nên việc đa dạng hoá sở hữu trong CPH còn hạn chế. Trong tổng vốn Điều lệ tại thời điểm thành lập của các DN CPH là 10.487 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 23,4%; người lao động trong DN chiếm 73,5%, cổ đông ngoài DN chiếm 3,1%. Như vậy, vốn Nhà nước còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong vốn điều lệ.
Nhiều DN thuộc diện Nhà nước không cần giữ cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ. Nhiều người lao động trong DN chưa đủ khả năng mua cổ phần với số lượng lớn ngoài cổ phần ưu đãi hoặc lại bán cổ phần ưu đãi ngay sau khi mua. Việc thu hút cổ đông ngoài DN còn ít; các DN thực hiện CPH trước ngày 1-1-2005 thực hiện CPH “khép kín”. Thực tế có 37/41 DN thực hiện không bán cổ phần ra ngoài DN. Về quy mô của DN, do tỷ lệ vốn điều lệ thấp nên cơ bản các DN chỉ ổn định sản xuất- kinh doanh đối với những mặt hàng, ngành nghề truyền thống, chưa đủ khả năng vốn để đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới.
Mặt khác, việc huy động vốn bổ sung hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm mục đích để phát triển sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ làm thay đổi quy mô DN tại các DN không nhiều. Do vậy, nhìn chung các DN thực hiện CPH cơ bản chưa thay đổi quy mô so với trước CPH.
Bên cạnh đó, điểm hạn chế lớn nhất trong quản lý là nhiều công ty chưa có sự đổi mới, chuyển biến thực sự; phương pháp, lề lối làm việc, tư duy quản lý vẫn như cũ. Các DN còn chậm trong việc bổ sung đăng ký kinh doanh khi có thay đổi về người đại diện theo pháp luật, thay đổi vốn điều lệ, hồ sơ lập chưa đúng quy định. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông tại một số DN chưa được thực hiện tốt. Hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát tại một số DN còn lúng túng, chưa phân định rõ vai trò của cổ đông, HĐQT, Ban Kiểm soát và vai trò của người lao động trong quản lý điều hành, tổ chức kinh doanh. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước tại các CTCP ở một số DN chưa thực hiện đầy đủ. Sự tăng trưởng của các DN sau CPH có tăng nhưng chưa cao. Nhìn chung các DN còn lúng túng về định hướng phát triển lâu dài. Một số DN tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh như CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái sau 3 năm CPH lỗ 11 tỷ đồng (vốn điều lệ 3 tỷ đồng); Công ty Tư vấn Xây dựng giao thông năm 2005 lỗ 3,2 tỷ triệu đồng; CTCP Sản xuất dịch vụ tổng hợp tại thời điểm chuyển đổi năm 2003 hoạt động SXKD khó khăn, đến nay vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Những tồn tại trên nguyên nhân cơ bản là do cán bộ quản lý DN, cổ đông và người lao động trước mô hình mới ban đầu chưa nhận thức đầy đủ. Sự hiểu biết, việc vận dụng Luật Doanh nghiệp vào thực tế còn hạn chế. Một số DN chưa xây dựng được quy chế hoạt động trong quản lý điều hành của HĐQT, ban kiểm soát, quy chế tài chính, tài sản, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ. Về phía Nhà nước, công tác kiểm tra, hướng dẫn DN chưa nhiều.
Kiến nghị
Cho đến nay, chủ trương sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả DN đã đi được chặng đường 10 năm. Mặc dù có DN thực hiện sớm, có DN thực hiện muộn song từ đội ngũ cán bộ quản lý đến người lao động và cổ đông đều đã nhận thức khá đầy đủ chủ trương này nên việc tuyên tuyền đến người lao động không còn mấy khó khăn. Tuy nhiên, để đánh giá đúng thực trạng của từng DN vẫn cần có sự định hướng mới trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi tỉnh nên có sự chỉ đạo tổng kết đánh giá hoạt động của các DN sau CPH hoặc nên có hội thảo chuyên đề để rút ra những mặt tồn tại, yếu kém, có định hướng chiến lược lâu dài. Qua đó có cái nhìn tổng thể (từ quản lý đất đai, vốn Nhà nước, vướng mắc trong cơ chế, chính sách...) và có giải pháp giải quyết những tồn tại, khó khăn của DN.
Đối với DN làm ăn có hiệu quả cũng nên nhân rộng điển hình. Nếu những DN sau CPH liên tục làm ăn thua lỗ cũng nên có hướng giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các CTCP để tránh tình trạng mất dân chủ; người lao động ít vốn đóng góp dễ mất quyền làm chủ trong Công ty; huy động vốn của người lao động và cổ đông quá mức và sử dụng vốn không hiệu quả; việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các DN; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động; việc thực hiện chính sách pháp luật trong mua bán cổ phiếu có đúng hay không? Ngoài ra còn định hướng cho DN trong quá trình thực hiện CPH như vấn đề bầu lại đại hội cổ đông; ban kiểm soát; bổ sung vốn điều lệ; khi DN làm ăn thua lỗ, vốn Nhà nước trong CTCP xử lý như thế nào?... Có như vậy mới định hướng cho CTCP luôn hoạt động theo đúng luật và các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.